Tại buổi tọa đàm "Đầu tư trong bối cảnh lạm phát và căng thẳng địa chính trị", chuyên gia, phụ trách Khối Nghiên cứu, Dragon Capital Việt Nam, bà Đặng Nguyệt Minh cho biết, xung đột giữa Nga - Ukraine đã gây ra nhiều tác động lên hệ thống tài chính, chuỗi cung ứng toàn cầu do hệ quả của các biện pháp trừng phạt.
Điều này khiến cho giá cả hàng hóa tăng vọt, trong bối cảnh toàn cầu, Việt Nam khó có thể tránh khỏi những tác động tiêu cực do độ mở của nền kinh tế của Việt Nam rất cao.
Tác động trực tiếp bao gồm những ảnh hưởng lên cán cân thương mại, lạm phát và hệ thống ngân hàng doanh nghiệp. Trong khi đó, tác động gián tiếp đến từ việc nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại khiến cho tăng trưởng của Việt Nam không đạt kỳ vọng.
Giá cả hàng hóa thế giới biến động sẽ tác động mạnh đến cán cân thương mại của Việt Nam
Phân tích về tác động trực tiếp, bà Đặng Nguyệt Minh cho biết, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Nga và Ukraine chỉ chiếm 0,9% tổng giá trị thương mại của Việt Nam và đây là một con số rất khiêm tốn.
Chi tiết hơn về các mặt hàng xuất khẩu sang Nga, nhóm hàng hóa điện thoại, máy tính, thiết bị điện tử chiếm 46%. Như vậy, trong khối doanh nghiệp, nếu bị ảnh hưởng nhiều hơn thì chính là khối FDI như LG, Samsung,...
Còn đối với các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có chút ảnh hưởng đặc biệt là hoạt động trong các ngành dệt may, nông sản, thủy sản,... với tổng giá trị xuất khẩu sang Nga khoảng 1 tỷ USD.
"Nói về tác động trực tiếp của xung đột này đối với doanh nghiệp cũng như hệ thống ngân hàng tại Việt Nam nhìn chung không có sự e ngại", bà Đặng Nguyệt Minh đánh giá.
Đối với tác động gián tiếp, chuyên gia Dragon Capital cho biết, với việc giá cả hàng hóa trên thế giới biến động mạnh như giá than, giá xăng dầu,... sẽ tác động mạnh tới cán cân thương mại của Việt Nam.
Hiện tại, Việt Nam nhập ròng một số loại hàng hóa năng lượng như dầu khí, than hay LNG với giá đầu vào cao hơn thì dự kiến sẽ mất thêm khoảng 2,5 tỷ USD để nhập khẩu các loại hàng hóa này. Bù lại, Việt Nam xuất siêu một số loại nông sản, thủy sản, gỗ và do giá tăng thì sẽ thu về 1,1 tỷ USD.
Về ảnh hưởng chung, bà Minh tính toán Việt Nam sẽ mất đi khoảng 1,4 tỷ USD đối với mức thặng dư thương mại so với kỳ vọng ban đầu. Trước đó, Dragon Capital kỳ vọng thặng dư thương mại năm nay sẽ là 13,2 tỷ USD, với những tác động như trên, hiện tại con số này giảm xuống còn 11,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn đó là Việt Nam vẫn sẽ có mức thặng dư thương mại trong năm 2022.
Dự báo ba kịch bản lạm phát liên quan giá dầu
Chuyên gia Dragon Capital nhận định việc giá cả hàng hóa sẽ mang lại tác động lớn và quan trọng hơn chính là lạm phát. Nhiều người thường cho rằng đây là vấn đề ở các nước phương Tây đang phải đối mặt.
Tuy nhiên, có điểm cần phải lưu ý chính là mỗi quốc gia sẽ có một rổ lạm phát khác nhau. Nếu như người tiêu dùng phương Tây tiêu thụ lượng lớn ngũ cốc, bánh mỳ, trứng, thịt gia cầm,... Song, người tiêu dùng Việt Nam lại tiêu thụ lượng lớn gạo, thịt heo.
Từ đó, bà Minh chỉ ra thực tế giá lúa mỳ, lúa mạch tăng rất nhanh nhưng giá gạo lại gần như không thay đổi. Như vậy, mỗi quốc gia, mức độ tác động của giá cả lên lạm phát lại khác nhau.
Đối với Việt Nam, tác động lớn nhất lên lạm phát ở mặt giá cả hàng hóa chính là giá xăng dầu. Hiện nay, Việt Nam đang phải trả hơn 30.000 đồng/lít xăng RON-95. Thực tế mức giá này cao hơn 15% so với trung bình các bang tại Mỹ và chỉ thấp hơn bang California - bang đắt nhất của nước Mỹ.
Lý giải về điều này, bà thông tin trong cấu thành của giá xăng mà người tiêu dùng đang phải trả thì có 44% là dành cho các loại thuế, phí. Vì vậy, đây cũng chính là cái khoảng để Chính phủ có thể cân chỉnh và điều tiết trong trường hợp cần thiết.
Lưu ý thêm về việc chỉ số CPI hai tháng đầu năm vẫn thấp, bà cho biết thực tế giá xăng dầu tăng là tác động tệ nhất đối với Việt Nam và đã được phản ánh một phần trong chỉ số CPI của tháng 2.
Cụ thể, chi phí vận chuyển đã tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và chi phí này đóng góp 10% trong rổ lạm phát, từ đó kéo CPI của cả nước lên khoảng 1,5%. Bù lại, các yếu tố chi phí khác lại giảm như y tế, thực phẩm,... giúp CPI tăng 1,4% so với cùng kỳ.
Chuyên gia cũng lưu ý chỉ số quan trọng hơn đó là chỉ số CPI lõi đã loại trừ các biến động của giá thực phẩm và giá năng lượng. Hiện CPI lõi của Việt Nam đang ở mức 0,68% và nếu chỉ số này tăng lên khoảng 2% thì nền kinh tế vẫn có thể chấp nhận được.
Bà cũng đưa ra ba kịch bản giá dầu trung bình cả năm tác động tới lạm phát 2022. Cụ thể, nếu giá dầu trung bình cả năm ở mức 95 - 130 USD/thùng thì lạm phát của Việt Nam sẽ giao động từ 3,7 - 5,3%. Còn trong kịch bản cơ sở, Dragon Capital dự báo lạm phát sẽ ở mức 4,2% khi giá dầu trung bình ở mức 110 USD/thùng.
Rủi ro lạm phát thời điểm hiện tại thấp hơn thời điểm năm 2011
Nếu so sánh mức độ lạm phát ở thời điểm hiện tại với thời điểm năm 2011, đại diện Dragon Capital cho rằng mức độ rủi ro thấp hơn rất nhiều.
Cụ thể, năm 2011, tất cả các loại hàng hóa đều tăng mạnh, đặc biệt là gạo và thịt heo - hai yếu tố rất quan trọng đối với kinh tế Việt Nam, hiện nay giá cả hai mặt hàng này đều khá ổn định.
Ngoài ra, bà Minh cũng lưu ý sự ổn định của nền kinh tế nội tại là rất quan trọng. Năm 2011, Việt Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên chính sách tiền tệ của Việt Nam đã tương đối thận trọng trong 5 năm vừa qua, do đó Việt Nam hiện tại không phải đối mặt với rủi ro từ chính sách tiền tệ cũng như chính sách tài khóa.
"Nhìn chung, áp lực lạm phát là có tăng nhưng vẫn có thể kiểm soát được", chuyên gia Dragon Capital nhận định.
Tổng kết lại, Dragon Capital dự báo thặng dư thương mại sẽ thâm hụt khoảng 1 - 2 tỷ USD, tuy nhiên Việt Nam vẫn duy trì trạng thái thặng dư, tác động của yếu tố này lên bối cảnh chung là thấp.
Áp lực của hàng hóa lên lạm phát là có, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát. Kịch bản cơ sở của Dragon Capital được điều chỉnh từ mức 3,5% lên 4,3%, tác động của yếu này là trung bình.
Về tăng trưởng kinh tế, Dragon Capital dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam sẽ đạt khoảng 7% trong kịch bản cơ sở, còn trong kịch bản tích cực con số này có thể lên 8 - 8,5%.