Kỹ năng sống

Ai cũng có thể mắc cúm A, không loại trừ lứa tuổi

Ai cũng có thể mắc cúm A, không loại trừ lứa tuổi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Bất kỳ ai cũng có thể mắc các chủng virus cúm A. Một số đối tượng có nguy cơ mắc cao hơn và diễn biến nặng hơn khi mắc bệnh cần được lưu ý và điều trị kịp thời.

Có thể gây tử vong

Trong một số trường hợp, tình trạng nhiễm virus cúm A có thể cải thiện mà không cần dùng thuốc theo toa. Tuy nhiên, bệnh nhân nên đi khám và được bác sĩ tư vấn để chẩn đoán tình trạng bệnh.

Cúm A có thể lây lan qua các giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Người khác thậm chí có thể bị sốt khi sờ vào miệng hoặc mũi sau khi đã dùng tay tiếp xúc với một bề mặt hoặc vật thể có virus trên đó.

Do đó, bệnh lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, đặc biệt là những nơi tập trung nhiều người như các lễ hội, trường học, khu vui chơi… Nếu bị cúm A, cần nghỉ ngơi tại nhà để tránh lây nhiễm cho người khác.

Theo chuyên gia, cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp trên gây ra bởi virus cúm, các đợt bùng phát được dự báo theo mùa và xuất hiện hàng năm. Trong đó, các bệnh nhân trẻ tuổi cúm A thường có diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, với người cao tuổi, người có bệnh nền tim mạch, hô hấp, trẻ em dưới 5 tuổi, bệnh có tỷ lệ diễn biến nặng và tử vong cao hơn.

Bất kỳ ai cũng có thể mắc các chủng virus cúm A. Tỷ lệ cảm nhiễm các chủng virus cúm mới rất cao, có thể lên đến 90% ở người lớn và trẻ em. Một số đối tượng có nguy cơ mắc cao hơn và diễn biến nặng hơn khi mắc bệnh.

Đó là những người có bệnh nền mãn tính như tiểu đường, tim phổi, suy thận hoặc suy gan, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng giữa hoặc cuối thai kỳ, bệnh nhân suy giảm khả năng nhận thức, rối loạn thần kinh cơ, đột quỵ, động kinh… Những người làm việc ở môi trường đông người như trường học, bệnh viện, công sở cũng có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, thông thường bệnh nhân cúm A thường khỏi sau 1 tuần điều trị. Trong một số trường hợp có thể diễn tiến thành viêm phổi, suy hô hấp. Thậm chí nếu không điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến tử vong. Những bệnh nhân không có biểu hiện về đường hô hấp nặng, không có nguy cơ về suy hô hấp, viêm phổi thì có thể theo dõi tại nhà.

Ai cũng có thể mắc cúm A, không loại trừ lứa tuổi - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Tuân thủ chỉ dẫn

Những người nhiễm virus cúm A có khả năng lây nhiễm từ khoảng một ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện cho đến khoảng năm ngày sau khi chúng bắt đầu. Trẻ em và những người có hệ thống miễn dịch yếu có thể bị lây nhiễm trong một thời gian dài hơn một chút.

Loại virus này thường phát triển mạnh vào mùa đông xuân ở điều kiện thời tiết lạnh, nồm ẩm. Tuy nhiên, từ đầu tháng 6 trở lại đây, cúm A đã xuất hiện nhiều hơn với nhiều ca bệnh lây lan. Trong đó có tình trạng nặng, tổn thương phổi phải nhập viện khá nhiều.

Cúm mùa thường tiến triển lành tính. Nhưng bệnh cũng có thể có biến chứng nặng và nguy hiểm thường gặp ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp. Hiện, đã có phác đồ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh cúm mùa của Bộ Y tế. Theo đó, bệnh đã có thuốc điều trị đặc hiệu và được chỉ định dùng cho những trường hợp cụ thể. Phác đồ cũng hướng dẫn các biện pháp điều trị triệu chứng và các trường hợp cúm mùa có biến chứng.

Khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, cho con uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng và dễ hấp thu. Bên cạnh đó, trẻ cần được uống thuốc hạ sốt, thuốc điều trị triệu chứng như thuốc ho, thuốc cảm chống ngạt mũi. Cùng với đó là các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C để hỗ trợ tăng sức đề kháng.... Lưu ý, các thuốc được sử dụng phải do bác sĩ chỉ định, cha mẹ không được tự ý sử dụng.

Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng khuyến cáo, cúm A là bệnh dễ lây lan. Mọi người đều có thể mắc, đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai.

Một số biến chứng có thể xảy ra khi trẻ mắc cúm A gồm suy hô hấp, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, viêm màng não, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn thứ phát… Những biến chứng do cúm A gây ra nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng và sự phát triển sau này của bản thân đứa trẻ. Vì vậy, người lớn cần luôn lưu ý đến trẻ, đặc biệt là trong điều kiện bệnh xuất hiện với tần suất lớn như hiện nay.

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin phòng cúm chủ động. Thời điểm tiêm thích hợp là trước lúc giao mùa đông xuân khoảng 3 tháng, từ tháng 7 - 9 hàng năm. Mục đích để cơ thể kịp sản sinh những kháng thể cần thiết để chống lại virus gây bệnh. Virus cúm không ngừng biến đổi, sau một năm thì kháng thể cũng dần ít đi, do vậy nên tiêm phòng nhắc lại hàng năm.

Ngoài ra cần chú ý nâng cao thể trạng cho trẻ. Đó là cho trẻ ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin khoáng chất, vitamin tổng hợp theo lứa tuổi… Giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, khi đi từ ngoài về nhà, sau khi đi vệ sinh. Hạn chế đưa tay tiếp xúc vùng mắt, mũi, miệng. Đồng thời, thường xuyên vệ sinh không gian sống và vui chơi, đặc biệt là môi trường lớp học, các đồ chơi, vật dụng trẻ tiếp xúc hàng ngày…

"Đây là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do vậy tránh đưa trẻ tập trung nơi đông người, đặc biệt là tiếp xúc với những người bị cúm. Cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để hạn chế lây nhiễm", bác sĩ Hằng nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm