Chiều nay (1/4), Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap (mã chứng khoán: VCI) tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2025.
Cổ đông đặt câu hỏi quan tâm đến "sóng" nâng hạng thị trường chứng khoán và Vietcap sẽ đón đầu cơ hội này như thế nào. Bà Nguyễn Thanh Phượng - Chủ tịch HĐQT Vietcap - nói ai quan tâm đến thị trường chứng khoán đều theo dõi tin tức về vấn đề nâng hạng.

Bà Nguyễn Thanh Phượng - Chủ tịch Vietcap (Ảnh: VCI).
Theo bà Phượng, nâng hạng sẽ làm độ mở thị trường khác biệt. Dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ thay đổi. Không phải từ năm 2024 mà ngay cả năm 2023, các công ty chứng khoán cũng như doanh nghiệp nơi bà làm chủ tịch HĐQT đã có nhiều sự thay đổi, hoàn thiện nâng cao nền tảng công nghệ, quy mô về vốn để tham gia các sản phẩm mới, sẵn sàng tâm thế nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho cổ đông, nhà đầu tư.
Cổ đông cũng đặt câu hỏi trao đổi về chủ trương xây dựng trung tâm tài chính ở Việt Nam mang lại lợi thế gì cho công ty chứng khoán bà làm lãnh đạo. Bà Phượng cho rằng trung tâm tài chính không chỉ nằm ở một khu vực với các tòa nhà đẹp, mà cốt lõi là có gì trong các tòa nhà đó, khu vực đó.
Quan điểm của bà là ở đó phải có các sàn giao dịch chứng khoán, trụ sở của các công ty quản lý quỹ, công ty trong các lĩnh vực hỗ trợ tài chính, kiểm toán - kế toán...
Năm nay, Vietcap đặt mục tiêu doanh thu 4.325 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.420 tỷ đồng, tăng lần lượt 15% và 30% so với thực hiện năm trước. Cổ tức dự kiến là 5-10%...
Ông Tô Hải - Tổng giám đốc Vietcap - cho biết quý đầu năm, công ty lãi trước thuế 400 tỷ đồng. Dự kiến cả năm nay, hoạt động đầu tư sẽ chiếm phần lớn trong cơ cấu lợi nhuận, sau đó là cho vay margin, môi giới, ngân hàng đầu tư... Ông nêu kỳ vọng lớn vào mảng dịch vụ tư vấn (tư vấn trái phiếu, tư vấn niêm yết... - PV). Ông kỳ vọng mảng tư vấn sẽ phục hồi nhưng từ cuối năm nay để tạo đà cho năm sau.
Ông Hải cho rằng ngành chứng khoán vẫn may mắn và "giữ được nhiệt" vì nhiều ngành nghề khác vẫn gặp khó khăn. Ông tin tưởng vào các chính sách điều hành của Nhà nước với tốc độ tăng trưởng cải cách như hiện nay, cuối năm nền tảng kinh tế sẽ tăng trưởng tốt, cộng với yếu tố tích cực về lãi suất, mảng ngân hàng đầu tư sẽ quay trở lại.
Ông tiếp tục thừa nhận đã "khá chậm" trong việc chuyển đổi, hướng tới nhà đầu tư cá nhân. Bởi Vietcap vốn là doanh nghiệp "mạnh" về mảng môi giới khách hàng tổ chức, vào trước Covid-19. Tuy nhiên đến năm 2021, thị phần môi giới khách hàng tổ chức giảm còn 5-10% so với trước đây khoảng 20-30%. Nhận thấy điều đó, năm 2023, công ty mới thay đổi và dịch chuyển nhưng "chậm", song đã chuyển đổi tốt.