*Lược dịch từ bài viết của tác giả Amber Black trên trang The Art of Simple
Cách đây 5 năm, nếu có ai nói với tôi rằng việc tìm hiểu thế giới của trẻ em là điều có ích, có lẽ tôi sẽ cười vào mặt họ. Thế rồi khi chuyển đến Lebanon để giúp đỡ những đứa trẻ bị bạo hành, bắt nạt...tôi nhận ra mình đã sai và bắt đầu tìm kiếm mọi thứ liên quan đến trẻ em để giúp đỡ chúng.
Tôi đã đọc sách của nhiều chuyên gia, từ tâm lý học, thần kinh học cho đến những tài liệu giáo dục. Tôi xin ý kiến tư vấn của mọi chuyên gia, rồi đến cả những bố mẹ đang có con nhỏ gặp vấn đề tâm lý.
Thế rồi mọi vấn đề dù phức tạp đến đâu cũng quay trở về một điểm: Sự kết nối.
Trên thực tế, việc kết nối với trẻ em hay chính xác hơn là thế giới của chúng không hề đơn giản, nếu không thì đã chẳng có quá nhiều sách vở viết về chủ đề này.
Bạn có thể giải quyết êm đẹp mọi vấn đề của cuộc sống thế nhưng có lẽ lại chẳng hiểu gì về đứa con thân yêu của mình, để rồi mặc cho chúng tự xoay sở với những rắc rối và áp lực của cuộc đời mà chẳng hay.
Rất nhiều bậc phụ huynh chưa từng tự hỏi về suy nghĩ cố hữu của mình trong giáo dục con trẻ, để rồi những sự việc thương tâm diễn ra thì hối hận đã quá muộn.
Nếu mối quan hệ của bạn với con trẻ khá tốt, vậy bạn có thể dừng đọc ở đây. Tuy nhiên cũng như phần lớn phụ huynh thấy rằng mọi thứ có thể còn tốt hơn được nữa thì dưới đây là 7 lời khuyên hữu ích:
1. Mọi hành vi là dấu hiệu bên ngoài của sự đau đớn bên trong
Tương tự như người lớn, những hành vi trái với mong muốn của phụ huynh từ con trẻ là biểu hiện cho thấy có thứ gì đó bất ổn bên trong chúng. Khi lũ trẻ bị stress, sợ hãi, bối rối, lo lắng thì đây là lúc chúng cần tình yêu thương vô điều kiện của mọi người hơn là những đòn roi hay sự chỉ trích.
Nếu con nhà bạn có hành vi nổi loạn thì hãy tự hỏi xem có điều gì đang xảy ra với chúng. Đó có thể là câu chuyện ở trường học hay việc chúng chưa kịp chuẩn bị cho một sự thay đổi nào đó. Có thể do chúng đói, do hóc môn dậy thì, do thất vọng vì điều gì đó...
Thay vì chỉ nghĩ đến đúng và sai, người lớn nên tự nhắc nhở rằng con trẻ có thể đang "đau đớn" hoặc "bối rối" khi nổi loạn.
Hành vi của trẻ em là sự phản chiếu của thế giới nội tâm bên trong. Vào những lúc như vậy, hãy là đồng minh của trẻ, cùng tìm hiểu để chống lại cả thế giới bất trắc này thay vì chỉ trích chúng.
2. Trẻ em sẽ làm tốt nếu chúng đủ khả năng
Bất kỳ ai, kể cả người lớn hay trẻ nhỏ đều muốn người khác nghĩ mình tài giỏi. Chúng ta không cảm thấy vui sướng gì khi hành xử thô lỗ với người khác và cũng chẳng muốn nhìn như kẻ ngốc trước mặt mọi người.
Nếu trẻ em được trang bị kỹ năng cần thiết, có đủ nguồn lực nội tại thi triển kỹ năng đó thì chúng sẽ làm. Còn nếu chúng thất bại, bất kể trong học hành hay cuộc sống, thì đó là do chúng chưa được trang bị đủ kỹ năng hoặc bị giới hạn do thiếu thứ gì đó.
Mọi chuyện sẽ chẳng thể giải quyết nếu mọi người chỉ đơn giản là "muốn" lũ trẻ làm tốt hơn. Nếu chúng gặp vấn đề là do đang thiếu thứ gì đó cần bạn chung tay tìm giúp. Nếu chúng đủ điều kiện để làm tốt thì chúng đã tự làm rồi.
3. Trẻ muốn kết nối
Trong danh sách này thì đây là điều khiến tôi phải mất thời gian lâu nhất mới khẳng định được.
Chuyện cãi vã ở nhà tôi diễn ra thường xuyên. Mới hôm trước tôi còn dành gần cả ngày để nghe những đứa con xả giận, từ chuyện "mẹ chỉ quan tâm đến cái tai nghe của mẹ thôi" cho đến việc "cái tường nhà mình có màu dở tệ".
Những lúc như vậy, nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng con trẻ đang ghét bố mẹ chúng. Thế nhưng thực tế thì chúng đang muốn kết nối và dù có cáu giận hay đẩy bạn ra xa đến đâu thì chúng cũng muốn bạn và cần bạn nhất.
Với những trẻ em trong độ tuổi dậy thì, chúng sẽ đặt câu hỏi về ý nghĩa của bản thân, tìm hiểu xem mình là ai hoặc cha mẹ muốn mình làm gì. Chúng đang tìm kiếm sự độc lập vì sắp trở thành người lớn, nhưng chúng cần bạn giúp và rất muốn được kết nối với cha mẹ thay vì nhận những lời chỉ trích hoặc bị xa lánh.
4. Kỷ luật không phải giải pháp
Những giới hạn và hình phạt dù có ích nhưng việc kỷ luật nhằm hạn chế các hành vi không mong muốn chẳng phải giải pháp cho bọn trẻ.
Mọi người đang sống trong môi trường pháp trị khi tất cả các hệ thống, từ gia đình, nhà trường cho đến chính phủ đều ban hành quy định cùng kỷ luật để hạn chế những hành vi không mong muốn.
Thế nhưng liệu trừng phạt trẻ có giúp chúng hành xử tốt hơn, ra quyết định hiệu quả hơn hay trở thành người lớn hơn? Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra là "Không" và còn có nhiều cách khác để giúp trẻ phát triển hơn là kỷ luật.
Bài viết này không phán xét gì về cách dạy con, nhưng việc trừng phạt nếu không đi đúng hướng sẽ chỉ khiến chia rẽ mối quan hệ phụ huynh với trẻ nhỏ. Nhiều bạn nhỏ sẽ cảm thấy bị hiểu lầm, không công bằng hoặc bị kiểm soát. Hậu quả là chúng sẽ phản ứng lại hoặc có các hành vi chống đối. Tồi tệ hơn, nhiều đứa sẽ tích tụ sự bất mãn đến khi xảy ra các trường hợp thương tâm.
Bởi vậy thay vì liên tục áp đặt trừng phạt, phụ huynh có thể khuyến khích kết nối, tìm hiểu và động viên lũ trẻ giải quyết vấn đề.
5. Lũ trẻ không hiểu mình đang làm gì
Trong nhiều trường hợp, trẻ em cũng chẳng hiểu tại sao chúng lại làm vậy, tại sao lại ra quyết định như thế trong bối cảnh đó.
Thế nhưng chính người lớn cũng vậy, đôi khi chúng ta không hiểu tại sao mình đã làm điều đó tại thời điểm đó.
Điểm khác biệt giữa trẻ em và người lớn là chúng không có kinh nghiệm, kỹ năng hay hệ thần kinh phát triển đầy đủ để đối phó với các tình huống trong cuộc sống. Bởi vậy người lớn cần cho trẻ thời gian giải lao suy nghĩ thay vì dồn ép, chỉ trích.
Việc hỏi trẻ tại sao lại làm thế sau khi chúng mắc lỗi chỉ khiến trẻ cảm thấy bản thân ngu ngốc hơn, bởi vì đôi khi chúng đâu có biết vì sao lại hành xử như vậy đâu.
6. Trẻ em nổi loạn là bình thường
Lũ trẻ không có gì sai khi nổi giận, thất vọng, lo lắng. Tất nhiên phụ huynh cũng chẳng có gì sai khi cảm thấy tương tự và bắt đầu lo lắng về tương lai lũ trẻ.
Thế nhưng thay vì những lời chỉ trích như "Mày làm sao thế? Mày bị cái gì vậy?" thì phụ huynh nên tinh tế hơn như: "Bố/mẹ thấy là con đang thất vọng, nhưng điều đó là bình thường mà"...
Phụ huynh nên hào phóng, ân cần hơn với sự nổi loạn hay thất bại của trẻ em hay học sinh. Thay vì đối đầu, các bậc cha mẹ nên chấp nhận sự không hoàn hảo của con cái bởi chẳng có ai sinh ra đã là thiên tài.
Khi lũ trẻ cảm thấy không hoàn hảo là bình thường, chúng sẽ có cảm giác được chấp nhận và đây là cách thức hữu hiệu để kết nối với thế giới của chúng.
7. Học cách chịu đựng sự tức giận
Hầu như bậc phụ huynh nào cũng hiểu họ cần giữ được sự bình tĩnh, thanh thản trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện với trẻ em.
Khi ta bị stress, tổn thương hay mệt mỏi thì những quyết định với lũ trẻ thường mang tính cảm xúc quá đà. Những quyết định đó thường không có lý, không công bằng và thậm chí là chưa được suy xét kỹ càng.
Thế rồi bậc phụ huynh bắt đầu giải thích cho những quyết định dựa trên cảm xúc thay vì để lũ trẻ trải nghiệm cuộc sống. Vấn đề là đôi khi, chỉ có phụ huynh mới không thoải mái về việc làm và quyết định của con trẻ chứ không phải chúng, bởi vậy các bậc cha mẹ nên học cách chịu đựng thay vì áp đặt.
Thông thường khi con trẻ dở trò nghịch ngợm, cha mẹ thường muốn chúng ngừng vì chúng ta không thoải mái, để rồi giải thích những quy định luật lệ này nọ cho việc hạn chế chơi đùa.
Thế nhưng điều này lại chẳng ảnh hưởng gì đến lũ trẻ, tại sao chúng phải ngừng chơi vì cảm xúc của người khác. Việc cố lý giải rằng chúng ta đang dạy chúng cách quan tâm đến người khác chỉ là ngụy biện và sẽ chẳng giải quyết được điều gì.
Do đó, cách tốt nhất là chịu đựng sự bực bội, bất tiện để thực sự bình tĩnh, thanh thản trước khi đưa ra quyết định với trẻ.
*Nguồn: The Art of Simple