Thông tin này được nêu trong báo cáo gần đây của DKRA Group. Đơn vị này cho biết cả ba phân khúc gồm codotel, biệt thự, shophouse nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng và vùng phụ cận không ghi nhận nguồn cung mới mở bán trong hai tháng gần đây.
Trong đó, riêng phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng thậm chí đã không có sản phẩm mở bán mới trong hơn một năm qua. Nhiều dự án mới tại đây liên tục dời thời gian bán hàng, trong khi đó dự án sơ cấp gần như đóng giỏ hàng, không phát sinh giao dịch.
Tương tự, nhiều chủ đầu tư codotel cũng trì hoãn thời gian bán hàng. Thời gian qua, loạt dự án codotel cũng đã phải xin chuyển đổi mục đích thành căn hộ chung cư. Theo thống kê của DKRA trên toàn quốc, 2 tháng qua cũng chỉ một dự án nghỉ dưỡng mở bán 14 căn hộ nhưng thuộc giai đoạn tiếp theo.
DKRA dự báo tình hình ảm đạm của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục kéo dài khi chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn. Dù ngành du lịch đã khởi sắc, việc nhiều dự án vướng vi phạm, thi công chậm tiến độ cùng với pháp lý chưa rõ ràng đã ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư.
Hiện tại, các thủ phủ du lịch miền duyên hải cả nước tồn kho hàng chục nghìn căn shophouse, nhà phố, biệt thự nghỉ dưỡng. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng gần như rơi vào trạng thái ngủ đông từ đầu năm 2023. Cả năm ngoái, DKRA ước tính lượng tiêu thụ chỉ tương đương 10% so với năm trước đó và cũng là mức thấp nhất từ năm 2014. Nhiều chủ đầu tư tung loạt chính sách kích cầu như chiết khấu thanh toán sớm, hỗ trợ lãi suất, cam kết thuê lại nhưng không hiệu quả.
Còn theo Savills Hotels, đến quý IV/2023, hơn 83.000 sản phẩm biệt thự, căn hộ nghỉ dưỡng thuộc phân khúc trung, cao cấp đã mở bán trên thị trường. Trong đó, khoảng 17% đã mở bán nhưng đang dừng triển khai.
Với sản phẩm shophouse nghỉ dưỡng, hơn 14.600 sản phẩm đã được mở bán tại các điểm đến ven biển. Tuy nhiên, 60% trong số này chưa được đưa vận hành, khai thác kinh doanh vì chủ sở hữu vẫn loay hoay chưa biết nên làm gì sau khi nhận bàn giao.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels cũng cảnh báo một số thị trường ven biển tại Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ dư thừa nguồn cung sản phẩm nghỉ dưỡng bởi phát triển nóng nhiều năm qua.