BAF:
CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã chứng khoán BAF) vừa có ký kết với Tập đoàn Chăn nuôi – Thực phẩm Muyuan (Muyuan Foods Co., Ltd). Một trong những quan trọng trong thỏa thuận hợp tác giữa BAF và Muyuan là hướng đến chuyển giao thiết bị công nghệ chăn nuôi thông minh.
Được biết, Muyuan là tập đoàn chăn nuôi lớn của Trung Quốc có thâm niên hoạt động 30 năm. Theo giới thiệu, Muyuan đã xây đựng được chuỗi chăn nuôi khép kín từ chế biến thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi lợn đến giết mổ và chế biến thịt lợn. Quy mô hoạt động của Muyuan hiện ở 224 quận (huyện), 25 tỉnh, 108 thành phố tại Trung Quốc với nhân sự lên đến 140.000 người. Hiện tại, Muyuan sở hữu 1.125 trang trại chăn nuôi, tổng sản lượng đạt gần 64 triệu con lợn vào năm 2023, 10 nhà máy giết mổ, qua đó đứng đầu thế giới về khối lượng giết mổ heo.
Ký kết diễn ra trong bối cảnh ngành chăn nuôi toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức từ dịch bệnh mà điển hình là dịch tả lợn châu Phi, việc quản trị an toàn sinh học là yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp. Do đó, BAF kỳ vọng sẽ học hỏi và áp dụng hiệu quả công nghệ của Muyuan tại Việt Nam.
Trong đó, Muyuan dự kiến hỗ trợ BAF đạt được mục tiêu mở rộng quy mô với 450.000 con lợn nái và 10 triệu con lợn thịt vào năm 2030. Năm 2024, BAF đặt mục tiêu đạt 75.000 heo nái và 800.000 heo thương phẩm. Đến năm 2030 đạt 450.000 heo nái và 10 triệu heo thương phẩm.
BAF là công ty chăn nuôi của ông Trương Sỹ Bá, được thành lập vào năm 2017. Tân dụng ưu thế từ mảng cung ứng nguyên vật liệu thức ăn chăn nuôi, BAF hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi heo, chế biến và cung ứng thực phẩm. BAF được biết đến là chủ quản thương hiệu Heo Ăn Chay.
“Dịch tả là cơ hội của BAF, chúng tôi đang biến thách thức thành cơ hội. Bắt tay với Muyuan, BAF dự kiến đạt 10 triệu con heo vào năm 2030”, ông Trương Sỹ Bá chia sẻ tại lễ ký kết. Trong đó, ông Bá đặc biệt nhắc đến việc tiết kiệm được chi phí đất đai đến 4 lần khi áp dụng nuôi heo theo công nghệ mới.
Được biết, năm 2020, Muyuan Foods gây chú ý mạnh trên thị trường chăn nuôi khi xây dựng Khu phức hợp chăn nuôi lớn và hiện đại nhất thế giới tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Khu phức hợp bao gồm 21 tòa nhà 6 tầng, theo hình xương cá, với mỗi dãy chuồng nuôi 2.500 con lợn nái, tức 5.000 con/tòa. Toàn bộ nguồn nước thải đều được xử lý đồng bộ và sau khi được xử lý có thể uống được.
Trong chia sẻ trước đó, ông Bá cũng thống kê trước dịch thì chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm trên 70% tổng đàn, còn công ty chăn nuôi như CP, Masan… còn lại chiếm chưa đến 30%. Dịch tả xảy ra đã khiến nhiều người bỏ chuồng, chưa kể theo yêu cầu mới nếu chuồng trại không đạt chuẩn phải đóng cửa. Theo đó, hộ nuôi nhỏ lẻ đã xuống dưới 50%. Đại diện BAF nhận định sẽ còn xuống tiếp trong vài năm tới, và Công ty cùng các doanh nghiệp chăn nuôi đang lấy phần tự nhiên từ số hộ nuôi nhỏ lẻ giảm đi này. Dự kiến 7-10 năm nữa, thì các công ty chăn nuôi sẽ lấy hết thị phần nhỏ lẻ, lúc đó cạnh tranh mới phát triển.
Trên thị trường, cổ phiếu BAF đang ngược dòng tăng điểm đáng kể. Thông tin ký kết với “ông lớn” Trung Quốc được rò rỉ giúp thị giá BAF tăng 13% trong tuần qua, từ 17.750 đồng/cp lên 20.000 đồng/cp. Phiên sáng 16/9/2024, BAF giao dịch tại mức 19.900 đồng/cp, thanh khoản gần 3 triệu đơn vị.