Xã hội

"Áp dụng thuế TNCN 0,1% như chứng khoán, mỗi năm Việt Nam có thể thu về hơn 800 triệu USD từ tiền số"

Tóm tắt:
  • Việt Nam có cơ hội lớn để thu thuế từ tài sản mã hóa nhưng cần có quy định pháp lý rõ ràng.
  • Nếu thuế quá cao hoặc thủ tục phức tạp, nhà đầu tư quốc tế sẽ khó bị thu hút.
  • Việt Nam có thể áp dụng thuế giao dịch thấp và thuế thu nhập cá nhân để tăng nguồn thu ngân sách.
  • Cần xây dựng khung pháp lý minh bạch để cạnh tranh với các kênh đầu tư truyền thống.
  • Hợp tác quốc tế và thiết lập hệ thống thuế đơn giản sẽ giúp phát triển hệ sinh thái tài sản số bền vững.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ sở hữu tài sản mã hóa cao nhất thế giới. Theo báo cáo của TripA, có khoảng 17 triệu người Việt Nam sở hữu tài sản mã hóa, chiếm 17% dân số, xếp thứ 5 toàn cầu.

Dòng tiền từ tài sản mã hóa vào Việt Nam giai đoạn 2022 - 2024 ước tính hơn 100 tỷ USD, cao gấp đôi dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cùng với đó, Việt Nam đứng thứ 3 toàn cầu về chỉ số chấp nhận tài sản mã hóa năm 2023 và đứng thứ 7 về số lượng người sở hữu tài sản mã hóa năm 2024.

Tuy nhiên, do chưa có quy định pháp lý rõ ràng, hầu hết các giao dịch này đang diễn ra trên các nền tảng quốc tế hoặc thị trường không chính thức, khiến việc giám sát và thu thuế gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính vừa có Tờ trình số 64 ngày 11/3/2025, báo cáo Chính phủ dự thảo Nghị quyết về việc triển khai thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa.

Cơ hội để tăng nguồn thu thuế

Về vấn đề quản lý tiền số, TS. Chu Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm nhóm ngành Cử nhân Kinh doanh thuộc Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang tiến gần hơn tới việc hợp pháp hóa các giao dịch tiền mã hóa, không chỉ đem đến khung pháp lý rõ ràng cho thị trường, mà còn mở ra cơ hội để tăng nguồn thu thuế.

TS. Chu Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm nhóm ngành Cử nhân Kinh doanh thuộc Đại học RMIT Việt Nam. (Nguồn: Đại học RMIT Việt Nam)

Nếu áp dụng một cơ chế thuế "hợp lý, Việt Nam có thể tạo nguồn thu ngân sách đáng kể từ thị trường này. Một hướng tiếp cận hiệu quả là đánh thuế giao dịch ở mức thấp, tương tự như thuế giao dịch chứng khoán.

Bên cạnh thuế giao dịch, Chính phủ còn có thể cân nhắc đánh thuế thu nhập cá nhân đối với lợi nhuận từ đầu tư tiền mã hóa, hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực này.

Nếu tiền mã hóa được phân loại là tài sản đầu tư thì lợi nhuận từ giao dịch có thể bị đánh thuế tương tự như với chứng khoán hoặc bất động sản. Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành tiền mã hóa cũng có thể chịu thuế với mức 20% như các doanh nghiệp truyền thống. 

Một nguồn thu tiềm năng khác cho Chính phủ là phí cấp phép hoạt động cho các sàn giao dịch tiền mã hóa. Nhiều quốc gia đã triển khai mô hình này, chẳng hạn như Dubai, nơi các dự án tiền mã hóa phải đóng phí cấp phép.

"Nếu Việt Nam áp dụng hệ thống tương tự, Chính phủ có thể vừa kiểm soát thị trường vừa tạo ra nguồn thu không đến từ thuế", ông Tuấn nêu rõ.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) cho rằng, xây dựng khung pháp lý không chỉ giúp kiểm soát rủi ro mà còn tạo điều kiện để dòng vốn từ tài sản mã hóa đóng góp chính thức vào nền kinh tế.

Từ đó, Nhà nước có thể thu thuế từ giao dịch tài sản mã hóa, đồng thời giảm thiểu các hệ lụy xã hội từ những hoạt động đầu tư chưa được kiểm soát. Còn nhà đầu tư sẽ được trải nghiệm và hiểu rõ thế nào là một giao dịch chính thức được công nhận, đồng thời được bảo vệ trong khuôn khổ pháp lý của nhà nước.

Theo tính toán, nếu áp dụng mức thuế thu nhập cá nhân 0,1% như giao dịch chứng khoán, thì mỗi năm có thể thu về hơn 800 triệu USD tiền thuế. Bên cạnh đó, các nền tảng giao dịch thường áp dụng mức phí 0,01 - 0,8% mỗi giao dịch.

Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)

Cần xem xét đối tượng khuyến khích

Tuy nhiên, ông Trung lưu ý, với sàn giao dịch thí điểm, yếu tố quan trọng cần xem xét là Chính phủ sẽ hướng chính sách thu hút đối tượng nào. Nếu nhắm đến nhà đầu tư trong nước, cần tính đến sự cạnh tranh với các kênh đầu tư truyền thống như tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán hay vàng.

Bởi trên thực tế, các kênh này đã có hệ thống pháp lý rõ ràng, sàn giao dịch tài sản mã hoá sẽ cần một cơ chế đủ minh bạch, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và có chính sách thuế hợp lý để tạo sức hấp dẫn.

Còn nếu thu hút nhà đầu tư nước ngoài, thì bài toán quản lý dòng vốn vào và ra của nền kinh tế sẽ rất quan trọng. Một sàn giao dịch tài sản mã hoá không chỉ cần đảm bảo tính linh hoạt trong giao dịch, mà còn phải có cơ chế kiểm soát dòng vốn hợp lý để tránh các rủi ro về biến động tài chính.

“Điều này liên quan trực tiếp đến chính sách thuế, bởi nếu mức thuế quá cao hoặc phức tạp, sẽ khó thu hút các nhà đầu tư quốc tế. Ngược lại, nếu có chính sách thuế hợp lý và hệ thống quản lý dòng vốn thông minh, Việt Nam có thể trở thành một trung tâm tài chính số hấp dẫn trong khu vực”, ông Trung nêu rõ.

Xây dựng một hệ thống thuế hiệu quả không nên chỉ dừng lại ở mục tiêu tạo nguồn thu mới cho ngân sách, mà còn phải bảo đảm rằng chính sách này không làm suy yếu thị trường hay dẫn tới hiện tượng rò rỉ dòng vốn sang các nước khác, TS. Chu Thanh Tuấn bình luận.

Ví dụ Ấn Độ áp thuế 30% đối với lợi nhuận từ tiền mã hóa và 1% thuế trên mỗi giao dịch, khối lượng giao dịch trong nước đã giảm tới 70%, vì nhà đầu tư chuyển sang các sàn giao dịch nước ngoài.

"Nếu Việt Nam triển khai mức thuế quá cao hoặc hệ thống thuế quá phức tạp, nhà đầu tư có thể chuyển hoạt động sang các thị trường thân thiện hơn như Singapore hay Dubai, khiến thất thoát nguồn thu thuế tiềm năng", ông Tuấn quan ngại.

Để thu hút đầu tư mà vẫn đảm bảo nguồn thu thuế ổn định, vị chuyên gia này cho rằng, Việt Nam cần một mô hình thuế cân bằng. Thuế giao dịch thấp kết hợp với thuế lãi về vốn trong khung thuế thu nhập cá nhân có thể giúp duy trì tính công bằng mà không làm suy yếu thị trường.

Ngoài ra, Việt Nam nên cân nhắc miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho tiền mã hóa, như cách Liên minh châu Âu và Singapore đã thực hiện, nhằm tránh đánh thuế hai lần và duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực.

Đồng thời, Việt Nam cần hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm giám sát các giao dịch xuyên biên giới và ngăn chặn hành vi trốn thuế.

“Nếu thiết lập được một hệ thống thuế đơn giản, cạnh tranh và cân bằng, Việt Nam có thể vừa tạo được nguồn thu đáng kể từ tiền mã hóa, vừa thúc đẩy sự phát triển của một hệ sinh thái tài sản số bền vững”, TS. Tuấn tin tưởng. 

Các tin khác

Miền Bắc tăng nhiệt mạnh

Hôm nay (2/4), miền Bắc chỉ còn rét về đêm và sáng, trưa chiều hửng nắng, ấm áp, nhiệt độ cao nhất khoảng 24-27 độ. Trong hai ngày 3-4/4, nền nhiệt tiếp tục tăng ở miền Bắc. Các khu vực khác hôm nay ít mưa, riêng Nam Bộ có mưa dông trái mùa.

Dự án khu công nghiệp lớn nhất Cần Thơ hiện ra sao?

Dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ đang bị chậm tiến độ do gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt việc thiếu cát san lấp, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thi công khu tái định cư và hai tuyến đường kết nối.

Chứng khoán lao dốc

Áp lực bán ngày càng mạnh khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, nối dài mạch giảm phiên thứ tư liên tiếp và tiệm cận vùng tâm lý 1.300 điểm.

Dự báo vàng tăng lên 200 triệu đồng/lượng, điều gì xảy ra?

Giá vàng trong nước sáng nay (31/3) tăng lên trên mốc 101,5 triệu đồng/lượng, phá vỡ kỷ lục lập trước đó. Chuyên gia cho rằng, về dài hạn, nhiều dự báo vàng có thể lên đến 3.500 USD/ounce, thậm chí 4.000 USD/ounce. Với mức duy trì trong nước và thế giới chênh nhau từ 4-5 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước có thể lên tới 150-200 triệu đồng/lượng.

Đau đầu vì nút thắt tín dụng

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, việc gỡ nút thắt về vốn thông qua xây dựng chính sách và cơ chế bảo lãnh tín dụng cởi mở, thông thoáng hơn, thủ tục vay vốn đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện hơn, các kênh tiếp cận tài chính đa dạng hơn sẽ là giải pháp đặc biệt quan trọng với doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa để có thể hình thành các tập đoàn tư nhân lớn mạnh.

Người đàn ông nhiễm giun lươn nguy kịch vì chủ quan

Một bệnh nhân ở Hòa Bình vừa được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng nguy kịch do nhiễm giun lươn lan tỏa – một dạng nhiễm kí sinh trùng nặng có thể gây biến chứng nghiêm trọng ở người suy giảm miễn dịch.