Trong cái nắng trưa gay gắt những ngày cuối tháng 2, dưới chân cầu Sắt Sập (phường Thạnh Xuân, quận 12), những người đàn ông vẫn trầm mình dưới ao, liên tục quăng bó rau nhút tươi non mơn mởn lên bờ.
Ông Phan Văn Hoàng (71 tuổi, quê Tiền Giang) có hơn 20 năm bám ruộng trồng rau nhút ở TPHCM tâm sự: “Tôi xuất thân từ nông dân nên không ngại khó, ngại khổ, nghề nào sống được là cố gắng. May mắn là cây rau nhút dễ trồng, dễ bán, chỉ cần chịu khó một chút là không lo đói”.
Mùa rau thuận, nông dân thu hoạch khoảng 150 kg/ngày, còn những ngày khác tầm 100 kg, với giá bán hiện nay là 30.000 đồng/kg, bà con kiếm được tầm 3 triệu đồng/ngày.
Những thân rau nhút mập mạp, ú nụ vừa được kéo lên bờ.
Những phụ nữ đã chờ sẵn, gom lấy bó rau rồi sơ chế ngay tại chỗ.
Tại khu vực bán đảo Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh), những đồng sen bát ngát tại nhiều hộ dân.
Anh Nguyễn Thanh Bình (39 tuổi) cho biết gia đình dòng họ của anh có nhiều người sống nhờ ao sen. Sáng anh và bà con thu hoạch bông, đem về phân loại, bó từng bó rồi giao sỉ, bán lẻ… mỗi ngày thu lợi nhuận trung bình từ 400.000-500.000 đồng. Trước đây anh Bình mở dịch vụ dọn dẹp, làm đẹp nhà cửa, văn phòng... Anh đi khắp nơi nhận công trình, ngày đêm ôm hoài bão làm giàu. Tuy nhiên, cảm thấy cuộc sống quá bon chen, áp lực, anh quyết định trở về với mảnh ao, trồng sen, hái sen kiếm sống qua ngày.
Ông Sáu Đinh (59 tuổi) có mảnh đất hơn 2.000 m2 ở Thanh Đa trồng cỏ nuôi bò, trồng rau bán kiếm thêm chút thu nhập. "Khu này quy hoạch treo hơn 40 năm qua nên không thể làm gì ngoài trồng trọt, chăn nuôi. Dân ở đây ai cũng như vậy” - ông Sáu Đinh tâm sự.
Giữa khu đất "kim cương" phường Thạnh Mỹ Lợi (thành phố Thủ Đức), bà Hồ Thị Lệ Thu (62 tuổi, quê Đồng Nai) chăn đàn vịt chạy đồng hơn 400 con ngay trên những ruộng lúa vừa mới gặt. “Ít ai nghĩ ở ngay thành phố mà vẫn còn đồng ruộng, còn người chăn vịt như chúng tôi. Khi nào nơi này còn ruộng lúa thì tui còn tới đây mưu sinh” – bà Thu chân chất nói.
Cách đó không xa, ông Nguyễn Văn Kim (64 tuổi) bơi xuồng chuẩn bị đưa đàn trâu độc nhất ở phường (Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức) đi tìm những đồng cỏ tươi tốt. Ngày nào cũng vậy, mỗi sáng ông Kim đưa đàn trâu bơi qua sông đi tìm cỏ, chiều lại dẫn về. Trước kia, ông chăn vài con trâu để lấy sức cày bừa nhưng khoảng 20 năm nay, khi ruộng đồng dần thay bằng những khu dân cư thì chuyển sang nuôi cả đàn để bán. Mỗi con trâu nuôi khoảng ba năm, tùy theo cân nặng, kích thước có giá từ 20-30 triệu đồng.
Túp lều của ông Kim nằm giữa khu đất rộng hơn 5.000 m2 ở phường Thạnh Mỹ Lợi được chủ đất cho ông ở nhờ, khi nào họ triển khai dự án thì ông dọn đi nơi khác. Tại đây, ông Kim còn nuôi cá, trồng lúa, trồng sen, chăn vịt...
Phường Tân Tạo A, quận Bình Tân vẫn còn những ruộng lúa mênh mông đang vào độ thu hoạch. Ông Huỳnh Thanh Dũng (50 tuổi), dân TPHCM chính gốc nhưng từ nhỏ đã cùng cha mẹ gắn bó với ruộng lúa, cấy cày... “Lứa lúa này khoảng một tháng nữa sẽ thu hoạch. Vụ đông xuân trúng hơn nhưng đất ở đây không được như ở miền Tây nên thu hoạch chỉ từ 6-7 tấn/mùa. Làm lúa vừa đủ ăn chứ không dư dả nhưng không làm lúa thì cũng chẳng biết làm gì” – ông Dũng chân chất nói.
Máy gặt chạy bon bon trên cánh đồng lúa, giữa khu đất vàng ở quận Bình Tân.
Từ tỉnh Bến Tre đến phường Bình Hưng Hòa B, (quận Bình Tân, TPHCM) thuê đất trồng rau màu, cây kiểng hơn chục năm qua, ông Nguyễn Văn Hiền (58 tuổi) cho biết dù là đất đang quy hoạch nhưng nếu biết tận dụng cũng có thể kiếm tiền. Như ông vốn sẵn có nghề trồng cây kiểng, mỗi năm bán cây kiểng ông và gia đình thu nhập từ 200-300 triệu đồng.