Nghề môi giới chứng khoán (broker) hiện đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, khi mà số lượng nhà đầu tư cá nhân ngày càng tăng cao. Trong số đó, một bộ phận là những người không có đủ kiến thức để tự đầu tư nhưng họ có nguồn vốn và mong muốn tài sản tiền đẻ ra tiền . Đây cũng là chính là một trong những lý do chính khiến nhà đầu tư F0 cần broker.
Song, bởi vì hiện nay có quá nhiều broker trên thị trường, nó đã tạo ra một số quan điểm tiêu cực về nghề này. Chẳng hạn như những người không học về tài chính vẫn đi làm broker, hoặc những lần phím hàng đi vào lòng đất, liên tục hô hào trên hội nhóm.
Nghề này có "tệ" đến vậy không? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Nguyễn Gia Khánh, 27 tuổi, hiện đang làm việc tại công ty Chứng khoán SSI để hiểu hơn về chủ đề này. Anh chàng bắt đầu bước vào nghề broker vào tháng 8/2021, nhưng đã tham gia đầu tư chứng khoán từ khi còn học đại học.
Nguyễn Gia Khánh
Xin chào Khánh,
Có một số lời đồn đoán rằng thu nhập của môi giới chứng khoán rất đa dạng. Đối với Khánh, nguồn thu nhập của broker sẽ đến từ những khoản nào?
Thu nhập của broker có thể đến từ rất nhiều nguồn. Bao gồm: lương cứng, khoản tiền lãi từ việc tự đầu tư, tiền hoa hồng khi khách hàng đặt lệnh.
Phí giao dịch của từng công ty chứng khoán sẽ khác nhau, đây là phí khi khách hàng đặt lệnh mua bán. Môi giới sẽ được khoảng 30-40% từ khoản phí đó. Đây cũng là khoản thu nhập chính của các broker.
Bên cạnh đó, các hội nhóm tư vấn chứng khoán cũng đang mọc nhan nhản, nhiều người nghĩ rằng broker thường sẽ "cá kiếm" kha khá từ đây. Song đối với Khánh, có 2 lý do chính để mình thành lập nên một hội nhóm. Thứ nhất là nhóm cộng đồng miễn phí nhằm thu hút tiếp cận được khách hàng tiềm năng. Bên cạnh đó, sẽ có những hội nhóm để tăng doanh thu, tức là những người thật sự cần mình hỗ trợ sẽ nộp tiền để vào nhóm. Nhưng đối với mình thì phần này chiếm phần trăm nhỏ trong thu nhập.
Dạo gần đây, có rất nhiều broker sử dụng MXH chẳng hạn như TikTok, Facebook hay Zalo để xây dựng thương hiệu cá nhân và kết nối với khách hàng tiềm năng. Theo Khánh, lợi ích và hạn chế từ việc này là gì?
Cá nhân mình nghĩ việc sử dụng MXH để tiếp cận khách hàng là 1 hình thức đang dần trở nên phổ biến và ngày càng thịnh hành hơn. Thế mạnh chính của hình thức này là broker có thể tiếp cận được với lượng khách hàng lớn và tiềm năng hơn. Thậm chí, mình có thể có những khách hàng cách xa cả nghìn cây số, chưa từng gặp, nhưng vẫn tin tưởng và tham khảo các ý kiến nhận định cá nhân của mình.
Vì nghề môi giới chứng khoán có thể coi là 1 nghề sales, và những người sales sẽ bán đi kiến thức chất xám của mình. Mặt khác, những kiến thức, thông tin này có thể được truyền đạt qua lời nói. Vậy nên dùng MXH để tiếp cận khách hàng đang dần trở thành xu hướng.
Tuy nhiên, cùng 1 lý do tin tưởng, đây cũng có thể là mặt hạn chế khi dùng MXH để tiếp cận khách hàng. Bởi vì bản chất nhà đầu tư cá nhân chưa gặp broker lần nào, sẽ rất khó để biến 1 khách hàng tiềm năng chưa từng gặp mặt, thành khách hàng thật sự của mình. Hơn thế nữa, mọi quyết định đầu tư đều liên quan đến tiền, nhà đầu tư sẽ ngần ngại bỏ vốn nghe theo broker họ chưa từng gặp mặt trao đổi.
Do sự phổ biến của MXH và nhiều nguồn thông tin, hiện nay có rất nhiều người thiếu kiến thức về chứng khoán nhưng vẫn đầu tư theo kiểu nghe "phím hàng". Trên góc độ broker, anh thấy sao về vấn đề này.
Trên góc độ broker, việc đầu tư nghe "phím hàng" đã diễn ra từ khi thị trường chứng khoán còn sơ khai. Bản chất của thị trường luôn thu hút nhà đầu tư mới mỗi ngày, con số có thể lên đến hàng trăm hàng nghìn người. Do đó, việc tiếp cận 1 môi trường đầu tư mới, với hàng trăm doanh nghiệp niêm yết trên sàn ở các lĩnh vực khác nhau là 1 lượng kiến thức quá khổng lồ đối với các F0.
Nó giống như 1 người lạc trong bóng tối và cố tìm ánh sáng. Và khi tìm thấy, họ sẽ cố đi theo mà không biết ở cuối ánh sáng ấy là đèn tàu hoả, hay lối ra. Mình gọi đó là "đầu tư nhắm mắt". Và những nhà đầu tư theo phong cách này thường số lần lỗ nhiều hơn số lần thắng.
Tuy nhiên, khách hàng đang có khá nhiều bất lợi khi khó có thể biết rõ môi giới của mình. Chẳng hạn, khi đăng ký mở tài khoản ở công ty chứng khoán, nhà đầu tư thường sẽ được công ty chỉ định môi giới ngẫu nhiên. Trên phương diện nhà đầu tư cá nhân, họ phải làm gì để giảm rủi ro chọn nhầm broker?
Trên bất kỳ thị trường nào cũng có rất nhiều sales. Theo mình bản chất của broker không khác gì sales. Có đủ kiểu với số năm làm việc, kinh nghiệm khác nhau và tất nhiên cũng sẽ có một số người trái ngành.
Đúng là thông thường công ty chứng khoán sẽ cử broker theo kiểu ngẫu nhiên cho từng khách hàng. Trong trường hợp này, nhà đầu tư nên tiếp nhận nhiều thông tin từ các broker khác nhau. Broker sẽ luôn cố gắng sale, đưa ra định hướng nhưng nhà đầu tư mới là người đưa ra quyết định cuối cùng.
Mặt khác, hội nhóm tư vấn chứng khoán mọc ra cũng đang ảnh hưởng rất nhiều đến các nhà đầu tư mới. Khi lượng thông tin họ tiếp cận được quá nhiều nhưng không thể tự mình chắt lọc được. Chuyện hội nhóm rất bình thường, nó giống như đi theo xu hướng, có cầu thì sẽ luôn có cung. Điều nhà đầu tư có thể làm là luôn tỉnh táo vì cuối cùng đây là tiền của họ. Mọi quyết định đưa ra trong đầu tư nếu sai có thể sẽ đưa đến những hậu quả phải trả giá bằng tiền bạc.
Họ cần phải biết mình đang được tư vấn điều gì. Hơn thế nữa, điều nhà đầu tư cần broker giúp đỡ là gì. Nếu họ không thể xác định được, phần lớn đây là những "nhà đầu tư mù". Hãy cố gắng chủ động để đánh giá môi giới của mình, tiếp nhận thông tin có chủ đích. Đối với mình đây là cách nhà đầu tư có thể giảm thiểu rủi ro khi nhận được hỗ trợ từ môi giới chứng khoán.
Trong lĩnh vực môi giới chứng khoán, có trường hợp "cướp" khách hàng không?
Việc "cướp" khách hàng có lẽ xảy ra thường xuyên trên thị trường chứng khoán. Bởi vì đơn giản nghề môi giới chính là tìm tòi các cơ hội đem lại lợi nhuận cho khách hàng. Song, sẽ không thể tránh khỏi sự trái chiều trong khái niệm đầu tư giữa broker và khách hàng. Đó có thể là tầm nhìn, là quan điểm đầu tư, là cách đầu tư, hoặc phương pháp đầu tư. Và khách hàng hoàn toàn có quyền lựa chọn broker họ cảm thấy là hợp trong mọi suy nghĩ và đáp ứng được nhu cầu của bản thân.
Mặt khác, trong chứng khoán không có “cắt máu” như BĐS, tức là được phép trừ trên phí hoa hồng hay hy sinh tiền lương. Lấy ví dụ từ bản thân, bên công ty mình sẽ có chi phí giao dịch cứng nên không thể cắt giảm hay thay đổi gì. Phí chứng khoán thì thường đi đôi với chất lượng giao dịch. Do vậy mình nghĩ rằng việc được giảm một chút chi phí nhưng nhận lại là một nhân viên với chuyên môn thấp hơn, thiếu kiến thức khiến cho nhà đầu tư có những quyết định sai thì không đáng. Cho đến cuối cùng nhà đầu tư mới người phải nhận những hậu quả do quyết định của mình.
Một lý do khác để khách hàng chuyển từ môi giới này sang môi giới khác là vì nhiều người có thể tự đầu tư. Như vậy họ sẽ tìm những công ty có mức phí thấp nhất có thể. Điều này thì mình gần như không thể kiểm soát được.
Có thể thấy trong giai đoạn 4 tháng đầu năm 2022, thị trường chứng khoán khá khó nhằn, thậm chí có thể nói rằng lượng người đầu tư có lãi là rất ít. Bên cạnh đó, có rất nhiều thông tin tiêu cực trên thị trường hiện nay. Theo Khánh, sau khoảng thời gian này có nhiều nhà đầu tư sẽ rời bỏ thị trường không?
Phải hiểu là nền kinh tế đang phát triển rất mạnh, nhiều nước gọi Việt Nam như là mãnh hổ Đông Nam Á. Nhà nước luôn tạo rất nhiều điều kiện cho nhà đầu tư nói chung và lĩnh vực chứng khoán nói riêng. Chẳng hạn, hiện nay mỗi ngày sáng trưa chiều tối đều có bản tin chứng khoán hoặc lồng tin tức này vào buổi phát sóng hàng ngày. Các bạn trẻ cũng đang hướng đến tìm kênh đầu tư sinh lời cho tài sản. Hơn thế nữa, lãi suất ngân hàng trong thời điểm hiện tại đã thấp hơn so với sự phát triển của chỉ số Vn-index. Do vậy sự dịch chuyển trong chuyện nhiều người đầu tư chứng khoán hơn là hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên, bên cạnh một lớp những người thật sự chú trọng đến đầu tư, cũng sẽ có những người tham gia thị trường chứng khoán dưới góc độ "đỏ đen". Không hiếm để thấy 2 năm vừa qua mọi người bàn luận về chứng khoán rất nhiều, điển hình là số lượng tài khoản mới cũng như thanh khoản thị trường đã tăng lên rất nhanh.
Hội "chứng sĩ" hay có câu vui là ông hàng xóm hay bà bán nước vỉa hè cũng đã bàn luận chuyện đầu tư. Họ là những người tiếp cận thị trường theo chiều hướng khá thiếu kiến thức nhưng chung quy lại đều vì lợi nhuận. Do vậy, chỉ cần thay đổi định hướng một chút về mối quan hệ giữa rủi ro lợi nhuận, mình nghĩ những người này cũng sẽ đầu tư bài bản và kiếm được lời trên thị trường.
Như mình đã nói ở trước, mục đích của tất cả các nhà đầu tư đều là kiếm lợi nhuận. Bạn sẽ phải bỏ ra 2 nguồn lực trên thị trường chứng khoán, đó là thời gian và tiền bạc. Do vậy khi họ cảm thấy mình không thể kiếm tiền được trên thị trường này, điều hiển nhiên, một bộ phận nhà đầu tư sẽ bỏ đi.
Trong 4 tháng gần đây đã có rất nhiều biện pháp để giúp thị trường chứng khoán trở nên minh bạch hơn. Tất nhiên trong quá trình thanh lọc này sẽ có không ít nhà đầu tư "rơi rụng". Đơn giản là bởi vì họ đã có 4 tháng bị thị trường nhấn chìm, trải qua giai đoạn bấp bênh nhất, khoảng thời gian thông tin không minh bạch. Với mình, khi niềm tin nhà đầu tư đã bị mất đi, rất khó để có thể lấy lại. Họ có thể sẽ rời bỏ thị trường và không bao giờ quay lại.
Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, đây là điều cần làm để thị trường trở nên tốt hơn, và hướng tới sự phát triển trong dài hạn. Theo mình, đây là những tín hiệu tốt, nhà đầu tư kiên trì và luôn cố gắng cải thiện bản thân chắc chắn sẽ "hái được quả ngọt".
Khánh có lời khuyên nào cho những người đang muốn trở thành môi giới chứng khoán không?
Lời khuyên chân thành nhất mình muốn gửi tới những bạn muốn trở thành môi giới đó là hãy có đam mê và nhiệt huyết. Bạn có thể đọc trăm quyển sách, nhưng với mình thị trường chứng khoán luôn biến đổi vận động theo các hình thức khác nhau. Không lần nào giống lần nào, cách tốt nhất để trở thành 1 môi giới chứng khoán chuyên nghiệp chính là đồng hành với thị trường càng lâu càng tốt.
Hãy yêu lấy nghề này, bổ sung kiến thức mỗi ngày, chăm chút đến từng quyết định đưa ra, và học được cách dành thời gian chăm sóc cho những khách hàng của mình.
Cảm ơn Khánh vì những chia sẻ!