Thời sự

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh: "Cánh tay nối dài" của Trung ương

Vừa qua, Bộ Chính trị giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Cùng với Ban chỉ đạo ở Trung ương, ông nhận xét gì về sự cần thiết thành lập cơ quan phòng chống tham nhũng và tiêu cực cấp tỉnh?

Như chúng ta biết, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã được Bộ Chính trị quyết định bổ sung thêm nhiệm vụ phòng chống tiêu cực, qua đó sẽ chỉ đạo cả phòng chống tham nhũng và tiêu cực. Về vấn đề này, Tổng Bí thư đã nêu rõ, tham nhũng và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đều là những biểu hiện tiêu cực. Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Việc thống nhất tên gọi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là để bao quát được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo. Theo tôi, việc bổ sung thêm nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực là hết sức cần thiết. Bởi đôi khi tiêu cực là tiền đề của tham nhũng, còn tham nhũng là hệ quả của tiêu cực. Anh ứng xử với dân tiêu cực, hống hách với dân, hay mè nheo, vòi vĩnh thì đó là hành vi tiêu cực. Tuy chưa phải tham nhũng nhưng hành vi tiêu cực là khởi đầu cho tham nhũng.

 Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh: Cánh tay nối dài của Trung ương  - Ảnh 1.
 Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh: Cánh tay nối dài của Trung ương  - Ảnh 2.

Vụ án Việt Á được khởi động bằng việc khởi tố bị can Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á ảnh: p.v


Để có sự gắn liền, đồng bộ và thống nhất, tôi thấy cần có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Trên cơ sở đó, tất cả các tỉnh, thành đều cần phải có Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương mình. Thậm chí, kể cả ở các cơ quan như các bộ, ban, ngành cũng phải có. Trước kia, người đứng đầu là trưởng cơ quan này, nhưng chỉ có chức năng nhiệm vụ phòng chống tham nhũng thôi, còn bây giờ thêm nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực nữa. Chức năng, nhiệm vụ này nên có sự thống nhất từ trung ương xuống địa phương.

Như vậy, việc thành lập Ban chỉ đạo ở cấp tỉnh sẽ giúp triển khai việc phòng chống tham nhũng và tiêu cực ở địa phương hiệu quả, thực chất hơn?

Đúng như vậy. Ngoài phòng chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo ở Trung ương đã có thêm chức năng, nhiệm vụ phòng chống tiêu cực. Nếu thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thì người Trưởng ban, hoặc Ban ấy có thể vào cuộc ngay khi có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, không có lý do gì để họ thoái thác cả.

 Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh: Cánh tay nối dài của Trung ương  - Ảnh 3.

Ông Lê Như Tiến


“Để có sự gắn liền, đồng bộ và thống nhất, tôi thấy cần có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Trên cơ sở đó, tất cả các tỉnh, thành đều cần phải có Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương mình. Thậm chí, kể cả ở các cơ quan như các bộ, ban, ngành cũng phải có”. ông Lê Như Tiến

Vì thế, tôi rất ủng hộ việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cả trung ương và địa phương, như thế sẽ nhất quán, tạo sự thống nhất, không có gì ngăn cách cả. Trung ương có chức năng như thế thì địa phương cũng có tổ chức như vậy, cũng không sợ phình to bộ máy hay tốn kém gì cả.

Ban Chỉ đạo ở trung ương, Tổng Bí thư là Trưởng Ban, và khi bổ sung thêm nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực, Tổng Bí thư vẫn là Trưởng Ban Chỉ đạo, các thành viên vẫn như vậy, đều là đại diện lãnh đạo các Ban của Đảng, Quốc hội, MTTQ Việt Nam, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ… Mô hình ở trung ương như thế nào, thì ở địa phương cũng như thế, Trưởng ban và các thành viên là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Theo ông, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh khi thành lập sẽ trực thuộc cơ quan trung ương hay địa phương?

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương tuy là một cơ quan cấp tỉnh, nhưng phải đặt dưới sự chỉ đạo tập, trung thống nhất ở trung ương, tức Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Như thế mới chuẩn và chỉ đạo mới thông suốt. Lâu nay chúng ta vẫn thường nói đến tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; trên làm rất quyết liệt, nhưng ở dưới thì cứ bình thản. Vì thế, tôi cho rằng, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở trung ương phải chỉ đạo trực tiếp các Ban Chỉ đạo dưới tỉnh. Nói cách khác, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh giống như “cánh tay nối dài” của trung ương và phải chịu trách nhiệm dưới sự giám sát và kiểm tra của trung ương.

Có thể thấy, các vụ án trong diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đều là những vụ án lớn, được dư luận đặc biệt quan tâm. Điển hình như vụ Công ty Việt Á, mới đây đã được đưa vào diện Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Thường trực Ban chỉ đạo đã yêu cầu mở rộng điều tra, làm rõ bản chất của vụ án, xử lý nghiêm minh.

Tôi thấy, Ban Chỉ đạo đã làm tốt rồi, giờ phải làm mạnh mẽ, quyết liệt hơn, để cử tri và nhân dân thấy chúng ta đang làm và làm thật sự, làm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật nào. Tôi cũng hi vọng sau này nếu được thành lập, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh cũng phát huy tinh thần làm việc như Ban Chỉ đạo ở Trung ương.

Cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục

Đọc thêm