Trong báo cáo vừa công bố, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) chỉ ra nhiều thách thức thời gian tới với khu vực tiêu dùng trong nước.
Cụ thể những thách thức đến từ áp lực lạm phát, môi trường lãi suất cao. Ngoài ra, thu nhập người tiêu dùng bị tác động sau những sự kiện sa thải/cắt giảm lao động, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu sụt giảm cũng cản trở lớn đến đà tăng của tiêu dùng trong nước.
Bên cạnh đó, chương trình giảm thuế VAT 2% đã kết thúc từ cuối năm 2022. Do đó, BVSC cho rằng tăng trưởng tiêu dùng trong năm 2023 sẽ khó có thể duy trì mức tăng cao. Tiêu dùng sẽ còn cần thêm các gói hỗ trợ, kích cầu tiêu dùng để có thể tiếp tục là động lực tăng trưởng trong các quý còn lại của năm 2023.
Tiêu dùng là mảng đóng góp tỷ trọng lớn trong GDP của Việt Nam. Với mức tăng 13,9% so với cùng kỳ trong quý I, tiêu dùng trở thành mảng có tăng trưởng mạnh nhất và đóng góp lớn nhất đối với mức tăng trưởng chung 3,32% của GDP.
Trong 3 tháng đầu năm, bán lẻ là mảng có đóng góp lớn nhất đối với tăng trưởng tiêu dùng. Do đó, BVSC cho rằng việc giảm thuế VAT 2% giúp kích thích nhu cầu mảng bán lẻ, sẽ giúp cho mảng này duy trì được tăng trưởng trong nửa sau của năm, qua đó giúp cho tiêu dùng trong nước duy trì được tăng trưởng và tiếp tục là động lực tăng trưởng đối với nền kinh tế.
SSI Research cũng vừa công bố báo cáo, trong đó đánh giá tiêu dùng trong nước chậm lại. Theo các chuyên gia tại đây, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý I tăng 13,9% so với cùng kỳ và tăng 26,7% so với quý I/2019).
Tuy nhiên, áp lực về lạm phát cũng đè nặng lên tiêu dùng trong nước khi số liệu về tiêu dùng vẫn thấp hơn so với xu hướng thông thường trước COVID-19. Dữ liệu tiêu dùng bán lẻ của TP HCM – chiếm tỷ trong khoảng 20% tổng doanh thu bán lẻ trong cả nước cho thấy sự sụt giảm của nhóm ngành không thiết yếu như đồ dùng gia đình (giảm 2% so với cùng kỳ) hay tăng trưởng hàng may mặc tăng ở mức thấp (tăng 4,3%).
Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 2,7 triệu lượt khách trong quý I – bằng 15% tổng lượng khách trong năm 2019. Trong đó, khách du lịch từ Hàn Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất (30% tổng khách quốc tế tới Việt Nam và tương đương 36% tổng lượng khách trong năm 2019).
Du khách Trung Quốc có sự cải thiện trong tháng 3 tuy nhiên hiện cũng chỉ mới tương đương 2,4% tổng lượng khách Trung Quốc trong năm 2019.
SSI đánh giá sự hồi phục của khách quốc tế tới Việt Nam là tương đối chậm, một phần do chính sách visa vẫn còn khá khó khăn. Chính phủ hiện đã đề xuất điều chỉnh chính sách visa điện tử theo hướng nới lỏng hơn và SSI kỳ vọng đây sẽ là yếu tố tích cực cho ngành du lịch trong nửa cuối năm nay.