“Từ khi căng thẳng Nga – Ukraine đột ngột xảy ra hồi cuối tháng 2, doanh nghiệp chúng tôi từng có giai đoạn đối mặt áp lực tăng giá nguyên liệu đầu vào, đỉnh điểm có đợt tăng gấp 2,5 lần, từ 22.000 đồng lên 51.000 đồng/ kg dung môi”, giám đốc kinh doanh của một công ty sản xuất sơn quy mô lớn tại Sóc Sơn, Hà Nội cho biết.
Tuy nhiên theo vị này, áp lực tăng giá nguyên liệu đầu vào chưa phải thách thức lớn nhất. Hiện nay doanh nghiệp đang đối mặt bài toán cạn vốn lưu động, cạn dòng đầu tư. "Do thiếu vốn, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong thu mua và chuẩn bị nguyên vật liệu cho các kỳ sản xuất năm 2023”, vị này nói thêm.
"Hiệu ứng sụt giảm niềm tin từ thị trường đối với các doanh nghiệp bất động sản đã lan rộng tới mọi loại hình doanh nghiệp khác, khiến kênh huy động trái phiếu không thể giúp doanh nghiệp thu hút được các nhà đầu tư trong ngắn hạn để giải quyết các bài toán cấp bách.
"Đã có doanh nghiệp bất động sản buộc phải cắt giảm 50% nhân sự", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) thông tin về tình hình khó khăn hiện nay của khối bất động sản.
"Một số doanh nghiệp đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, buộc phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Thậm chí do tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên một số doanh nghiệp bất động sản đói vốn phải vay vốn ngoài xã hội (tín dụng đen) với lãi suất rất cao".
Đó là câu chuyện của thị trường bất động sản. Với khu vực sản xuất, Ban IV cho biết doanh nghiệp ngành thép đối diện với “khủng hoảng lớn” khi cung vượt mạnh cầu, trong khi đơn hàng xuất khẩu lẫn đơn hàng trong nước đồng loạt giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30-40% để có dòng tiền hoạt động với chi phí lãi vay rất cao, trong lúc chờ đợt phân bổ chỉ tiêu tín dụng tiếp theo.
“Mức lỗ một số doanh nghiệp thép đang báo mới là khởi đầu cho khó khăn, dự báo sẽ tiếp tục lỗ sâu trong quý IV do tồn kho lớn với giá vốn cao; giá đã giảm 50-60% và đa phần doanh nghiệp vay vốn ngân hàng bằng tiền USD, lãi suất điều chỉnh liên tục khiến khó khăn nhiều hơn”, Ban IV cho biết.
Với ngành công nghiệp hỗ trợ, trước đây các doanh nghiệp có thể sử dụng hợp đồng đã ký kết hoặc thế chấp bất động sản để vay vốn. Tuy nhiên hiện nay các ngân hàng không giải ngân do áp lực về room tín dụng, dẫn đến việc doanh nghiệp cũng không thể tiếp nhận và ký kết hợp đồng mới.
Trong khi đó doanh nghiệp nông nghiệp phản ánh về việc thiếu vốn để thu mua nguyên liệu trong khi một số nông sản (đặc biệt các loại hạt nguyên liệu) lại có kỳ thu mua tập trung ở các tháng cuối năm và đầu năm 2023. Thời gian thu mua gấp, lượng vốn cần lớn nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại không thể tiếp cận tín dụng nên dự báo rất khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp FDI.
Tình hình khó khăn cũng xảy ra tương tự với khối sản xuất vật liệu xây dựng khi các doanh nghiệp bị dừng hầu hết hợp đồng cung ứng vật liệu cho các công trình. Ngoài ra, các hợp đồng đã hoàn tất lại không thể thanh toán do chủ đầu tư cũng không có dòng tiền, không vay được ngân hàng để trả cho doanh nghiệp cung ứng vật liệu. Bên cạnh đó, Ban IV cho hay việc xây dựng bằng vốn đầu tư công cũng đang đình trệ, khiến nhóm doanh nghiệp này thực sự khủng hoảng.
Vấn đề doanh nghiệp khát vốn cũng nhiều lần được các Đại biểu Quốc hội đề cập đến tại kỳ họp đang diễn ra.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (TP Cần Thơ) nêu thực tế doanh nghiệp đang thực sự khát vốn, nhiều dự án bị đình trệ do không thể tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng trong bối cảnh thị trường chứng khoán, trái phiếu đối mặt rất nhiều khó khăn sau sự cố FLC và Tân Hoàng Minh.
Đồng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Thành Trung (tỉnh Yên Bái) cũng nêu phản ánh của nhiều doanh nghiệp hiện nay là khó tiếp cận vốn vay do ngân hàng thương mại hết room tín dụng, ngân hàng thiếu vốn cho vay chưa thu hồi được nợ đến hạn hoặc khó huy động tiền gửi. Đại biểu cho rằng những khó khăn này ảnh hưởng đến việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.
Ông Trung kiến nghị việc tăng lãi suất cơ bản là cần thiết, nhưng Chính phủ cần giám sát lãi suất đầu ra để không hạn chế việc các thành phần kinh tế tiếp cận vốn.
Ở góc độ chuyên gia, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia cho biết hiện các doanh nghiệp đang chiếm dụng vốn của nhau rất lớn, họ buộc phải làm vậy vì không còn cách nào khác.
Ông cho rằng cần phải bơm tiền để doanh nghiệp, các thị trường hoạt động bình thường. "NHNN nên cân nhắc nới trần (room) tín dụng thêm khoảng 2%, nâng tăng trưởng tín dụng cả năm lên 16% để hỗ trợ đầu tư trong nước và thị trường nội địa. Điều này cũng sẽ giúp cho các thị trường đang bị 'khô máu', dần tươi trở lại".
Đồng quan điểm, Chủ tịch HoREA đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét có thể nới room tín dụng thêm khoảng từ 1-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 - 200.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.
Với thị trường tài chính, Ban IV cũng đề xuất nhiều giải pháp. Cụ thể, trong trường hợp cần thiết, cần tính tới các giải pháp đặc biệt trong giai đoạn nhất định nhằm giải nguy cho doanh nghiệp và nền kinh tế, như cho phép các ngân hàng thương mại trong nước tham gia mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt ngoài tín dụng thông thường.
Nguyên nhân là vì lượng trái phiếu sắp tới hạn có giá trị vượt rất nhiều lần khả năng mua lại của một số tổng công ty nhà nước.
Bên cạnh đó, để gia tăng hiệu quả sử dụng hạn mức tín dụng năm 2023, giúp dòng vốn hỗ trợ được cho doanh nghiệp ở nhiều ngành, lĩnh vực, Ban IV đề xuất Chính phủ chỉ đạo NHNN làm việc với các ngân hàng thương mại để thiết kế các gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực trong nước, trong đó có những khoản mục dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để không triệt tiêu năng lực doanh nghiệp.
Với chính sách siết tín dụng đối với bất động sản, Ban IV đề xuất cần thiết phải phân tách các loại bất động sản để các loại hình như xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, các dự án xây dựng hạ tầng sản xuất,... không bị ảnh hưởng tiêu cực theo chính sách chung, từ đó tạo cơ hội cho nhiều nhóm doanh nghiệp liên quan.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu cho biết đã đề xuất Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định. Theo ông, chính sách này sẽ thu hút nguồn vốn nhỏ lẻ nhàn rỗi trong xã hội.
Chủ tịch HoREA cũng đã đề nghị Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có quy mô lớn, công ty đại chúng, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán được xếp hạng tín nhiệm thì được phát hành riêng lẻ chào bán cho nhà đầu tư cá nhân không phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”.
Ông Châu cho rằng trước mắt, để đảm bảo cho các nhà đầu tư cá nhân chưa đủ điều kiện là "nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” có thể tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nên cho phép các nhà đầu tư cá nhân này được ủy thác cho công ty chứng khoán, các tổ chức đảm bảo năng lực bằng các hợp đồng thương mại để đầu tư trái phiếu theo quy định.
Nói thêm về vấn đề ách tắc vốn trên thị trường, trao đổi với người viết, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính cho rằng thực tế này một phần liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công.
"Vốn đầu tư công mỗi năm là một khoản rất lớn, khoảng vài trăm nghìn tỷ đồng. Khi không được đầu tư, tiền bị đọng lại trong tài khoản kho bạc, góp phần gây ra tình trạng thiếu thanh khoản trên thị trường.
Tiền không luân chuyển sẽ tạo ra sự ngưng trệ trong nền kinh tế, vấn đề thiếu thanh khoản trên thị trường tiền tệ cũng liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư công không đầy đủ, kịp thời, giải ngân dồn dập vào cuối năm, trong khi các thời điểm khác trong năm lại thiếu", PGS.TS. Vũ Sỹ Cường nói và kỳ vọng nếu năm 2023 giải ngân đầu tư công tốt, sẽ góp phần giải quyết vấn đề thanh khoản của thị trường tiền tệ, giúp cho thị trường này bớt căng thẳng.