14 khách hàng tử vong và 9.000 tài sản bị thiệt hại được bảo hiểm bồi thường
Thông tin từ Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết tính đến 17h ngày 12-9, các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp nhận thông tin hơn 9.000 số vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới và ghi nhận 14 trường hợp tử vong, 18 vụ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe.
Tổng số tiền chi trả thiệt hại về con người và tài sản ước tính khoảng 7.000 tỉ đồng.
"Đây là những số liệu sơ bộ ban đầu, trong bối cảnh thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra còn phức tạp. Do đó số liệu về số vụ tổn thất và giá trị chi trả bồi thường bảo hiểm vẫn chưa thống kê được toàn diện, đầy đủ.
Ảnh hưởng nặng nề để lại sau bão số 3 và mưa lũ cũng tạo ra nhiều khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp bảo hiểm.
Tuy nhiên cơ quan quản lý sẽ tiếp tục chỉ đạo, giám sát, tạo điều kiện, đồng hành với các doanh nghiệp bảo hiểm có phương án hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống cũng như sản xuất, kinh doanh", Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm cho biết.
Ngân hàng giảm lãi vay cho khách hàng
Còn đối với ngành ngân hàng, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, trên địa bàn Hải Phòng và Quảng Ninh, ước tính có 12.000 khách hàng vay vốn ngân hàng với tổng dư nợ là 23.000 tỉ đồng bị thiệt hại do bão Yagi.
Theo ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, rất nhiều doanh nghiệp, hộ cá nhân bị thiệt hại, gần như bị mất trắng tài sản, không có nguồn nào bù đắp được trong thời gian trước mắt.
Trước những tổn thất, mất mát của khách hàng, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị các ngân hàng thương mại phải tập trung hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp, người dân và hộ vay vốn khắc phục ngay các khó khăn do mưa bão gây ra.
Đồng thời các ngân hàng thương mại tạm thời khoanh nợ, hoãn, giãn nợ, giảm lãi ngay những khoản nào đã đến hạn. Với những khoản nợ sắp tới hạn, giải pháp hỗ trợ cũng nên rất tích cực cho khách hàng vay vốn.
Riêng với những khoản nợ của các khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nuôi trồng thủy hải sản, ông Tú nhấn mạnh trước hết, ngân hàng phải xem xét hoãn, giãn nợ, giảm lãi ngay.
Thêm nữa, ngân hàng cần mạnh dạn cho vay mới để các doanh nghiệp, người dân và hộ gia đình có vốn mới quay vòng. Còn các khoản nợ cũ, phía ngân hàng xem xét giải quyết phù hợp với điều kiện thực tế.
Ngân hàng VPBank cũng vừa phát đi thông báo hỗ trợ lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân hiện hữu chịu ảnh hưởng do bão Yagi.
Theo đó, VPBank sẽ giảm trực tiếp lãi suất cho vay cho tất cả các khách hàng cá nhân có tài sản bảo đảm. Cụ thể các khoản vay trung và dài hạn sẽ được VPBank giảm 1% lãi suất, các khoản vay ngắn hạn được giảm 0,5% lãi suất.
Chương trình hỗ trợ lãi suất của VPBank được triển khai từ 13-9 đến hết 31-12, áp dụng tại tất cả các tỉnh, thành phố đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Yagi như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái…
Ngân hàng MSB cũng thông báo giảm 1% lãi suất vay đối với doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng bão lũ, nhằm chung tay tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão. Thời gian thực hiện từ nay đến ngày 31-12.