Doanh nghiệp

Áp dụng quy định không được lái xe liên tục 4 giờ, doanh nghiệp vận tải lo lắng

Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, quy định lái xe không vượt quá 48 giờ mỗi tuần, 10 giờ mỗi ngày và 4 giờ liên tục. Nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo lắng với hoạt động thực tế của doanh nghiệp.

Lo phải ngừng hoạt động

Ông Nguyễn Hải Cường, giám đốc một doanh nghiệp vận tải hành khách chuyên chạy tuyến Hà Nội – Đắk Lắk cho rằng, luật quy định thì các doanh nghiệp vận tải đều tuân thủ thực hiện. Quy định này đặt mục tiêu hướng đến an toàn cho người tham gia giao thông, hành khách và cho cả tài xế. Ông cũng thừa nhận nghề lái xe làm việc căng thẳng hơn rất nhiều so với người làm việc trong văn phòng.

“Để thực hiện đúng theo quy định, mỗi xe khách sẽ phải bố trí 3 tài xế thay phiên nhau lái mới đảm bảo được giờ di chuyển của hành khách. Thế nhưng việc này sẽ khiến chi phí ăn uống, sinh hoạt và lương tăng lên 30% so với 2 tài xế trước đây. Cùng với đó, lái xe cũng phửi dừng nghỉ dẫn đến kéo dài thời gian, gây khó chịu cho hành khách”, ông Cường nói.

Áp dụng quy định không được lái xe liên tục 4 giờ, doanh nghiệp vận tải lo lắng- Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp, nhà xe lo lắng và kiến nghị sửa đổi quy định số giờ lái xe liên tục đối với tài xế. (Ảnh minh hoạ).

Theo ông Cường, quy định lái xe liên tục không quá 4h liên tục vừa gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp, vừa gây ức chế cho tài xế và hành khách ngồi trên xe. Thực tế ùn tắc giao thông kéo dài tại những điểm nóng như ở Hà Nội, TP.HCM khiến quy định này trở nên khó khả thi.

“Trong trường hợp tắc đường, tài xế phải chờ đợi nhiều giờ, nhưng thời gian đó vẫn bị tính vào giới hạn lái xe liên tục, dẫn đến nguy cơ vi phạm ngay cả khi họ không di chuyển. Vì thế chúng tôi bị đẩy vào thế tiến thoái lưỡng nan hoặc vi phạm, hoặc ngừng hoạt động", ông Cường băn khoăn.

Cũng phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp, ông Đỗ Văn Bằng, giám đốc một nhà xe chuyên chạy tuyến Hà Nội – Lào Cai cho biết, mặc dù doanh nghiệp của ông sở hữu nhiều xe vận tải khách, nhưng hiện chỉ còn hoạt động hơn 50% do khó khăn trong việc duy trì số lượng tài xế. Trong khi lượng hành khách có xu hướng giảm do các hình thức đi xe ghép, xe cá nhân tăng lên.

“Nhiều tài xế quyết định chuyển nghề vì cảm thấy không còn muốn gắn bó với công việc do áp lực bị xử phạt, làm giảm nguồn thu. Điều này khiến các doanh nghiệp, nhà xe như cũng tôi đang như ngồi trên "đống lửa" và nguy cơ phải dừng hoạt động” , ông Bằng nói.

Cũng nêu quan điểm của mình, ông Nguyễn Hữu Đông, giám đốc một doanh nghiệp vận tải chuyên về xe đầu kéo tại Hải Phòng cho biết, hiện các doanh nghiệp vận tải đang thiếu lái xe do thu nhập giảm và những quy định về xử phạt về thời gian lái xe...

"Ví dụ, một xe đầu kéo trên ca bin chỉ đủ chỗ cho 2 người. Nhưng nếu đi từ Bắc vào Nam thì phải 4 lái xe. Rồi quy định làm việc 48h/tuần cũng không phù hợp, vì ngay cả người làm văn phòng cũng phải làm hơn 48h, trong khi đó là nghề đặc thù dịch vụ lái xe thì chỉ làm 48h.

Như thế thì lái xe không khác gì công chức nhà nước và họ cũng sẽ được nghỉ cuối tuần, trong khi cuối tuần ngành dịch vụ lái xe mới có việc lại nghỉ thì kinh doanh", ông Đông nói và kiến nghị, cần tăng thời gian làm việc từ 48h/ tuần lên 60 - 70h/tuần.

Kiến nghị tăng thời gian lái xe

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiện hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho rằng, quy định lái xe không vượt quá 48h mỗi tuần, 10h mỗi ngày và 4h liên tục khiến nhiều doanh nghiệp vận tải khó khăn.

“Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn nghiên cứu, điều chỉnh quy định của pháp luật theo hướng giãn, nâng thời gian lái xe”, ông Quyền nói.

Theo ông Quyền, hiện nay hệ thống đường bộ của nước ta chưa đồng bộ, thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trên đường kéo dài cả về chiều dài đoạn đường bị ùn tắc và thời gian ùn tắc.

“Chẳng hạn lái xe dự kiến hành trình quãng đường đó chỉ 4 tiếng, nhưng ùn tắc giao thông khiến lái xe không chủ động được. Cùng với đó, theo quy định chỉ được lái xe 4h đồng hồ thì đang đi trên đường cao tốc lại hết thời gian lái xe không được phép dừng.

Như vậy, kiểu gì lái xe cũng bị xử phạt. Nếu căn cứ vào quy định để xử phạt lái xe, doanh nghiệp sẽ không phù hợp với điều kiện, hiện trạng giao thông của Việt Nam, vì vi phạm đó có thể không xuất phát từ chủ ý của lái xe”, ông Quyền nói.

Hiệp hội kiến nghị 3 nội dung: Thứ nhất, cơ quan chức năng cần xem xét cho một dung sai nhất định ở mức dưới 10%. Nghĩa là nếu lái xe vượt quá 10% quy định của 4h liên tục thì mới xử phạt.

Thứ hai, thời gian lái xe trong tuần thì cũng nên tham khảo từ các nước và Hiệp hội kiến nghị nâng lên ở mức lái xe với thời gian từ 55 – 60h/tuần.

Thứ ba, trong trường hợp vi phạm, nếu xử phạt cả lái xe và xử phạt cả doanh nghiệp vận tải là không phù hợp. Bởi về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính thì ai vi phạm chỉ xử phạt người đó.

“Chúng tôi cũng đề nghị sửa quy định, nếu doanh nghiệp ép lái xe phải chạy vượt quá thời gian quy định thì xử phạt doanh nghiệp. Còn trong trường hợp doanh nghiệp vẫn bố trí đủ lái xe để đảm bảo thực hiện theo quy định mà lái xe vi phạm cố tình chạy quá giờ quy định thì xử phạt lái xe chứ không xử phạt doanh nghiệp. Cần minh bạch, công bằng, ai vi phạm thì xử phạt người đó”, ông Quyền kiến nghị.

Nói về quy định này, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), cho biết, đây là sự kế thừa từ Luật Giao thông đường bộ trước và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật lao động.

Theo quy định Bộ luật lao động 2019, thời gian làm việc bình thường của người lao động tại Việt Nam không quá 8 giờ trong một ngày và 48 giờ trong một tuần. Đồng thời, việc quy định lái xe không quá 48 giờ mỗi tuần cũng phù hợp theo Công ước Vienna về giao thông đường bộ.

Sau 4 tiếng lái xe liên tục, người lái xe có thể nghỉ ngơi. Sau khoảng 15 phút, họ được phép lái xe tiếp tục hành trình. Mục tiêu cao nhất là giúp người lái xe được tỉnh táo, không bị mệt mỏi dễ dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn.

Ngoài ra, trong các tình huống bất khả kháng, tài xế gặp kẹt xe trong thành phố hoặc điểm dừng xe nghỉ ngơi không đảm bảo, họ có thể tiếp tục hành trình để thoát khỏi khu vực đó. "Khi xem xét các tình huống, cảnh sát giao thông sẽ tính toán thêm các yếu tố liên quan, không chỉ tập trung vào xử phạt. Tuy nhiên, người lái xe sau khi thoát khỏi khu vực bất khả kháng, cần thực hiện ngay việc nghỉ ngơi, tránh lạm dụng để cố lái xe", đại diện Cục Cảnh sát giao thông nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm