Tài chính

Thị trường tiền tệ Việt Nam “thức tỉnh”

Cuối cùng đã có phán quyết của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho kỳ họp chính sách tháng 7. Mức tăng 75 điểm cơ bản đã có trong dự báo và thị trường đã phản ánh, và "may mà" không phải 100 điểm.

Như lò xo bị nén rồi bung lên sau phán quyết trên, thị trường chứng khoán Mỹ liên tiếp bùng nổ. Thị trường phấn khích với thông điệp "bồ câu" của Fed khi định hướng khả năng sẽ giảm dần nhịp độ tăng lãi suất thời gian tới.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn như đèn cạn dầu, bùng lên phiên liền sau quyết định của Fed, rồi lại ỉu ngay sau đó…

Gắn với nội tại, dù các lãi suất điều hành vẫn giữ nguyên, nhưng Việt Nam đang đối diện với thực tế mới trên thị trường tiền tệ.

Mất luôn đường cong lãi suất 

Gần như bắt nhịp với các đợt đầu Fed tăng lãi suất, tỷ giá USD/VND từ cuối tháng 5 bước vào quãng biến động mạnh chưa từng có kể từ giữa năm 2018 trở lại đây. Mức tăng lên tới gần 3% của tỷ giá giao ngay trên thị trường liên ngân hàng ghi nhận ở cao điểm đợt biến động này, đi cùng với lượng ngoại tệ ước tính khá lớn phải bán ra để bình ổn.

Ngân hàng Nhà nước liên tiếp phải can thiệp ngắn hạn. Cùng với bán ra ngoại tệ, Nhà điều hành trở lại hút bớt tiền về, lãi suất VND nhanh chóng bật trở lại, vượt và cao hơn nhiều so với lãi suất USD.

Phải mất khoảng hai tháng tỷ giá USD/VND mới dần ổn định và có dấu hiệu hạ nhiệt. Song "đổi lại", lãi suất VND nhảy vọt và tăng đột biến gấp tới cả chục lần ở các kỳ hạn ngắn trên thị trường liên ngân hàng.

Đỉnh điểm của đợt biến động trên, đường cong lãi suất VND đã bị xóa bỏ hoàn toàn trên thị trường liên ngân hàng. Điển hình giao dịch sáng ngày 27/7, lãi suất tại tất cả các kỳ hạn trên thị trường này "kẻ thẳng" với đầu 4; trong đó lãi suất qua đêm và 1 tuần vọt lên cao hơn các kỳ hạn dài hơn.

Hiện tượng trên phản ánh xáo trộn lớn ngắn hạn, trước khi thị trường dần tìm được điểm cân bằng và bình ổn. Đây cũng là phiên trước thềm quyết định của Fed. Lãi suất qua đêm theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước phiên 27/7 còn ghi nhận lên tới 5%.

Một biến động cực mạnh: lãi suất qua đêm chỉ mới chưa đầy hai tháng trước còn quanh 0,4%/năm đã vọt lên tới vùng 4-5%/năm.

Thị trường tiền tệ Việt Nam “thức tỉnh” - Ảnh 1.

6 tháng đầu năm Kho bạc Nhà nước mới chỉ huy động được 17% kế hoạch phát hành TPCP năm 2022 - Nguồn: VBMA

Đối diện với thực tại?

"Thị trường cũng phải "qua cơn mê" và đối diện với thực tại thôi. Chúng ta có vẻ như vẫn đang ngủ quên trong êm đềm của lãi suất và dư thừa tiền thời Covid, mà chưa thực sự thức tỉnh với thực tế bối cảnh và lãi suất đã thay đổi rất nhiều", một chuyên gia am hiểu thị trường liên ngân hàng bình luận.

"Đang ngủ quên". Chuyên gia này nhìn sang thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP). Rõ ràng đến nay không thể tiếp tục nói về một hiện tượng - kết quả lịch sử như trong hai năm Coivid: lãi suất huy động thấp kỷ lục trong khi kỳ hạn phát hành dài kỷ lục.

Hoạt động phát hành TPCP đang đối diện với thực tế hàng loạt phiên đấu thầu thất bại. Khái niệm thất bại có thể nhìn ở nhiều góc cạnh, nhưng rõ ràng tỷ lệ gọi thầu thành công dưới 50% mỗi phiên, thậm chí chỉ đạt quanh 20% thì không thể nói là đạt; các kỳ hạn 20 và 30 năm gần như đã không thể gọi được tiền thời gian gần đây.

Tính chung 6 tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước mới chỉ huy động thành công 69.087 tỷ đồng, tức chỉ đạt… 17% kế hoạch năm. Lãi suất phát hành TPCP cũng tăng dần lên.

Trở lại với thị trường tiền tệ, phiên 26/7 vừa qua đánh dấu một sự kiện "thức tỉnh": lần đầu tiên sau nhiều năm, cũng như dấu mốc tách rời khỏi "bối cảnh Covid" khi Ngân hàng Nhà nước thả lãi suất OMO cho thị trường định giá.

Xưa nay thị trường đã quen với việc Ngân hàng Nhà nước ấn định và cố định sau đó lãi suất trên thị trường mở (OMO); các bước điều chỉnh trước đây cũng rất thận trọng với tăng hoặc giảm chỉ từ 25-50 điểm cơ bản. Nhưng, như trên, phiên 26/7 ghi nhận lãi suất OMO từ 2,5%/năm kéo dài từ năm 2020 đến nay đã bùng lên 3,8%/năm.

OMO là kênh thường trực điều tiết nguồn. Thanh khoản ngắn hạn hệ thống cần hỗ trợ, Nhà điều hành sẽ lập tức tạo nguồn tại đây, qua cầm cố giấy tờ có giá. Lãi suất bùng lên như trên cảnh báo về chi phí mượn vốn không còn dễ chịu như trước. Những phiên sau đó mức lãi suất này còn lên tới 4,3%/năm.

Thị trường tiền tệ Việt Nam “thức tỉnh” - Ảnh 2.

Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đã hạ nhiệt hai phiên cuối tuần. Cập nhật sáng 29/7 - Nguồn: MSB Research


Làm quen với "mặt bằng mới"? 

Những biến động dồn dập gần đây như một sự thức tỉnh: thị trường tiền tệ Việt Nam qua dần quãng êm đềm của những dễ chịu, dần làm quen với "mặt bằng mới".

Sau khi vọt lên vùng quanh 5%/năm, hai phiên cuối tuần này lãi suất VND liên ngân hàng đã hạ nhiệt; cập nhật giao dịch đến sáng hôm qua (29/7), đã giảm mạnh về 3,8%/năm.

Sau khi "thả nổi" lãi suất OMO, chi phí mượn vốn ở đây đã lên trên 4% thay vì chỉ 2,5% trước đó. Đáng chú ý hơn, thị trường đã có hơi hướng dịu xuống ở áp lực bơm tiền: sau loạt phiên bơm ròng 10.000 tỷ rồi liên tiếp 15.000 tỷ đồng/phiên, hai phiên vừa qua lượng vốn Ngân hàng Nhà nước bơm qua OMO đã dịu xuống, và đến hôm qua (29/7) chỉ còn 999,99 tỷ đồng; lượng thành viên tìm đến kênh hỗ trợ này cũng đã bớt chen chúc khi từ quanh 20 thành viên xuống chỉ còn 7.

Như trên, sau khi tỷ giá USD/VND dần được bình ổn và có xu hướng hạ nhiệt gần hai tuần qua, lãi suất liên ngân hàng và OMO nổi sóng, thì diễn biến hai phiên cuối tuần này đã có sự dịu bớt.

Như một thuật ngữ bất thành văn, "Thở phào" là từ có thể dùng để nói về phản ứng thị trường sau nén đợi một quyết định quan trọng và có ảnh hưởng lớn. Vừa qua là phán quyết của Fed. Và kết quả như một nút thắt được tháo gỡ. Tỷ giá, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất OMO đều lần lượt bình ổn dần.

Đó là những biến động ngắn hạn, mang tính thời điểm và chưa thực sự gây áp lực mạnh lên thị trường 1, nơi người dân và doanh nghiệp vay vốn ngân hàng; dù thời gian qua riêng biến động mạnh của tỷ giá USD/VND đã ngấm vào hoạt động sản xuất kinh doanh…

Thị trường tiền tệ, như trên, đã có phần dịu bớt. Nhưng những biến động mạnh vừa thể hiện một mặt tạo "mặt bằng mới" mà nền kinh tế sẽ dần phải hấp thụ, cũng như cảnh báo những êm đềm về chi phí liên quan đến tỷ giá, lãi suất như thời Covid đã không còn nữa, trong khi phía trước vẫn tiềm ẩn nhiều biến động, nhất là từ bên ngoài.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm