Doanh nghiệp

Bamboo Airways sẵn sàng tăng tần suất các đường bay quốc tế

Theo đại diện Bamboo Airways, hãng đã hoàn tất công tác chuẩn bị mở cửa toàn phần mạng bay quốc tế. Ngoài các kế hoạch, nguồn lực để khai thác đến các thị trường khách nội địa trọng điểm được lên kế hoạch từ sớm, hãng cũng có phương án cho kế hoạch tái khai thác và tăng tần suất các đường bay quốc tế từ đầu năm 2022.

Cho rằng thị trường hàng không khôi phục mạnh trong năm 2022, Bamboo Airways lên kế hoạch mở rộng quy mô mạng bay lên gần 80 đường bay nội địa, gần 40 đường bay quốc tế.

Trước đó, Cục hàng không Việt Nam cho biết, từ ngày 15/2, Việt Nam sẽ dỡ bỏ hạn chế với hoạt động vận chuyển hành khách trên các chuyến bay thường lệ, không thường lệ. Tần suất các đường bay sẽ tăng dần theo lộ trình bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. 

polyad

Máy bay Bamboo Airways cất cánh trên bầu trời. Ảnh: Bamboo Airways

Ở khu vực châu Á, Bamboo Airways hiện khai thác các đường bay: Hà Nội - Narita, Hà Nội - Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) và Hà Nội - Incheon (Hàn Quốc). Với khu vực châu Âu, trong tháng 2, hãng dự kiến triển khai các chặng bay kết nối Hà Nội - Frankfurt (Đức), TP HCM - Melbourne (Australia) và chặng Hà Nội - London (Anh) vào tháng 3.

Hãng cũng dự kiến tăng tốc triển khai các đường TP HCM - Frankfurt (Đức), Hà Nội và TP HCM - Munich (Đức) trong giai đoạn sắp tới. Tại Đông Nam Á, Bamboo Airways lên kế hoạch triển khai đường bay TP HCM - Singapore trong tháng 3 và dự kiến phát triển nhiều đường bay tới các nước khác trong khu vực dịp hè 2022.

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó tổng giám đốc thường trực Bamboo Airways cho biết, kế hoạch mở rộng mạng bay quốc tế của hãng được hình thành trong một thời gian dài, trên nhiều phương diện.

"Chúng tôi luôn trong trạng thái sẵn sàng bay quốc tế ngay khi được nhà chức trách cho phép", ông Quân nói.

Hiện hãng vận hành một đội bay quy mô 30 tàu các loại. Bên cạnh dòng tàu thân rộng như Boeing 787-9 Dreamliner và thân hẹp A321/A320 Neo đang khai thác, hãng còn vận hành các máy bay phản lực Embraer, nhằm phục vụ các đường bay ngách nội địa, đến sân bay mà điều kiện khai thác còn hạn chế.

polyad

Các tiếp viên hãng hàng không Bamboo Airways phục vụ suất ăn cho các hành khách. Ảnh: Bamboo Airways

Theo ông Quân, nguồn lực phi công - lực lượng lao động đặc thù của ngành hàng không vẫn được hãng duy trì trong đại dịch. Trong những giai đoạn giãn cách, hãng tập trung huấn luyện, đào tạo để sẵn sàng khai thác 100% công suất ngay khi thị trường được mở cửa toàn phần.

Ông Quân nhận định, sau khi đại dịch xuất hiện, xu hướng tiêu dùng trên toàn thế giới thay đổi. Do đó, việc di chuyển của hành khách sẽ bổ sung thêm các yêu cầu mới, đặc biệt chú trọng vấn đề an toàn bên cạnh các vấn đề như chất lượng dịch vụ, kinh tế... Bởi vậy, các hoạt động chuyển đổi số, nâng cấp, đổi mới sản phẩm, dịch vụ khách hàng vẫn luôn được Bamboo Airways chú trọng. Trong đó, các lộ trình để tiếp tục nâng cấp dịch vụ trên không theo hướng tiêu chuẩn 5 sao quốc tế cũng được hãng tiến hành.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm