Ngày 28/11, Thượng viện Australia phê duyệt lệnh cấm mạng xã hội với kết quả bỏ phiếu 34 phiếu thuận và 19 phiếu chống. Ngày 27/11, dự luật cũng được Hạ viện thông qua với kết quả áp đảo 102 phiếu thuận và 13 phiếu chống.
Luật chưa có hiệu lực lập tức. Thay vào đó, các nền tảng như TikTok, Facebook, Instagram, Snapchat, Reddit và X có 12 tháng để thực hiện thay đổi cần thiết, hoặc đối mặt mức phạt 32,5 triệu USD nếu thất bại trong việc ngăn chặn trẻ dưới 16 tuổi tạo tài khoản.
"Đây là vấn đề toàn cầu và chúng tôi muốn trẻ em Australia có một tuổi thơ đúng nghĩa", Thủ tướng Anthony Albanese cho biết tuần trước, khi dự luật được công bố. "Chúng tôi muốn các bậc phụ huynh yên tâm".
"Chúng ta đều biết công nghệ phát triển nhanh chóng và một số người sẽ cố gắng tìm cách lách luật mới, nhưng đó không phải lý do để phớt lờ trách nhiệm chúng ta có", ông nói thêm.
Hiện luật vẫn chưa quy định cụ thể mạng xã hội nào sẽ bị cấm. Theo Bloomberg, chính quyền Australia có thể chỉ nhắm vào các nền tảng có hàng chục triệu người dùng trở lên. Dự kiến, Ủy ban An toàn điện tử (eSafety Commissioner) của chính phủ sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết về lệnh cấm trong những tháng tới.
Ngoài ra, các nền tảng trò chơi, trang nhắn tin cùng dịch vụ không yêu cầu đăng ký tài khoản sẽ không bị chặn. Các nguồn tin trước đó cho biết sẽ có ngoại lệ dành cho "các dịch vụ với mục đích chính là hỗ trợ sức khỏe và giáo dục người dùng cuối", như mạng xã hội sức khỏe Headspace và Kids Helpline, hay Google Classroom và YouTube.
Theo LBC, đây không phải là luật đầu tiên cấm trẻ em sử dụng mạng xã hội được chính phủ một quốc gia đưa ra, nhưng có giới hạn độ tuổi vị thành niên cao nhất và có các điều khoản quy định nghiêm ngặt nhất. Trước đó, Na Uy cũng cam kết thông qua luật tương tự, còn chính phủ Anh cho biết "đang được xem xét" lệnh cấm tiềm năng trong bối cảnh lo ngại tác động của mạng xã hội đối với sức khỏe tinh thần của trẻ em ở quy mô toàn cầu.
Khi Australia đề xuất luật cấm trẻ em dưới 16 tuổi dùng mạng xã hội dưới mọi hình thức, một số nền tảng đã lên tiếng phản đối. Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, đánh giá dự luật "vội vã và khó thực thi", dù cho biết sẽ tuân thủ. Snapchat cảnh báo "hậu quả không lường trước". Ngày 26/11, cùng với Google, cả ba kêu gọi hoãn thông qua dự luật vì cần thêm thời gian đánh giá tác động.
Trên X ngày 22/11, Elon Musk gọi dự luật là "cách kiểm soát truy cập Internet của tất cả người Australia". Trong bản đệ trình lên chính quyền Australia sau đó, X cho biết có "những lo ngại nghiêm trọng về tính hợp pháp của dự luật".