Phạt vi phạm giao thông quá cao có hợp lý?
Chính phủ đã có tờ trình gửi Quốc hội về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính, dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 tới. Trong các quy định được sửa đổi, đáng chú ý là các lĩnh vực giao thông đường bộ có mức phạt tối đa tăng từ 75 triệu đồng lên 150 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô vận tải VN, cho biết đã nắm được thông tin về dự luật sửa đổi luật Xử lý vi phạm hành chính này. Tuy nhiên, quy định trong luật thì khá chung chung và không nêu rõ hành vi nào sẽ bị phạt đến mức tối đa là 150 triệu đồng nên ông Quyền chưa thể phân tích sâu.

Mức phạt tối đa vi phạm giao thông đường bộ được đề xuất tăng lên 150 triệu đồng
ẢNH: CACC
Dù chưa cụ thể phạt 150 triệu đồng với hành vi nào nhưng theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ hiện hành, mức phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm hiện nay đang là 50 triệu đồng. Cụ thể, hành vi lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ, dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường, bị phạt 40 - 50 triệu đồng. Hành vi điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc bị phạt 30 - 40 triệu đồng; quay đầu xe trên đường cao tốc bị phạt 30 - 40 triệu đồng, lùi xe trên đường cao tốc bị phạt 30 - 40 triệu đồng; cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ bị phạt 35 - 37 triệu đồng…
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô vận tải TP.HCM, thì tỏ ra băn khoăn: "Thu nhập hiện nay của người dân VN chỉ đang ở mức trung bình của thế giới, cho nên ý kiến đầu tiên của tôi về việc sửa đổi luật thì cần phải phù hợp với thực tế và khả năng đóng phạt của người dân. Nếu tính bình quân tiền lương của người lao động là 10 triệu đồng/tháng thì khi bị phạt 75 triệu đồng (mức tối đa theo quy định hiện hành) thì đã gấp 7,5 lần tiền lương của họ. Còn nếu điều chỉnh tăng mức phạt tối đa lên 150 triệu đồng thì họ phải làm việc, tiết kiệm trong bao lâu mới đủ tiền đóng phạt? Từ khi Nghị định 168 được ban hành và gia tăng mức phạt, giới tài xế đã lái xe kỹ lưỡng hơn và biết đề phòng hơn để tránh vi phạm, đó là một sự chuyển biến tốt. Tuy nhiên, ở góc độ hiệp hội, chúng tôi cũng ghi nhận khá nhiều trăn trở của doanh nghiệp vận tải và người lái xe. Trong đó, nhiều tài xế cho rằng dù cẩn thận cách mấy thì cũng sẽ có lúc vô tình vi phạm, không bị phạt trong nội thành thì cũng bị phạt ở cao tốc, hoặc ở địa phương khác, không thể tránh khỏi. Quan điểm của hiệp hội chúng tôi là không nên tăng thêm mức phạt vì như hiện nay cũng đã là quá cao rồi. Phạt hành chính chủ yếu là để giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân chứ không phải để trừng phạt và phạt vượt quá mặt bằng thu nhập chung".
Trả lời Thanh Niên, luật sư (LS) Nguyễn Minh Thuận, Đoàn LS TP.HCM, Giám đốc Công ty luật Sài Gòn VN, đồng quan điểm rằng sau khi Nghị định 168 được ban hành thì ý thức người tham gia giao thông được nâng cao. Dù vậy từ lúc ban hành Nghị định 168 đến nay thì cũng có ý kiến cho rằng thu nhập bình quân của người VN không cao. Mức phạt tăng lên vừa được ban hành giờ lại đề xuất tăng cao gấp đôi có thể gây nhiều phản ứng trái chiều. "Theo tôi, các cơ quan chức năng tạm thời chưa thông qua việc nâng mức xử phạt vi phạm giao thông lên đến 150 triệu. Hiện nay Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về hoàn thiện thể chế, pháp luật. Do đó nếu có sửa đổi luật và tăng mức phạt trong lĩnh vực hành chính nói chung và lĩnh vực giao thông nói riêng thì cần có ý kiến của Ban chỉ đạo này về dự luật này", LS Thuận nêu ý kiến.

So sánh mức phạt tối đa giữa quy định hiện hành và quy định đề xuất
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Sao không tăng mức phạt đối với lĩnh vực bất động sản?
Trái ngược với mức phạt hành chính được đề xuất tăng gấp đôi trong lĩnh vực giao thông, trong dự thảo luật Xử lý vi phạm hành chính đang lấy ý kiến thì mức phạt tối đa đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS), xây dựng và hạ tầng lại được giữ nguyên với mức phạt tối đa là 500 triệu đồng (đối với tổ chức thì tăng gấp đôi). Đối với vấn đề này, TS - LS Đặng Văn Cường (Đoàn LS Hà Nội) phân tích: "Thời gian qua không ít các doanh nghiệp BĐS lớn có hành vi vi phạm pháp luật về thao túng thị trường chứng khoán, huy động vốn trái phép dẫn đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây mất lòng tin của các nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường BĐS. Nhiều dự án BĐS được bán trên giấy, sau đó dự án chậm tiến độ dẫn đến nhiều tranh chấp khiếu kiện, hoạt động huy động vốn trái phép cũng dẫn đến nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư, tạo thành ý thức xem nhẹ các quy định pháp luật của chủ đầu tư, tạo ra sự thiếu lành mạnh, minh bạch trong thị trường BĐS. Hoạt động huy động vốn trái phép trong các dự án BĐS diễn ra nhiều trong những năm qua, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về biện pháp xử phạt chưa đủ mạnh, ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt của chủ đầu tư và sự thiếu hiểu biết của người dân. Vì vậy, mức phạt với các hành vi vi phạm này cần phải mạnh tay để đủ sức răn đe".
Trao đổi với Thanh Niên, một chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cho biết: "Các quy định hiện nay hầu hết đang áp dụng mức phạt tối đa đối với các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh BĐS. Đơn cử như mức xử phạt hành chính đối với việc chủ đầu tư dự án BĐS huy động vốn trái phép, theo quy định tại Nghị định 16 của Chính phủ thì mức phạt có thể lên tới 1 tỉ đồng. Nhưng thực tế thì số tiền này đối với doanh nghiệp kinh doanh BĐS là không đáng kể, vì vậy không đủ tính răn đe, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp kinh doanh BĐS biết sai nhưng vẫn làm. Do đó cần phải có biện pháp chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe các chủ đầu tư".
Bổ sung quy định các trường hợp được miễn, giảm đóng phạt
Sau khi tiếp nhận các ý kiến liên quan đến thu nhập của người dân, Bộ Tư pháp đã có bản dự thảo lần 3 và bổ sung thêm quy định về giảm, miễn tiền phạt trong vi phạm hành chính. Theo đó, việc giảm một phần tiền phạt đối với cá nhân, tổ chức được quy định như sau: Cá nhân tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế và có xác nhận của UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc; tổ chức tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế và có xác nhận của UBND cấp cơ sở, ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp. Cá nhân gặp khó khăn về kinh tế không có khả năng thi hành quyết định xử phạt nếu có xác nhận của UBND cấp cơ sở nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc thì được miễn phần tiền phạt còn lại ghi trong quyết định xử phạt. Các nhân đã nộp tiền phạt lần thứ nhất hoặc lần thứ hai (trong trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần) nhưng gặp khó khăn về kinh tế và có xác nhận của UBND cấp cơ sở nơi người đó cư trú hoặc tổ chức nơi người đó học tập, làm việc cũng sẽ được miễn nộp phạt phần còn lại. Trường hợp gặp khó khăn đột xuất về kinh tế do mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn phải có thêm xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.