Ông Bob Curtis, 87 tuổi, và vợ là bà Sandy bán nhà cách đây 3 năm để chuyển vào sống tại một cộng đồng hưu trí chăm sóc thường xuyên - một mô hình viện dưỡng lão - ở New York. Tính cả tiền tiết kiệm, họ đã chi tổng cộng 840.000 USD (21 tỷ VND) để ở đây. Nhưng cặp vợ chồng già hiện đang đứng trước nguy cơ mất đi khoản tiền tiết kiệm khổng lồ.
Ông bà Curtis dự định sẽ dành phần đời còn lại để được chăm sóc tại viện dưỡng lão này. Nhưng không may, cơ sở này phá sản vào năm 2023. Giờ đây, giống như gần 200 người khác, một phần lớn số tiền mà ông bà Curtis bỏ ra để sống ở đây sẽ tan thành mây khói.
Các cơ sở hưu trí chăm sóc thường xuyên hấp dẫn những người đã về hưu và muốn chuẩn bị cho tương lai bất định, nhưng họ phải trả phí cao. Theo hợp đồng, ông bà Curtis hoặc người thừa kế của họ có thể được hoàn tới 90% khoản phí ban đầu trong trường hợp chuyển đi hoặc tử vong. Tuy nhiên, trong trường hợp cơ sở hưu trí phá sản, hợp đồng có thể mất hiệu lực.
Trong trường hợp của ông bà Curtis và 200 người khác, họ có thể bị buộc phải rời đi mà mất tổng cộng 130 triệu USD nếu cơ sở trên không có chủ mới thực hiện các nghĩa vụ hoàn trả đó.
Bà Sandy mắc chứng mất trí nhớ. Việc chuyển đến một viện dưỡng lão mới có thể tốn từ 12.000-19.000 USD/tháng cho riêng dịch vụ chăm sóc. Trong khi đó, ông Bob có thể tốn thêm 8.000 USD/tháng nếu chuyển đến cơ sở mới. Việc mất khoản tiền trên sẽ tạo ra thách thức tài chính lớn.
Tại Mỹ, ít nhất 16 cơ sở hưu trí chăm sóc thường xuyên đã nộp đơn xin phá sản kể từ năm 2020 vì thiếu hụt lao động, chi phí tiền lương và đầu vào tăng cao. Năm 2023, 1 nửa cơ sở hưu trí chăm sóc thường xuyên tại Mỹ hoạt động trong tình trạng thâm hụt.
Theo Yahoo Finance