Hà Nội phản hồi một số kết luận sai phạm quy hoạch Lê Văn Lương - Tố Hữu
Liên quan tới kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng về sai phạm của UBND TP Hà Nội, Sở Kiến trúc, Sở Xây dựng cùng các ban ngành liên quan trong quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu là đã tùy tiện điều chỉnh từ đất đơn chức năng thành đa chức năng, nâng tầng, tăng mật độ, chất tải không tính toán lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực đường Lê Văn Lương, gây sức ép quá tải lên hạ tầng giao thông… UBND TP Hà Nội vừa có văn bản phản hồi lại kết luận này.
Trong văn bản phản hồi kết luận thanh tra của UBND TP Hà Nội vừa gửi đi đã chỉ ra những điểm chưa thỏa đáng của kết luận. Đặc biệt, UBND TP Hà Nội kiến nghị Thanh tra Bộ Xây dựng cần xem xét vấn đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch, chủ trương đầu tư đều đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt là Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép xây dựng nhà ở chức năng hỗn hợp với tầng cao 30, 35 và cao nhất là 45 tầng dọc tuyến Lê Văn Lương - Tố Hữu.
Trước đó, tại buổi họp báo đầu tháng 7, đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc cũng đã có thông tin.
"Qua các thời kỳ từ 2002 tới nay thì trục Lê Văn Lương luôn được xác định là xây dựng cao tầng. Bộ Xây dựng cũng đã thống nhất việc điều chỉnh theo hướng nâng tầng cao các công trình tại đây. Nội dung định hướng cao tầng này cũng đã được cập nhật vào quy hoạch 1259 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vẫn đảm bảo yêu cầu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Kết luận là gây quá tải cái này, chúng tôi nghĩ cũng chưa hoàn toàn thỏa đáng", ông Phạm Quốc Tuyến - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho hay.
Sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hàng chục tòa chung cư cao tầng đã mọc ven con đường Lê Văn Lương - Tố Hữu. (Ảnh: NLĐ)
Kết luận thanh tra chỉ rõ sai phạm của hàng loạt dự án như Sở Xây dựng đã cấp giấy phép xây dựng có một số nội dung sai quy định Tại 31 dự án, công trình, chủ đầu tư thi công sai quy hoạch được duyệt, sai tổng mặt bằng, phương án thiết kế được chấp thuận, không có giấy phép xây dựng, sai giấy phép xây dựng, sai thiết kế được duyệt.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết: "Qua thanh tra thì Thanh tra Bộ Xây dựng phát hiện ra nhiều vấn đề, trong đó nổi cộm là việc điều chỉnh quy hoạch, vi phạm các quy định của pháp luật chuyển từ thấp tầng lên cao tầng và chuyển từ công năng sử dụng đất từ công cộng sang công cộng văn phòng rồi công cộng nhà ở theo hướng giảm bớt cây xanh, tăng hệ số sử dụng đất, giảm các công trình hạ tầng xã hội như bệnh viện trường học và một số công trình hạ tầng xã hội khác".
Tính tới thời điểm này, kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng là văn bản pháp lý cao nhất về vụ việc này. Việc phản hồi từ phía Hà Nội cũng cần các bên cùng xem xét. Thời hạn 60 ngày thực hiện kết luận thanh tra sẽ qua và mọi việc sẽ rõ ràng hơn từ đó.
Điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ dự án theo hướng tăng độ cao, tăng mật độ xây dựng nhưng lại giảm diện tích đất cây xanh và công trình hạ tầng kỹ thuật đó là thực trạng hiện nay ở các thành phố lớn. Việc này làm trầm trọng thêm tình trạng tắc đường, ngập lụt, ô nhiễm môi trường... Câu hỏi đặt ra ở đây là cần làm gì để hạn chế tình trạng này?
Số liệu dân số là một cơ sở quan trọng để tính toán chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khi xem xét điều chỉnh quy hoạch, từ đó giúp quản lý quy hoạch đô thị hiệu quả hơn. Vì vậy, một số chuyên gia cho rằng cần quy định rõ hơn, chi tiết hơn các chỉ tiêu về dân số mới giám sát được việc điều chỉnh quy hoạch.
Các quy hoạch khi điều chỉnh cục bộ đa phần đều nêu đáp ứng các tiêu chuẩn về hạ tầng nhưng trong nhiều trường hợp, đó chỉ là sự đáp ứng trong "tương lai". Ví như đường giao thông hay hạ tầng mới chỉ có trong quy hoạch trên giấy tờ, chưa biết khi nào mới triển khai nhưng đã được lấy ra làm cơ sở để điều chỉnh quy hoạch hiện tại.
Trên thực tế, nhiều địa phương điều chỉnh quy hoạch theo hướng nâng tầng, tăng mật độ xây dựng theo đề xuất của nhà đầu tư. Đã xảy ra tình trạng cơ quan quản lý nhiều lần điều chỉnh quy hoạch sai quy định pháp luật.
"Vấn đề đặt ra là việc tổ chức thực hiện, chế tài, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và quản lý sau quy hoạch…", ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay.
Hiện nay, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung chiếm khoảng 30% quy hoạch đã được phê duyệt. Và khi điều chỉnh quy hoạch, phá vỡ quy hoạch diễn ra phổ biến, không đi kèm với đáp ứng các điều kiện cơ sở hạ tầng thì tình trạng ùn tắc giao thông , ngập úng và ô nhiễm là điều khó tránh khỏi.