Cả gia đình gần như không kịp chuẩn bị gì ngoài mấy bộ quần áo nhét vội, hối hả rời căn hộ 70 m2, nơi họ đã sống 15 năm qua.
"Chung cư bị cắt điện tối om, trên cầu thang bộ thi thoảng chúng tôi bắt gặp một số gia đình khác cũng dắt díu nhau bỏ chạy", chị Nguyễn Thị Hồng, 50 tuổi, ở quận Markov, Kharkov kể.
Một tuần qua, thành phố Kharkov đã hứng chịu nhiều đợt pháo kích và tên lửa từ những cuộc giao tranh. Khoảng 40.000 người đã sơ tán khỏi thành phố.
Gần 24 năm lập nghiệp ở xứ người, ngay cả trong ác mộng cặp vợ chồng quê Thái Nguyên cũng không nghĩ có ngày phải bỏ lại tất cả.
Chị Hồng nhớ lại, đúng một tuần trước đó, khoảng 5h sáng anh Thắng chồng chị bật dậy hét lên: "Đánh nhau rồi. Chiến tranh nổ ra rồi". Chị không tin, còn nghĩ chồng mình dạo này nghe tin chiến sự nhiều nên thần hồn át thần tính. Nhưng khi nhìn ra cửa sổ, lá cây cuộn với bụi như lốc xoáy và những bức tường rung lên, chị bàng hoàng.
Từ năm 2014, thi thoảng chiến sự giữa quân chính phủ và phe ly khai vẫn xảy ra nhưng không quá nghiêm trọng nên lần này gia đình chủ quan, không chuẩn bị gì. Nhưng những ngày sau đó, pháo kích, tên lửa bắn ác liệt, ban ngày họ còn ở nhà, đêm phải kéo nhau xuống ga tàu điện ngầm ngủ. Vợ chồng chị cố bám trụ để vớt vát chút tài sản.
Gia đình, bạn bè khuyên "phải chạy thôi" nhưng họ chần chừ. Đến đêm 1/3, thành phố ghi nhận thêm 24 người thiệt mạng. Lúc này, cả gia đình quyết định bỏ của chạy lấy người.
Chị Hồng kể, khi ra tới sân ga, cảnh người chạy loạn từ khắp nơi đổ về đông đặc, chen lấn, xô đẩy khiến mọi người đều choáng. Cứ mỗi lúc có ánh đèn tàu đến, tiếng la ó cùng dòng người ùn ùn chạy lên như từng đợt. Gia đình chị cũng trong đám đông ấy, cố chen chân nhưng tàu ưu tiên phụ nữ, trẻ con nên họ lỡ hết chuyến này tới chuyến khác.
"Chiến tranh không giống như phim ảnh. Thực tế khốc liệt hơn rất nhiều. Cảnh trẻ con khóc, người ngất, vợ chồng chia ly, tàu chạy mà hành lý phải vứt lại... hỗn loạn vô cùng", chị Hồng cho biết.
Sau hơn 18 tiếng, anh Thắng, chị Hồng và người con trai hơn 20 tuổi tỏa đi các ngả tìm kiếm, cuối cùng họ lên được chuyến tàu đi thủ đô Kiev.
Đó là chuyến tàu bão táp. Bình thường một khoang bốn người nhưng nay 14 người ngồi chồng chất lên nhau. Hành lang chật cứng như nêm muốn đặt thêm một bàn chân cũng không thể. Điện trên tàu bị tắt suốt hành trình để đảm bảo an toàn. Trên chuyến tàu ấy, chị Hồng cảm nhận hầu như mọi người giống nhau ở nét mặt lo lắng và ánh mắt hoảng loạn. Bên trong tối om, bên ngoài thi thoảng lại lóe lên đốm sáng theo sau là tiếng nổ. Mỗi lúc như vậy con tàu lắc lư như gặp sóng, ai nấy co cụm vào nhau, sợ sệt và yếu ớt.
Có một chi tiết khiến chị Hồng xúc động là cảnh một cậu bé hơn ba tuổi khóc thảm thiết, bám chặt vào bà. Người ông ở bên cạnh tỏ ra rất mệt, di chuyển khó khăn với sự trợ giúp của một cô gái trẻ. Một tay còn lại của cô gái gọi điện cho mẹ cậu bé để trấn an con, nhưng xong cuộc điện thoại em vẫn rối rít đòi bế: "Бабушка, мне так страшно", "Я боюсь бомб, я боюсь войны" (Bà ơi, cháu sợ! Cháu sợ bom, cháu sợ chiến tranh).
Tiếng khóc và lời cảm thán của cậu bé khiến chị Hồng nhói lòng khi nghĩ về tình cảnh gia đình mình. Chị thấy chồng thất thần vì phải bỏ lại tất cả, thương con trai chỉ còn vài tháng nữa tốt nghiệp đại học, rồi lo không biết chuyến tàu này có đến được đích hay không.
"Lòng ai cũng rối như tơ vò. Có đồ ăn nhưng không ai nuốt được. Cả nhà tôi chỉ có chai nước một lít cho chuyến tàu dài 21 tiếng nên bảo nhau chỉ nhấp môi cho đỡ khô để giữ sức cho hành trình còn chưa biết thế nào", người phụ nữ Việt kể. Cả nhà dặn nhau hạn chế dùng điện thoại để tiết kiệm pin, phòng khi khẩn cấp còn liên lạc.
Sau gần 9 tiếng, tàu đến Kiev nhưng phải chờ 3 tiếng mới tiếp tục lăn bánh đi Lvov, thành phố phía tây Ukraine. Trong lúc đó, cả chuyến tàu gần như nín thở vì tiếng đạn bom lúc gần lúc xa.
Chị Hồng cho biết, lúc đó dường như nỗi sợ của chị thể hiện quá rõ nên một người phụ nữ cũng đang tản cư lại gần vỗ vai an ủi. "Thôi đừng khóc, phải cứng rắn lên". Khoảnh khắc ấy, nước mắt người con da vàng và của người phụ nữ da trắng xa lạ, cùng rơi...
Tàu tiếp tục lăn bánh rời xa vùng chiến sự. Đêm ngày 3/3 tàu tới Lvov, từ đây từng dòng người tỏa sang hướng đi Ba Lan, Hungaria xin tị nạn, còn gia đình chị Hồng quyết định sang Slovakia, nơi có một người bạn hứa sẽ giúp đỡ. Từ lúc chiến sự nổ ra, vợ chồng người bạn đã liên lạc thúc giục bỏ lại tất cả để chạy sang đó.
Một lái xe biết gia đình là dân tị nạn đã cho đi nhờ hơn 400 cây số đến Uzhgorod, thành phố nằm sát biên giới Slovakia. Ngay khi qua cửa khẩu, gia đình anh Thắng, chị Hồng đã được Hội người Việt ở Kosice đón. Gặp được đồng bào sau hơn 60 tiếng chạy khỏi đạn bom, cả gia đình mới cảm giác "được sống lại".
"Trời âm độ, những đồng hương người Việt ở Slovakia vượt hơn 100 cây số đến biên giới và chờ đợi suốt ba tiếng mới đón được chúng tôi. Mọi người lập tức tiếp tế cho nhà tôi nước ấm, đồ ăn và thay sim điện thoại mới", chị Hồng rưng rưng chia sẻ.
Theo cập nhật của Bộ Ngoại giao Việt Nam, tính đến 18h ngày 7/3, 2.200 người Việt sơ tán khỏi Ukraine đã được cơ quan đại diện Việt Nam đón tại Ba Lan. Con số này ở Romania là 830, ở Hungary 310, tại Slovakia hơn 100 và Nga khoảng 20. Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch cho biết đã phối hợp với các cơ quan hỗ trợ, di chuyển hết kiều bào có nguyện vọng khỏi vùng chiến sự, sang các nước lân cận như Ba Lan, Hungary, Bulgaria.. Hiện vẫn còn một số người muốn ở lại để trông coi tài sản như tại Kharkov, Odessa. Một số kiều bào khác sơ tán ở nông thôn, số ít chọn ở lại trong thành phố...
Bộ Ngoại giao đã làm việc với các cơ quan chức năng của Nga và Ukraine, Liên hợp quốc và các nước mà công dân Việt Nam sơ tán đến, để đảm bảo hành lang di chuyển an toàn cũng như khi đến nơi sơ tán được hỗ trợ kịp thời về điều kiện ăn, ở.
Tại Slovakia, nhóm của các anh Thắng, Hiếu, Tuấn, Sơn cho biết đã đón được 60 người Việt. Chỉ riêng đêm 4/3 đã đón được 22 người từ Ukraine sang, trong đó có gia đình chị Hồng.
"Nhiều bà con bên Ukraine không biết có cửa khẩu có thể đi sang Slovakia và không biết có nhóm chúng mình đang đón ở đây. Vì thế, mong mọi người chia sẻ rộng rãi để bà con được biết đến một cửa khẩu khác mà bà con có thể chọn, một đất nước mà bà con có thể đến", anh Thân Trung Sơn cho hay.
Gia đình chị Hồng được anh Sơn đưa về nhà riêng nghỉ ngơi. Trong bữa cơm Việt ấm nóng, anh Sơn cũng tìm hiểu nguyện vọng gia đình: "Nếu anh chị muốn ở đây hay sang nước khác, hoặc về Việt Nam, chúng em đều có thể giúp".
Cảm ơn người đồng hương mới gặp, gia đình chị Hồng cho biết điểm cuối hành trình của họ là thị trấn Kománo nương nhờ gia đình người bạn, vì thế được anh Sơn tiếp tục đưa ra ga để tới Budapest (thủ đô Hungaria). Ngay khi vừa xuống sân ga, vợ chồng người bạn đã chào đón gia đình trong cái ôm và những giọt nước mắt.
Những ngày qua, ba thành viên gia đình chị Hồng sống cùng vợ chồng người bạn, được bạn chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ và cam kết sẽ hỗ trợ gia đình ổn định cuộc sống trước mắt. "Ban đầu vợ chồng tôi vẫn lo lắng vì tôi với bạn đã hơn ba chục năm ít liên lạc. Rơi vào tình cảnh hoạn nạn mới biết mình có người bạn tốt tới vậy", chị Hồng tâm sự.
Do tất cả tài sản đều nằm ở cửa hàng, gia đình chị Hồng còn một ít tiền trong tài khoản rút hết mang đi nhưng không thể đổi ra ngoại tệ. Những ngày qua họ được người bạn và Hội đồng hương người Việt ở Slovakia giúp đỡ để trang trải cuộc sống. Thời gian tới, gia đình sẽ xin tị nạn tại đây, tiếng Solovakia và Ukraine có quá nửa tương đồng nên họ có thể đi làm thuê và con trai 20 tuổi cũng có thể tìm một công việc.
Tối 7/3, trong cuộc gọi mới nhất về cho người hàng xóm già thân thiết, gia đình chị Hồng nhận tin xung quanh chỗ họ đã có 50 ngôi nhà bị bắn sập, tang tóc khắp nơi. Người hàng xóm này sống một mình xa con cháu nên chị Hồng dặn bà cứ mở cửa nhà mình lấy hết đồ mà ăn. Thế nhưng bà nói: "Đồ khô tao để lại mấy hôm nữa chúng mày về ăn".
Lời của bà khiến chị Hồng nghẹn lại, không dám nói cả nhà đã chạy cách Kharkov 3.000 km, chẳng biết còn có thể quay lại quê hương thứ hai và gặp bà không nữa...