Xã hội

Bán hàng giả online, tài khoản càng nhiều follow thì án càng nặng

Tóm tắt:
  • Bộ Công an đề xuất phạt tù 10-15 năm với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả trên các sàn có trên 12.500 tài khoản theo dõi.
  • Đường dây sản xuất gần 600 nhãn hiệu sữa bột giả thu lợi gần 500 tỉ đồng qua 11 doanh nghiệp trong 4 năm.
  • Người nổi tiếng được thuê quảng cáo hàng giả, livestream bán sản phẩm với lượng tiêu thụ lớn trên mạng xã hội.
  • Dự thảo luật hình sự mới quy định mức phạt tù dựa trên số lượng tài khoản theo dõi trong hành vi bán hàng giả trực tuyến.
  • Luật sư và đại biểu Quốc hội nhấn mạnh trách nhiệm của người quảng cáo, đề xuất siết chặt quản lý và kiểm soát quảng cáo.

Giữa tháng 4, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can để điều tra về đường dây sản xuất gần 600 nhãn hiệu sữa bột giả. Kết quả xác minh cho thấy, chỉ trong 4 năm, từ 2021 đến nay, nhóm này thông qua "hệ sinh thái" 11 doanh nghiệp đã sản xuất, phân phối ra thị trường hàng ngàn hộp sữa giả, thu về số tiền lên tới gần 500 tỉ đồng.

Phạt tù theo số lượng tài khoản theo dõi

Lãnh đạo Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết để mở rộng thị trường tiêu thụ, các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả thường thuê những cá nhân có uy tín hoặc ảnh hưởng trên mạng xã hội để quảng cáo, bán hàng. Nhiều thông tin đưa ra sai sự thật, thổi phồng về tính năng, tác dụng, chất lượng…; số lượng sản phẩm tiêu thụ thì rất lớn.

Bán hàng giả online, tài khoản càng nhiều follow thì án càng nặng - Ảnh 1.

MINH HỌA: DAD

Trong vụ án kẹo rau củ Kera (được xác định là hàng giả), trong vòng 3 tháng, hơn 135.000 hộp kẹo được bán tới tay người tiêu dùng. Đáng nói, trước khi sai phạm bị phanh phui, những người đứng sau đường dây này liên tục tổ chức các phiên livestream để quảng bá sản phẩm, xuất hiện dày đặc trên các nền tảng mạng xã hội, với sự góp mặt của nhiều người nổi tiếng như Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlog), Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du mục)…

Hai ví dụ trên cho thấy, hình thức bán hàng trực tuyến ngày càng phổ biến. Nhiều người nổi tiếng (Facebooker, TikToker…) được các nhãn hàng tìm đến như một kênh truyền thông hiệu quả để quảng bá sản phẩm. Hoạt động này nở rộ là vậy, song hành lang pháp lý và chế tài xử lý dường như chưa đủ nghiêm khắc, khiến hàng loạt vụ việc bát nháo xảy ra thời gian qua.

Tại dự án bộ luật Hình sự sửa đổi, cơ quan soạn thảo - Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định phạt tù đối với hành vi bán hàng giả trực tuyến.

Theo đó, điều 193 dự thảo quy định người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm mà "hoạt động trên các nền tảng thương mại điện tử có từ 500 người tiếp cận trở lên" thì bị phạt tù 5 - 10 năm.

Điều 192 của dự thảo về tội sản xuất, buôn bán hàng giả, cũng bổ sung quy định người nào thực hiện hành vi này mà "sử dụng các nền tảng thương mại điện tử có từ 500 đến dưới 2.500 tài khoản theo dõi (follow - NV)" thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 2 tỉ đồng, hoặc phạt tù 1 - 5 năm.

Nếu "sử dụng các nền tảng thương mại điện tử có từ 2.500 tài khoản đến dưới 12.500 tài khoản theo dõi" thì bị phạt tù 5 - 10 năm. Nếu "sử dụng các nền tảng thương mại điện tử có từ 12.500 tài khoản theo dõi trở lên" thì bị phạt tù 10 - 15 năm.

"Mảnh đất màu mỡ" cho hàng giả

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương, cho biết rất bàng hoàng khi theo dõi tin tức về vụ án gần 600 nhãn hiệu sữa bột giả. Bởi lẽ thân phụ của đại biểu Nga chính là một trong số hàng ngàn người tiêu dùng mua phải sản phẩm thuộc nhóm này. "Tôi nhiều lần khuyên ngăn vì thấy có dấu hiệu nghi ngờ, nhưng cụ vẫn tin vào lời quảng cáo, mua tới 3 - 4 hộp…", bà Nga kể.

Theo nữ đại biểu, thương mại điện tử là xu thế tất yếu, và cũng rất khác so với thương mại truyền thống. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần có sự thay đổi kịp thời trong chính sách quản lý, để kiểm soát tốt hoạt động này.

"Lợi nhuận khổng lồ khiến nhiều người chấp nhận bị phạt rồi lại tái diễn, nếu chỉ phạt tiền thì không đủ răn đe", bà Nga nói và cho rằng việc bổ sung chế tài xử lý hình sự đối với hành vi buôn bán hàng giả thông qua nền tảng thương mại điện tử là vô cùng cần thiết.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, cũng bày tỏ sự lo ngại về buôn bán hàng giả, nhất là buôn bán trực tuyến, đang ngày càng nhức nhối. Thực tế cho thấy, các nền tảng trực tuyến là phương tiện hữu hiệu để các nhãn hàng mở rộng phạm vi tiếp cận người tiêu dùng, nhưng đây cũng là "mảnh đất màu mỡ" cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

"Một phiên livestream (truyền hình trực tiếp trên mạng - NV) với hàng chục ngàn người theo dõi, kéo dài trong 2 - 3 tiếng đồng hồ, lượng sản phẩm bán ra có khi vượt doanh số cả tháng nếu chỉ bán theo hình thức truyền thống", ông Hòa phân tích.

Dẫn chứng hàng loạt vụ việc sai phạm bị phát hiện và xử lý gần đây, ông Hòa cho rằng, việc siết chặt hoạt động bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử là đúng đắn. Đây sẽ là "hàng rào" ngăn chặn hàng giả tiếp cận người tiêu dùng. Với chế tài phạt tù cao nhất đến 15 năm tù, các cá nhân, doanh nghiệp sẽ phải ý thức hơn khi phân phối sản phẩm cho người mua.

Vị đại biểu đồng thời ủng hộ đề xuất của Bộ Công an khi có sự phân hóa trách nhiệm dựa trên số lượng tài khoản theo dõi. "Tài khoản có 500 người theo dõi so với 5.000, thậm chí 50.000 người theo dõi rõ ràng có tính chất nguy hiểm khác nhau. Do đó, càng nổi tiếng, càng có nhiều người theo dõi thì càng phải thận trọng, trách nhiệm càng cao", ông Hòa nêu quan điểm.

Người quảng cáo không thể vô can

Xử lý hình sự chỉ là biện pháp cuối cùng khi tính chất của hành vi vi phạm là nguy hiểm và đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Vẫn cần các giải pháp khác để hoạt động bán hàng trực tuyến trở nên minh bạch. Một trong những "mắt xích" quan trọng là kiểm soát chất lượng quảng cáo, nhất là người nổi tiếng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói, nhiều người mua hàng chưa hẳn vì uy tín hoặc chất lượng của sản phẩm, mà họ tin vào lời giới thiệu, quảng bá từ những cá nhân mà mình thần tượng, quý mến. Điều này đồng nghĩa, thông tin người quảng cáo đưa ra rất quan trọng, đòi hỏi phải có trách nhiệm trong việc kiểm tra, xác minh trước khi truyền đạt tới cộng đồng. "Luật Quảng cáo đang được sửa đổi, sẽ có những quy định chi tiết để ràng buộc trách nhiệm đối với người thực hiện quảng cáo, đặc biệt là người nổi tiếng", bà Nga thông tin.

Luật sư (LS) Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng LS Kết nối, Đoàn LS TP.Hà Nội, cũng cho rằng, người quảng cáo là một phần không thể tách rời của hoạt động bán hàng thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Khi một cá nhân nhận lời quảng cáo cho một sản phẩm, họ thường thu về lợi ích kinh tế tương ứng với độ nổi tiếng hoặc số lượng sản phẩm bán ra, do đó phải đảm bảo nguyên tắc "quyền lợi đi đôi với trách nhiệm".

"Anh nhận tiền quảng cáo thì anh phải có nghĩa vụ tìm hiểu, buộc phải biết về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm đó. Khi xảy ra chuyện, không thể "phủi toẹt" tôi chỉ quảng cáo theo thông tin nhà sản xuất đưa ra là xong", ông Hùng nói.

Bổ sung các quy định nhằm bịt kín sơ hở

Theo thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên - người phát ngôn Bộ Công an, pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi quảng cáo sai sự thật, cung cấp thông tin không đúng hoặc gây nhầm lẫn về số lượng, chất lượng… của sản phẩm. Người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi.

Bộ Công an yêu cầu các cá nhân nổi tiếng, có uy tín, ảnh hưởng trong xã hội và trên không gian mạng chấp hành nghiêm quy định, cẩn trọng và có trách nhiệm khi thực hiện các hợp đồng quảng bá sản phẩm do mình đại diện thương hiệu. "Tuyệt đối không được đưa ra các thông tin sai lệch, thổi phồng về tính năng, tác dụng của sản phẩm mà thiếu cơ sở, căn cứ khoa học và tài liệu chứng minh", ông Tuyên nhấn mạnh.

Thời gian tới, các đơn vị nghiệp vụ sẽ tập trung điều tra, xử lý triệt để hành vi có dấu hiệu tội phạm liên quan đến lĩnh vực quảng cáo; đồng thời bổ sung các quy định nhằm bịt kín sơ hở, không để các đối tượng tội phạm lợi dụng. Bộ Công an cũng sẽ tăng cường phối hợp trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động quảng cáo, kiểm duyệt nội dung quảng cáo trên phương tiện truyền thông; yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phối hợp ngăn chặn nội dung quảng cáo vi phạm, kịp thời gỡ bỏ quảng cáo sai sự thật…

Các tin khác

TP.HCM nghĩa tình: Lớp học miễn phí ở chùa Lá

15 năm qua, lớp học miễn phí dạy ngoại ngữ nơi chùa Lá (Q.Gò Vấp, TP.HCM) vẫn giữ trọn một niềm tin rằng, nếu biết thêm một ngoại ngữ, có thể sống thêm một cuộc đời.

Lãi suất vay mua nhà thấp nhất bao nhiêu?

Bất động sản có lợi thế là tài sản bảo đảm có tính thanh khoản cao nên các ngân hàng bán lẻ đều dành sự quan tâm đặc biệt về lãi suất cho vay đối với người mua nhà.

3 không khi ăn miến

Miến nước dễ ăn, ngon miệng nhưng có thể gây tăng đường huyết nếu tiêu thụ quá nhiều. Bạn cũng không nên để miến đã nấu ngoài không khí quá lâu…