Gia đình tôi có một căn nhà rộng 48m2 ở Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội. Nhà nằm trong ngõ nhưng ô tô tránh nhau được, khu vực đông đúc, buôn bán tốt. Nhà tôi cho thuê kinh doanh tầng 1, còn gia đình ở 3 tầng trên.
Cuối năm 2023 gia đình có việc cần tiền nên tôi quyết định bán với giá 8,5 tỷ. Đây là mức giá tôi thấy hợp lý so với vị trí, diện tích và tiềm năng kinh doanh, sau khi đã tham khảo giá xung quanh.
Sau khoảng mấy tháng đăng bán và tiếp nhiều lượt khách đến xem, đến tháng 2/2024 có khách đặt cọc. Giá chốt bán là 8,3 tỷ đồng.
Đến hôm đi công chứng sang tên đổi chủ, tôi bất ngờ khi người nhận chuyển nhượng không phải là vị khách hôm trước mà là một người khác. Lúc này tôi mới biết người mua hôm trước thực chất là “lướt cọc”.
Sau khi đặt cọc, trong 1 tháng chờ ngày công chứng, cò đã rao bán căn nhà của tôi và tìm được khách mua mới. Giá nhà đã chênh lên thành 8,7 tỷ đồng. Như vậy chỉ trong một tháng ngắn ngủi, người “lướt cọc” đã đút túi 400 triệu đồng tiền chênh.
Nhưng sự bất ngờ chưa dừng lại ở đó, người mua mới cũng để đầu tư, tiếp tục rao bán căn nhà với giá 9,5 tỷ đồng.
Vài tháng sau, tôi nghe hàng xóm nói căn nhà đã đổi chủ thành công. Từ đó đến nay, căn nhà liên tục được rao bán với mức giá tăng không ngừng. Gần đây nhất, giá đã được rao lên tới 12 tỷ đồng – một con số khiến tôi không thể hiểu nổi.
Nguồn: Bộ Xây dựng. Đồ hoạ: Hồng Khanh
Hàng xóm kể với tôi rằng, nhà đã qua mấy đời chủ nhưng chẳng thấy có ai đến ở. Chỉ thấy môi giới dẫn khách đến xem nhà, xem xong là lại đóng cửa, tắt đèn.
Thật lòng mà nói, thấy giá nhà tăng cao như vậy, đôi khi tôi cũng đặt ra những câu hỏi trong đầu: Liệu có phải mình đã bán quá rẻ không? Nhưng nhìn lại thì thấy, với mức giá 8,3 tỷ đồng thời điểm đó, gia đình tôi đã giải quyết được vấn đề tài chính cấp bách và tìm được chỗ ở mới phù hợp hơn.
Nhưng nhìn vào câu chuyện giá nhà tăng chóng mặt sau những cú sang tay, tôi không khỏi suy ngẫm. Căn nhà của gia đình tôi giờ đã trở thành một món hàng đầu cơ, bị thao túng bởi những giao dịch chớp nhoáng thay vì mang lại giá trị sử dụng thực sự.
Điều này phản ánh thực trạng của thị trường bất động sản giai đoạn sốt nóng hiện nay, nơi giá trị thật của một căn nhà đôi khi không còn phụ thuộc vào chất lượng hay tiện ích, mà là vào trò chơi “thổi giá” của các nhà đầu tư. Bất động sản càng nhiều lần sang tay càng bị “đội giá”. Khi tất cả đều chỉ chăm chăm mua đi bán lại ăn chênh lệch và không có một biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này thì chắc chắn giá nhà sẽ ngày càng được thổi lên cao.
Đáng lẽ ra một ngôi nhà phải là nơi để ở, để kinh doanh, hoặc để tạo ra giá trị thực, giờ đây chỉ là món hàng bị thổi giá qua tay người này đến người khác để kiếm lời.
Tôi thấy tiếc cho những người thực sự có nhu cầu mua để ở. Những đợt sốt giá như thế này khiến họ khó tiếp cận với một nơi an cư phù hợp, bởi giá cả đã bị đẩy lên quá nhiều so với giá trị thật.
Hà Trang (Hà Nội)
Đầu cơ, môi giới “làm xiếc” giá nhà Trong báo cáo phân tích cơ cấu giá thành, giá bán và nguyên nhân tăng giá bất động sản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết, không chỉ ở các dự án mới mở bán, trên thị trường thứ cấp cũng bị đẩy giá từ tiền chênh. “Thông thường, bên bán phải chi 1% giá bán cho bên môi giới. Tuy nhiên, khi thị trường sốt nóng, môi giới thường cộng thêm tiền chênh để giao dịch với khách. Một chung cư giá bán khoảng 5 tỷ đồng, môi giới có thể “gửi giá” 200-300 triệu đồng (tương đương 5%). Một căn liền kề giá khoảng 10 tỷ đồng, môi giới có thể gửi giá khoảng 500 triệu đồng (tương đương 5% giá bán)”, Bộ Xây dựng cho biết. Đặc biệt, Bộ còn nêu ra chiêu bài “đặt cọc” của môi giới trong giai đoạn sốt nóng để mua nhà đất rồi tăng giá 10-15% và giao bán cho người khác. Như căn hộ chung cư có giá bán 5 tỷ, môi giới đặt cọc 1 tỷ để mua và thoả thuận thanh toán trong 1 tháng. Trong vòng 1 tháng này, môi mới sẽ kiếm khách để bán chênh thành 6-7 tỷ khiến giá nhà “nhảy múa” tăng lên 1-2 tỷ đồng chỉ trong vòng 1 tháng. |