Phiên giao dịch 8/3 diễn ra không mấy tích cực với sắc đỏ ngập tràn thị trường. Chỉ số VN-Index giảm sâu 25,34 điểm (-1,69%) xuống 1.473,71 điểm và cũng là phiên giảm thứ 2 liên tiếp. Hàng loạt nhóm cổ phiếu giảm sâu trong phiên, ngay cả các nhóm cổ phiếu được kỳ vọng hưởng lợi từ giá hàng hóa thế giới như Dầu khí, Thép, Phân bón, Than cũng đống loạt điều chỉnh.
Thanh khoản thị trường tăng lên với giá trị giao dịch toàn thị trường lên hơn 40.000 tỷ đồng cho thấy áp lực bán khá mạnh. Giao dịch khối ngoại cũng kém tích cực khi họ bán ròng hơn 1.500 tỷ đồng trên toàn thị trường, nâng lượng bán ròng trong 2 phiên đầu tuần lên gần 3.000 tỷ đồng càng khiến thị trường thêm phần ảm đạm.
Dù diễn biến thị trường chung lúc này không thực sự tích cực, tuy nhiên trong bản tin nhận định, nhiều Công ty chứng khoán kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ hồi phục khi chỉ số tiến về vùng hỗ trợ 1.460 – 1.470 điểm.
Theo Chứng khoán Agriseco, về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã phá vỡ các mốc hỗ trợ ngắn hạn (MA20, MA50) tại khung ngày, và đang tiến sát về đường MA100 quanh vùng 1.460-1.470. Các chỉ báo động lượng MACD và RSI đã cho tín hiệu tiêu cực, báo hiệu điều chỉnh giảm trong ngắn hạn.
Tuy nhiên với tín hiệu dòng tiền gia tăng trong các phiên gần đây, Agriseco kỳ vọng chỉ số sẽ hồi phục và tạo một cây nến rút chân quanh vùng hỗ trợ trong phiên tiếp theo (9/3). Tại đồ thị khung tuần, chỉ số hiện đang chạm đường hỗ trợ MA20, nếu đánh mất mốc hỗ trợ này, thị trường có thể khó ổn định trong thời gian ngắn. Do đó, Agriseco khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng quan sát trong thời điểm này và hạ bớt tỷ trọng với các mã đầu cơ đang có trong danh mục.
Trong khi đó, Chứng khoán SHS cho biết thị trường chứng khoán thế giới mà đại diện là chứng khoán Mỹ cũng đang có những diễn biến tiêu cực với việc chỉ số Dow Jones và S&P500 đã giảm hơn 10% từ mức đỉnh tạo vào đầu năm. Đáng chú ý, chỉ số Nasdaq đã giảm hơn 20% từ mức đỉnh vào tháng 11/2021 để chính thức bước vào "thị trường gấu" (bear market). Thị trường Việt Nam rõ ràng là đang có sự thể hiện tốt hơn hẳn các thị trường lớn trên thế giới.
Trên góc độ phân tích kỹ thuật, với phiên giảm mạnh 8/3 nhưng VN-Index vẫn đang giữ được biên độ dao động 1.470-1.520 điểm từ sau Tết đến nay và mẫu hình nến của 3 phiên gần đây khá giống với mẫu hình nến của 3 phiên từ 10/2 đến 14/2. Do đó, nếu như không có những sự kiện tiêu cực xảy ra, SHS dự báo VN-Index có thể hồi phục trở lại trong phiên tiếp theo 9/3. Những nhà đầu tư đã mua vào trước Tết có thể tiếp tục nắm giữ danh mục và cân nhắc mua thêm nếu như có nhịp điều chỉnh về hỗ trợ 1.425-1.450 điểm.
Tương tự, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá thị trường vẫn trong chiều hướng giảm điểm, tuy nhiên VN-Index đã lùi về gần hỗ trợ 1.470 điểm và VN30-Index đang ở vùng MA(200) (vùng 1.490 điểm), nên có khả năng nhịp giảm của thị trường có thể tạm thời sẽ được kiềm hãm và có động thái hồi phục nhẹ để thăm dò cung cầu. Rủi ro vẫn đang tiềm ẩn và áp lực bán có thể sẽ tiếp tục gây áp lực khi thị trường hồi phục, do đó VDSC khuyến nghị nhà đầu tư vẫn cần thận trọng, có thể cân nhắc nhịp hồi phục của thị trường để tiếp tục cơ cấu danh mục và đưa tỷ trọng danh mục về mức an toàn để phòng ngừa rủi ro.
Chứng khoán Yuanta cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định vùng hỗ trợ 1.460 – 1.470 điểm trong đầu phiên giao dịch 9/3 và có thể hồi phục. Đồng thời, chỉ số VN30 có thể sẽ kiểm định lại vùng đáy tháng 01/2022. Điểm tích cực là dòng tiền luân chuyển liên tục giữa các nhóm cổ phiếu cho thấy dòng tiền chưa có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường. Tuy nhiên, rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu tăng cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn nên chú ý cơ cấu lại danh mục.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức TRUNG TÍNH. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể ngừng mua vào và cơ cấu lại danh mục để giảm rủi ro, đặc biệt các nhà đầu tư xem xét bán ra các cổ phiếu đã vi phạm mức cắt lỗ ngắn hạn. Tỷ trọng cổ phiếu ngắn hạn phù hợp giai đoạn này theo khuyến nghị của Yuanta là 55-60% danh mục.