Công nghệ

‘Bấm xem clip gây mất quyền kiểm soát điện thoại’ chỉ là tin giả

Tóm tắt:
  • Bấm vào đường link xem clip không dẫn đến mất kiểm soát điện thoại.
  • Nguy cơ mất quyền kiểm soát chỉ xảy ra khi tải phần mềm độc hại đính kèm.
  • Tin đồn lừa đảo trực tuyến thường gây hoang mang và dễ dẫn đến mất cảnh giác.
  • Người dùng nên kiểm tra thông tin qua kênh chính thống để tránh tin giả.
  • Lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại lớn, cần cảnh giác cao và nâng cao kỹ năng bảo mật.

Thời gian gần đây, nhiều người dùng Facebook chia sẻ nhau cảnh báo việc sẽ bị những kẻ lừa đảo chiếm quyền điều khiển điện thoại và lấy hết tiền trong tài khoản khi bấm vào link xem clip được tạo ra từ hình ảnh được thu thập trên mạng xã hội.

Cụ thể, qua Messenger, hàng loạt người dùng đã nhận được tin nhắn có nội dung: “Lừa đảo lên một tầm cao mới. Chúng thu thập hình ảnh mình và gia đình mình trên Facebook, xong làm thành clip gửi cho mình. Khi thấy hình mình, theo phản xạ sẽ bấm vào xem, là xong luôn, mất quyền kiểm soát điện thoại, và sau đó là bị lấy hết tiền trong tài khoản. Mọi người chia sẻ cho gia đình, người thân mình biết nhé!”.

Trao đổi với PV VietNamNet, chuyên gia Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam – VSEC phân tích: Các đối tượng lừa đảo có thể thu thập thông tin, hình ảnh của các cá nhân và gia đình người dùng trên mạng xã hội và tạo thành 1 clip gửi cho nạn nhân. Bản chất hình ảnh mà nạn nhân nhận được chính là một file có thể chứa mã độc.

Tuy nhiên, chuyên gia VSEC khẳng định: Nếu người dùng mới chỉ bấm vào link xem clip thì không thể dẫn đến mất quyền kiểm soát điện thoại và mất tiền trong tài khoản.

“Sau khi bấm vào link xem clip, nếu người dùng tiếp tục bị các đối tượng dẫn dụ tải và cài đặt phần mềm nguy hiểm đính kèm đường link xem clip, họ sẽ vô tình cài phần mềm độc hại lên điện thoại của mình, và lúc này mới dẫn đến mất quyền kiểm soát thiết bị; từ đó tạo cơ hội cho kẻ xấu thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, chuyên gia VSEC phân tích.

tin gia ve bao Yagi 1.jpg
Theo các chuyên gia, những tin đồn thất thiệt về lừa đảo trực tuyến thường được tung ra để gây hoang mang dư luận, có thể dẫn đến hành vi tự vệ thái quá hoặc mất cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo thực sự. Ảnh minh họa: Internet

Thực tế, giai đoạn trước, trên không gian mạng cũng đã lan truyền nhiều tin giả về lừa đảo trực tuyến khiến người dân hoang mang như “chỉ cần bấm nhận cuộc gọi là mất hết tiền trong tài khoản”, hay “quét QR khiến điện thoại bị treo hoặc mất tiền”...

Theo chuyên gia VSEC, mục đích của các đối tượng khi tạo ra tin giả về lừa đảo trực tuyến có thể là nhằm gây sự chú ý, tạo làn sóng chia sẻ để tăng tương tác, phục vụ tạo hình ảnh, marketing. Ngoài ra, đây còn có thể là tiền đề cho một loạt chiêu trò dẫn dụ nạn nhân tiếp theo của các đối tượng lừa đảo. Ví dụ, sau bài này, sẽ có thêm các bài khác với nội dung như hỗ trợ lấy lại tiền đã mất từ các hình thức lừa đảo qua clip, hình ảnh.

Trước đó, hồi tháng 1/2025, khi phân tích về thông tin “quét QR khiến điện thoại bị treo hoặc mất tiền” lan truyền trên mạng, cùng với việc khẳng định đây là tin giả, chuyên gia Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật của Công ty NCS nhận xét: Tin giả cũng gây hoang mang không kém gì các thủ đoạn lừa đảo. Những tin giả, sai sự thật thường được tung ra để gây hoang mang dư luận hoặc tạo ra sự sợ hãi không cần thiết, có thể dẫn đến hành vi tự vệ thái quá hoặc mất cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo thực sự.

Theo các chuyên gia, tuy hiện nay tình trạng lừa đảo trên không gian mạng rất phổ biến, song không phải cảnh báo lừa đảo nào cũng là thật, thậm chí các đối tượng lừa đảo có thể dùng cảnh báo lừa đảo để dẫn dụ người dùng vào kịch bản lừa đảo. Vì vậy, nếu nhận được các thông tin, bất kể nội dung là gì, người dùng đều cần kiểm chứng lại.

Người dùng có thể kiểm tra thông tin qua các kênh chính thống như trang web của cơ quan công an, ngân hàng, báo chí, truyền hình chính thống; theo dõi các cảnh báo từ hiệp hội an ninh mạng hoặc các công ty an ninh mạng uy tín. Đồng thời, người dùng cũng không nên chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng để hạn chế phát tán các tin đồn gây hoang mang.

Theo ghi nhận của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia – NCA, năm 2024, lừa đảo trực tuyến tiếp tục hoành hành, gây những hậu quả nặng nề với hàng trăm nghìn người dùng Việt Nam. Kết quả khảo sát của NCA cho thấy, tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng, và cứ 220 người dùng thì sẽ có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến.

Lừa đảo trực tuyến được nhận định sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2025. Bên cạnh các biện pháp từ cơ quan quản lý, người dùng được khuyến nghị vẫn cần nâng cao cảnh giác, kỹ năng an toàn khi tham gia môi trường mạng. Cụ thể là, không chia sẻ thông tin cá nhân với những người không quen biết hoặc dịch vụ không tin tưởng; xác minh kỹ lưỡng bất kỳ cuộc gọi hay trao đổi nào liên quan đến chuyển tiền; dùng ứng dụng phòng chống lừa đảo để lọc và ngăn chặn các số điện thoại lừa đảo, website độc hại.

Các tin khác

Giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục

Giá vàng tăng vọt lên mức cao kỷ lục, chạm mốc quan trọng 3.500 USD/ounce. Giới đầu tư tìm đến vàng là nơi trú ẩn an toàn giữa lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell.

Tỷ phú Elon Musk lại nhận tin buồn

Sự sụt giảm mạnh về doanh số, lo ngại từ nhà đầu tư về hình ảnh thương hiệu và tác động từ chính trị đang phủ bóng lên tương lai của hãng xe điện Tesla.

Đại hội cổ đông Taseco Land năm 2025: Đặt nền móng cho chu kỳ tăng trưởng mới

Công ty Cổ phần Bất động sản Taseco Land (UPCoM: TAL) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên. Trong khuôn khổ sự kiện, doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh năm 2024 với những con số ấn tượng. Đồng thời, Taseco Land cũng thể hiện tầm nhìn chiến lược rõ ràng trong việc tái cơ cấu danh mục dự án, mở rộng quỹ đất và duy trì kỷ luật tài chính - yếu tố được giới đầu tư đánh giá cao trong chu kỳ mới của bất động sản.

Tin xem nhiều