Trong sự kiện I/O 2012 tại Mỹ, nhà đồng sáng lập Google Sergey Brin bất ngờ bước lên sân khấu và đề cập đến "một thứ thú vị mà Google đang bí mật nghiên cứu". Đó là kính thực tế ảo Google Glass.
Khi ấy, Sarah Rotman Epps, chuyên gia của hãng phân tích thị trường Forrester, đánh giá: "Từ khi iPhone ra mắt năm 2007 đến nay, không nhiều thiết bị thu hút được sự chú ý của đông đảo người dùng như Google Glass. Sẽ không bất ngờ khi đây sẽ là iPhone tiếp theo".
Một thập kỷ trôi qua, smartphone của Apple ngày càng trở thành thiết bị quan trọng với người dùng, còn kính VR/AR vẫn là thiết bị ít đột phá dù nhận được nhiều kỳ vọng lẫn đầu tư lớn về nguồn lực công nghệ.
Thất bại của Google Glass
Ngay khi xuất hiện, kính thông minh của Google đã gây nhiều tranh cãi. Không ít người gọi thiết bị là giấc mơ của giới công nghệ nhưng cũng có người tin sản phẩm sẽ thất bại. Một số báo cáo cũng cho thấy nhóm nghiên cứu và tiếp thị tại Google thừa nhận kính AR này còn nhiều thiếu sót khi ra mắt công chúng.
Google chỉ phát hành 8.000 kính với giá lên đến 1.500 USD. Độ hiếm, sự đắt đỏ và công nghệ mới mẻ khi đó giúp Google Glass được thảo luận khắp các mạng xã hội. Nhưng cũng chính điều này khiến nhiều người kỳ vọng quá cao vào triển vọng của kính thực tế ảo AR/VR.
Kính Google có thể chụp ảnh, quay video, chỉ đường, gọi trợ lý ảo, hiển thị một số thông tin về thời tiết, cuộc gọi, tin nhắn. Nghe thú vị nhưng đó gần như là tất cả những gì thiết bị có thể làm, và trải nghiệm lại không tốt bằng smartphone. Một nhược điểm khác là thời lượng pin. Google cho biết kính hoạt động trong 6 tiếng liên tục, nhưng thực tế chỉ được khoảng 2 tiếng.
Ngoài ra, Google Glass gây nhiều tranh cãi về quyền riêng tư. Không ít chuyên gia lo ngại thiết bị tiếp tay cho hành vi quay chụp lén nơi công cộng. Cùng với bán quá cao, Google Glass bị khai tử sau ba năm ra mắt. Đến nay, Google vẫn chưa giới thiệu một bản thương mại nào liên quan đến kính thông minh.
Vì sao kính VR/AR chưa thành công?
Theo Sina, kính thông minh ngày nay có thể không gặp thách thức về giá, nhưng nhiều nhà sản xuất vẫn mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn về sự giới hạn của công nghệ và trải nghiệm. Một số thương hiệu Trung Quốc như Xiaomi, Oppo đã giới thiệu kính thông minh với thiết kế gần giống hình mẫu của Google, nhưng mới chỉ dừng lại ở dạng mô phỏng, chưa có bản thử nghiệm hay thương mại hóa.
Trong khi đó, đa số công ty phát triển kính thông minh theo hướng VR, tức đưa một "buồng chiếu" cồng kềnh lên mặt. Về hình thức, kính của Meta, Micosoft, HTC... trông như điện thoại gắn trên mặt nhiều hơn là kính theo đúng nghĩa. Dù được cải thiện về hiệu năng và pin, chúng có kích thước quá lớn, tạo cảm giác vướng víu, khó chịu cho người dùng.
Ngoài ra, kính VR hiện tại đòi hỏi nhiều về sức mạnh tính toán. Để tích hợp nội dung kỹ thuật số, nhà sản xuất phải tốn nhiều công sức để chuẩn hóa dữ liệu đầu vào.
Giữa tháng 11, Niantic, nhà phát triển game Pokemon Go, cũng giới thiệu bản thử nghiệm kính AR trên nền tảng Snapdragon AR2. Người dùng có thể tương tác trong game lẫn thế giới thực thông qua chiếc kính nhỏ gọn. Nó được đánh giá gần đáp ứng 5 yêu cầu cơ bản của kính AR/VR là thoải mái, không dây, di động, thời trang và đa chức năng. Kính của Niantic nặng 250g, không nhẹ hơn Google Glass nhưng là model gần nhất với hình dung của người dùng về kính AR.
Khi giới thiệu sản phẩm, John Hanke, Giám đốc điều hành Niantic, không gọi kính AR là "iPhone tiếp theo", nhưng tin nó sẽ trở thành một phần gắn liền với cuộc sống con người, tương tự cách đồng hồ thông minh đã làm được. Ông cho rằng sẽ cần 3-5 năm nữa, kính thông minh mới thật sự trở nên phổ biến.
(theo Sina)