Những năm gần đây, người Việt quan tâm nhiều đến yếu tố chất lượng, an toàn của sản phẩm. Để đáp ứng yêu cầu tiêu dùng ngày càng khắt khe, các đơn vị sản xuất phải liên tục nâng cao năng lực, tuy nhiên cũng gặp nhiều trở ngại.
Hơn bốn năm kinh doanh nông sản, rau củ quả tươi và phát triển một số sản phẩm chế biến, đóng gói, bà Đàm Thị Dịu - công ty TNHH Sản xuất Thương mại Nông sản Kinh Bắc - luôn theo đuổi định hướng sản xuất nông sản hữu cơ. Tuy nhiên khi đưa hàng vào hệ thống AEON Việt Nam, bà Dịu gặp không ít trở ngại.
"Chúng tôi thường gặp các rào cản khi chưa kịp cập nhật nghị định, thông tư mới về kiểm tra chất lượng sản phẩm ngành hàng tươi sống. Khi đó, tôi thường liên hệ bộ phận quản lý chất lượng tại AEON Việt Nam nhờ hỗ trợ cập nhật thông tin", bà Dịu cho hay.
Công ty bà Dịu là một trong số ví dụ điển hình cho thấy khó khăn nhà cung cấp, nhất là doanh nghiệp quy mô nhỏ lẻ, đã và đang gặp phải. Đại diện chuỗi bán lẻ cho biết, sau khi khảo sát, họ nhận thấy một số vấn đề: 60% doanh nghiệp cần hỗ trợ quy trình liên quan truy xuất nguồn gốc sản phẩm; 40% gặp khó khăn khi tìm hiểu các chỉ số, thông tin trong quá trình kiểm nghiệm; 40% chưa đáp ứng năng lực quản lý hồ sơ công bố, tự công bố và nhãn trước khi đưa hàng vào hệ thống.
Với sứ mệnh "nâng tầm phong cách sống người Việt" và "mang đến sự an tâm, tin cậy cho người tiêu dùng", AEON Việt Nam luôn ưu tiên yếu tố an toàn khi triển khai mọi hoạt động kinh doanh. Cụ thể, đảm bảo chất lượng hàng hóa từ nhà cung cấp là khâu quan trọng trong hệ thống phân phối của nhà bán lẻ Nhật.
Bên cạnh đồng hành, phối hợp chặt chẽ với nhà cung cấp, từ năm 2020, doanh nghiệp liên tục tổ chức các khóa đào tạo nhằm giúp họ nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm... phục vụ tốt nhu cầu của khách nội địa, hướng tới xuất khẩu.
Năm 2022, khóa đào tạo diễn ra ở cả hai miền Bắc, Nam, với 224 lượt học viên từ 115 nhà cung cấp, chủ yếu là ngành thực phẩm. Lần đầu AEON Việt Nam phối hợp các cơ quan chức năng trong lĩnh vực chất lượng sản phẩm gồm Ban quản lý An toàn Thực phẩm TP HCM, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hà Nội.
Ban tổ chức tạo cơ hội để nhà cung cấp gặp gỡ, đặt câu hỏi liên quan đến hồ sơ tự công bố, ghi nhãn và kiểm nghiệm sản phẩm... Đại diện cơ quan chức năng hướng dẫn, giải đáp cụ thể từng thắc mắc.
99% học viên đánh giá khóa học hữu ích và thiết thực. Ông Nguyễn Vũ Minh Hoàng - đại diện công ty TNHH Tân Hải Hòa - cho biết kiến thức trong các buổi đào tạo phong phú, bám sát yêu cầu thực tiễn, giúp những ông và các nhà cung cấp khác nhìn nhận, đánh giá lại quy trình hiện hữu, từ đó cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ khi đưa hàng vào hệ thống AEON Việt Nam.
Ông Đặng Hoài Thương - công ty TNHH Thảo Tiến - tiết lộ chương trình học phần nào giúp doanh nghiệp của ông giải đáp vướng mắc, khó khăn về công bố sản phẩm, tem nhãn.
Bà Trần Thị Huyền Trang - Phó phòng Thanh tra Pháp chế thuộc Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm Thủy sản Hà Nội - đánh giá chương trình đào tạo được tổ chức bài bản, phù hợp nhu cầu thực tế, cần được nhân rộng thời gian tới.
"Tương lai, Chi cục khuyến khích các doanh nghiệp mình quản lý học tập AEON. Chúng tôi cũng chủ động phối hợp các hệ thống bán lẻ tổ chức tập huấn tương tự nhằm nâng cao năng lực kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm", bà Huyền Trang nói thêm.
AEON Việt Nam xác định tiêu dùng bền vững là mục tiêu quan trọng, với một trong hai trọng tâm là xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả. Thời gian tới, doanh nghiệp tiếp tục phối hợp nhà cung cấp nghiên cứu, phát triển sản phẩm chất lượng, các hoạt động xúc tiến thương mại kết nối cung cầu... Đồng thời đồng hành, hỗ trợ họ nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng hàng hóa nội địa, phục vụ người tiêu dùng.
"Cùng các nhà cung cấp, chúng tôi mong góp phần thúc đẩy các chính sách bền vững của Chính phủ, bao gồm chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và chương trình hành động sản xuất, tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030", đại diện doanh nghiệp nói thêm.
(ảnh: AEON Việt Nam)