Giảm lãi suất vay chỉ có tác động hỗ trợ ngắn hạn
Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của Chứng khoán ACB (ACBS) mới đây cho biết tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng cho vay ròng và vay ròng trên thị trường liên ngân hàng.
Theo ACBS, việc giảm lãi suất cho vay trong hai tháng cuối năm 2022 để hỗ trợ nền kinh tế của một số ngân hàng sẽ tác động tiêu cực lên NIM trong quý IV/2022. Theo các chuyên gia, những sự hỗ trợ này chỉ mang tính ngắn hạn.
NIM của ngành ngân hàng có thể được giữ ở mức tương đối ổn định quanh mức 4%. Tuy nhiên, các chuyên gia ACBS kỳ vọng NIM ngân hàng sẽ giảm nhẹ trong quý IV/2022 do kỳ điều chỉnh lãi suất cho vay thường sẽ chậm hơn khoảng một quý so với lãi suất huy động, trước khi phục hồi về mức cũ kể từ quý I/2023.
“Tình trạng khát vốn của các doanh nghiệp dự báo sẽ tiếp tục căng thẳng do kênh huy động từ trái phiếu doanh nghiệp hiện đang bị tắc nghẽn. Do đó, các doanh nghiệp sẽ phải phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Nhu cầu tín dụng ở mức cao trong khi hạn mức tín dụng vẫn bị kiểm soát bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục gây áp lực lên lãi suất cho vay”, ACBS nhận định.
Theo ACBS, trong quý III/2022, xu hướng tăng lãi suất bắt đầu có tác động rõ nét hơn đến chi phí vốn và lợi suất tài sản của các ngân hàng. NIM của các ngân hàng vẫn được giữ ở mức ổn định do lãi suất cho vay tăng khá tương đồng với lãi suất huy động.
Cụ thể, NIM quý III của các ngân hàng ở mức 4,08%, tăng 0,37 điểm % so với cùng kỳ. Theo các chuyên gia, NIM đã phục hồi mạnh so với thời điểm dịch bệnh quý III năm ngoái và đóng góp lớn vào mức tăng trưởng lợi nhuận 55,7% so với cùng kỳ của các ngân hàng.
Lợi nhuận từ hoạt động mua bán chứng khoán trong quý III gần như bằng không
Quý III/2022, thu nhập ngoài lãi tăng trưởng 17,4% so với cùng kỳ nhưng giảm 15,2% so với quý trước.
Trong đó, ACBS cho biết lợi nhuận từ hoạt động mua bán chứng khoán trong quý III của các ngân hàng gần như bằng không do lợi suất trái phiếu chính phủ tăng lên và thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực khiến hoạt động tự doanh của ngân hàng bị lỗ.
Trong thời gian tới, ACBS được dự báo thu nhập từ mảng này sẽ tiếp tục gặp khó khăn do lơi suất trái phiếu chính phủ có xu hướng tăng theo mặt bằng lãi suất quốc tế. Mặc dù các ngân hàng sẽ không phải trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư trái phiếu chính phủ theo Thông tư 24/2022 của Bộ Tài chính, việc tìm kiếm lợi nhuận trong môi trường lãi suất tăng sẽ rất khó khăn.
Về mảng môi giới và dịch vụ ngân hàng đầu tư, thu nhập từ mảng này cũng chịu tác động tiêu cực từ trái phiếu doanh nghiệp, tuy nhiên được bù đắp bởi tăng trưởng mạnh ở các mảng thanh toán và bancassurance nhờ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Dự báo trong thời gian tới, ACBS dự báo mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư vẫn sẽ gặp khó khăn do thị trường chứng khoán diễn biến không thuận lợi. Ngoài ra, thu nhập từ phí tư vấn phát hành sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do Nghị định 65 thắt chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Thanh khoản hệ thống tiếp tục căng thẳng
Tính đến cuối tháng 10/2022, tăng trưởng huy động mới chỉ đạt 4,8%, thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng 11,5%.
Theo ACBS, nguồn vốn huy động huy yếu khiến trạng thái thanh khoản trở nên căng thẳng và mặt bằng lãi suất tăng lên, Lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu chính phủ tăng mạnh. Với lãi suất huy động trên thị trường 1, tính đến tháng 11/2022, lãi suất huy động tăng 2% ở các ngân hàng quốc doanh lớn và tăng 3-4% ở các ngân hàng tư nhân nhỏ.
Trong thời gian tới, các chuyên gia ACBS kỳ vọng trạng thái thanh khoản hệ thống sẽ ổn định trở lại nhờ nguồn vốn quay trở lại hệ thống ngân hàng sau khi lãi suất huy động đã tăng. Bên cạnh đó, lãi suất đồng VND liên ngân hàng cần duy trì ở mức 6-8% để tạo chênh lệch tương đối hấp dẫn so với đồng USDm qua đó bảo vệ giá trị đồng VND và ổn định thanh khoản.
Bên cạnh đó, lãi suất liên ngân hàng tăng lên sẽ tác động tiêu cực đến NIM của các ngân hàng vay ròng liên ngân hàng như Techcombank, VPBank, TPBank,... Trong khi đó, NIM của các ngân hàng ít huy động ròng trên liên ngân hàng như Vietcombank, BIDV, VietinBank, MB, sẽ ít bị ảnh hưởng.