Nhiều nhà cung cấp cho hay vẫn đang chờ Bamboo Airways trả nợ - Ảnh: Q.ĐỊNH
Trong tài liệu mà Tuổi Trẻ được tiếp cận, Bamboo Airways thừa nhận đang tái cấu trúc toàn bộ để kiện toàn bộ máy có lộ trình và cần thời gian.
Với các khoản nợ hàng trăm tỉ đồng với công ty cung cấp dịch vụ cho Bamboo Airways từ năm 2021 đến nay, hãng xin được trả dần dần hằng tháng, thậm chí xin giảm giá 10% dịch vụ từ năm 2022 cho đến những năm tiếp theo và đề xuất bỏ vài giới hạn riêng để hãng tìm cách tăng doanh thu bán hàng.
Không chỉ đối tác trong nước của Bamboo Airways đang chờ tín hiệu mạnh tay trả nợ, Bamboo Airways còn đang giải quyết nợ với đơn vị cho thuê máy bay, đặc biệt là dòng máy bay Embraer đang có nhiều đồn đoán về "số phận" có được gia hạn thuê nữa hay không.
Trước khi công bố có nhà đầu tư mới, ban lãnh đạo cấp cao của Bamboo Airways đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp đối tác để trao đổi, đàm phán các khoản nợ. Nhiều doanh nghiệp thở phào nhẹ nhõm, nhưng cũng có doanh nghiệp băn khoăn việc tiếp tục cung cấp dịch vụ cho hãng hay không do số nợ đã lên đến hàng trăm tỉ đồng.
"Bamboo Airways sẽ cần thời gian để tái cấu trúc và thận trọng với những kế hoạch đảm bảo phát triển. Các khoản nợ, chúng tôi vẫn giãn nợ và tiếp tục duy trì dịch vụ, coi như đối tác cùng đồng hành với hãng trong thời gian khó khăn này" - một lãnh đạo công ty đối tác của Bamboo Airways nói.
Mới đây, nhiều hành khách mua vé của Bamboo Airways từ Melbourne (Úc) - TP.HCM bày tỏ hoang mang khi loạt chuyến bay bất ngờ bị hủy chuyến, phương án của hãng đưa ra: đã mua vé máy bay của hãng khác để đưa khách về Việt Nam, với các khách hàng đã mua vé trước đó sẽ lùi lịch bay hoặc hoàn vé. Trước đó, hãng cũng bất ngờ hủy loạt chuyến bay từ Việt Nam - Nhật Bản.
Sau khi công bố dàn lãnh đạo mới, Bamboo Airways vẫn thận trọng trong kế hoạch phát triển. Theo nhìn nhận của các chuyên gia, Bamboo Airways có khả năng sẽ chưa thể gia tăng công suất trong năm nay, thị phần có thể sụt giảm do cạnh tranh mạnh mẽ khi toàn ngành phục hồi.