Đầu tháng 6, anh Tùng (Hoàng Mai, Hà Nội) mua lại một căn nhà 52m2 trong ngõ tại phố Chùa Láng. Sau gần 2 tháng sửa chữa, thay nội thất và lắp điều hòa mới với 9 phòng khép kín,... đầu tháng 8 anh Tùng đăng thông tin cho thuê nhà với giá 3,5 triệu/phòng/tháng. Điều bất ngờ, chỉ sau 4 ngày đăng thông tin, 9 phòng trọ đều đã có người liên hệ đặt cọc thuê.
Mỗi phòng có diện tích khoảng 15m2, nội thất đầy đủ giá thuê dao động 3,5 - 4 triệu/phòng/tháng
“Tôi khá bất ngờ, không nghĩ nhu cầu thuê phòng trọ hiện nay lại cao như vậy. Chưa tới 1 tuần đăng thông tin, 9 phòng trọ đã được đặt cọc thuê hết” – anh Tùng thông tin.
Tuy nhiên, cách đó không xa, tại các tuyến phố lớn như Đường Láng, Nguyễn Chánh, Nguyễn Thị Định, Lê Văn Lương,... vẫn đang có khá nhiều nhà mặt phố đóng cửa, treo biển cho thuê.
Theo tìm hiểu, trung bình mỗi cửa hàng tầng 1 có thể cho thuê kinh doanh có giá dao động từ 20 - 30 đến cả trăm triệu đồng/tháng (tùy theo diện tích và vị trí). Do giá thuê đắt đỏ, trong khi kinh doanh ế ẩm khiến không ít chủ cửa hàng phải tháo chạy khỏi các mặt bằng cho thuê vì tình trạng lợi nhuận không thể đủ trả tiền thuê mặt bằng, thua lỗ kéo dài.
Báo cáo thị trường BĐS mới công bố của Bộ Xây dựng cho thấy, nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh trong quý II vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái tại các trung tâm thương mại cơ bản ổn định.
Tuy nhiên, nhu cầu thuê đối với mặt bằng bán lẻ nhà phố có xu hướng giảm, xuất hiện nhiều trở lại hiện tượng trả lại mặt bằng cho thuê đối với loại hình mặt bằng bán lẻ nhà phố ngay tại các vị trí trung tâm của các thành phố lớn. Nguyên nhân là do tình hình kinh doanh ảm đạm và chi phí thuê mặt bằng cao.
Khá nhiều cửa hàng mặt phố cho thuê kinh doanh thì ế ẩm
Bộ Xây dựng dẫn chứng, nhiều cửa hàng đóng cửa kinh doanh, treo biển cho thuê mặt bằng tại phố Hàng Ngang, Hàng Bạc, Cầu Giấy (Hà Nội); tại phố Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi, Lý Tự Trọng, Phạm Ngũ Lão, Hai Bà Trưng, khu vực Hồ Con Rùa (TPHCM); tại phố Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn (Đà Nẵng)…
Tương tự, theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội, trong nửa đầu năm tồn tại một tỷ lệ nhất định các mặt bằng khối đế và nhà phố không đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng về tiêu chuẩn thiết kế và công năng sử dụng.
Thêm vào đó, việc các nhãn hàng sau Covid-19 đều hạn chế việc mở tràn lan các mặt bằng và chỉ tập trung vào một cửa hàng flagship, cho nên hệ thống những mặt bằng không đáp ứng được tiêu chuẩn sẽ bị loại khỏi danh sách cân nhắc rất nhanh.
Thứ nữa, là sự dịch chuyển từ chi tiêu cho sở thích cá nhân về những chi tiêu cơ bản phần nào làm giảm triển vọng ngành bán lẻ. Trong đó các phân khúc thời trang, mỹ phẩm, giải trí và thể hình chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nhiều cửa hàng treo biển cho thuê, sang nhượng
Ở chiều ngược lại, các căn hộ cho thuê tại các quận nội đô lại liên tục tăng giá và trở nên khan hiếm trong thời gian gần đây.
Bộ Xây dựng cho biết quý 2/2023, ở nhiều khu vực tại Hà Nội, giá giao dịch chung cư mới tăng cao, dù thị trường bất động sản đang chững lại.
Theo Báo cáo của Savills, nguồn cầu nhà ở dài hạn vẫn duy trì mức cao do tỷ lệ di cư thuần dương, tăng trưởng dân số và tỷ lệ đô thị hóa cao. Thêm vào đó, dự báo từ năm 2023 đến năm 2025, Hà Nội sẽ có thêm 157.000 hộ gia đình. Thế nhưng nguồn cung tương lai chỉ bao gồm 59.000 căn hộ các hạng, 9.000 nhà ở thấp tầng, 18.700 nhà ở xã hội dự kiến mở bán. Do đó sự thiếu hụt nguồn cung rơi vào tầm 70.300 căn nhà ở.
Anh Đinh Văn Thanh - nhân viên môi giới BĐS phân khúc căn hộ và nhà thổ cư cho hay, tốc độ đô thị hóa ngày càng cao dẫn tới nhu cầu sử dụng về nhà ở và nhu cầu đầu tư của người dân ngày càng lớn.
“Giá nhà, căn hộ khá đắt đỏ, trong khi thu nhập của nhiều người không hề tăng nên thuê nhà ở là giải pháp tối ưu được nhiều người lựa chọn. Đó cũng là một trong những lý do khiến nhà thuê “có giá” trong thời gian qua” – anh Thanh chia sẻ.
Góp ý thêm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính phân tích, sở dĩ giá căn hộ ở nội đô tăng là do sau đại dịch Covid-19, người dân ở xung quanh khu vực nội thành và vùng lân cận Hà Nội, TP.HCM trở lại thành phố làm việc, khiến nhu cầu thuê nhà, mua nhà tăng cao. Do đó, giá thuê nhà cũng như mua căn hộ tại nội đô tăng lên.
Cũng theo ông Hiếu, trong 2 năm qua, vấn đề xây dựng chung cư ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM gặp nhiều trở ngại. Nguồn cung các căn hộ hầu như không thay đổi nhiều, có chăng là tăng thêm các chung cư cao cấp hoặc căn hộ cao cấp, chứ căn hộ cho người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp thì hầu như không tăng đáng kể trong khi nhu cầu mua nhà của những đối tượng này thì tăng rất cao.
“Tôi cho rằng, từ nay đến cuối năm, giá căn hộ cho thuê cũng như bán sẽ tiếp tục tăng. Có khả năng cuối năm nay, giá nhà sẽ tăng cao hơn mức 17%, vì đó là thời điểm người dân mua nhà nhiều nên tôi dự đoán, giá căn hộ có thể tăng lên 20%. Những thành phố lớn như Hà nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP.HCM là những vùng có lẽ giá căn hộ mua cũng như cho thuê sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.