Một căn hộ có diện tích 70m2 trên giấy tờ thường chỉ có khoảng 66-68m2 diện tích sử dụng thực tế. Vậy làm sao để "ăn gian" vài mét vuông mà không cần đập phá? Sau đây là 6 nguyên tắc bố trí nội thất đơn giản nhưng hiệu quả, có thể áp dụng linh hoạt cho cả căn hộ chung cư nhỏ hay nhà phố
Ưu tiên tông màu sáng để mở rộng thị giác
Màu sắc là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến cảm nhận không gian. Những gam màu sáng như trắng sữa, be nhạt, xám lông ngỗng hay xanh pastel có khả năng phản chiếu ánh sáng tốt, giúp căn phòng trở nên sáng sủa và rộng rãi hơn. So với những tông tối như xám đậm, nâu trầm hoặc đen - vốn khiến không gian bị "nén lại", các màu sáng tạo nên hiệu ứng thị giác "mở rộng".
Đặc biệt, căn nhà sẽ có cảm giác rộng rãi hơn khi được kết hợp đồng bộ giữa tường, trần và nội thất tông màu sáng.
Ví dụ thay vì dùng tường màu kem đậm hay xám lông chuột, bạn có thể chọn sơn tường màu be sữa hoặc xám nhạt để tăng độ sáng và cảm giác chiều sâu cho căn hộ.
Lát sàn đồng nhất để tạo cảm giác liền mạch
Sàn nhà là bề mặt chiếm diện tích lớn nhất trong không gian. Vì vậy bạn nên việc chọn vật liệu, màu sắc và cách lát sàn có ảnh hưởng lớn đến cảm giác rộng - hẹp của căn phòng.
Để tạo cảm giác không gian rộng rãi hơn, bạn chọn sàn tông sáng như gỗ sáng màu, đá be hoặc xám nhạt, đồng thời lát xuyên suốt các khu vực thay vì chia nhỏ từng phòng. Bên cạnh đó, nội thất căn nhà cần tránh các loại gạch có đường viền hoặc hoa văn cầu kỳ khiến không gian bị chia nhỏ, gây rối mắt.
Một căn hộ 65m2 sử dụng sàn gỗ màu sáng, lát liền mạch từ phòng khách đến phòng ngủ và không có gạch viền trang trí sẽ mang lại cảm giác tương đương căn hộ 75m2.
Đập bỏ tường ngăn để mở rộng không gian sinh hoạt
Nếu kết cấu căn hộ cho phép, việc loại bỏ các vách tường không cần thiết, đặc biệt là giữa phòng bếp và phòng khách. Điều này không chỉ giúp không gian liền mạch, ánh sáng lưu thông tốt hơn mà còn giúp các thành viên dễ dàng kết nối hơn. Đối với các căn hộ nhỏ dưới 80m2, bếp mở không chỉ tiết kiệm diện tích mà còn mang lại cảm giác thoáng đãng.
Tuy nhiên, bạn nên lưu ý việc thiết kế bếp mở cần trang bị hệ thống hút mùi hiệu quả để tránh lan mùi thức ăn sang các khu vực khác trong nhà.

Tông màu sáng tạo cảm giác rộng rãi cho căn phòng (Ảnh: Decorilla).
Chọn rèm cửa và nội thất nhẹ nhàng
Những chi tiết tưởng nhỏ như rèm cửa và kiểu dáng đồ nội thất lại ảnh hưởng không nhỏ đến cảm giác tổng thể của căn phòng. Nếu muốn căn nhà cảm giác rộng hơn, bạn nên sử dụng rèm cuốn, rèm tổ ong hoặc rèm lá dọc để tiết kiệm diện tích và tránh tạo cảm giác nặng nề. Nếu dùng rèm vải, nên chọn vải mỏng, ít hoa văn, đồng màu với tường.
Về nội thất, ưu tiên các thiết kế chân cao, dáng thanh mảnh, bàn trà trong suốt bằng kính hoặc acrylic để giảm bớt sự hiện diện thị giác. Tránh sử dụng sofa bệt, ghế nặng nề hoặc quá nhiều chi tiết cồng kềnh.
Ví dụ, một bộ sofa chân cao kết hợp với bàn trà kính trong và ghế tre với khung tựa thanh mảnh sẽ mang lại cảm giác nhẹ nhàng, giúp không gian thoáng đãng hơn nhiều so với bộ sofa nỉ đặt sát sàn.
Dùng gương lớn đúng cách để "nhân đôi" không gian
Gương là công cụ tạo chiều sâu hiệu quả, nhưng cần đặt đúng chỗ. Bạn nên đặt gương lớn tại những vị trí phản chiếu ánh sáng tự nhiên, chẳng hạn như đối diện cửa sổ hoặc bên cạnh bức tường trống. Tránh đặt gương đối diện khu vực bếp hoặc nơi thường xuyên bừa bộn để không làm tăng cảm giác lộn xộn.
Ngoài ra, nội thất chỉ cần chọn một tấm gương lớn thay vì dùng nhiều gương nhỏ để tránh phân mảnh không gian. Một tấm gương cỡ lớn đặt bên cạnh cửa sổ hướng Tây có thể phản chiếu ánh sáng hoàng hôn rất đẹp, đồng thời khiến căn phòng có cảm giác rộng gấp đôi.
Treo tranh cỡ lớn để tạo "cửa sổ ảo" cho căn phòng
Tranh treo tường, nếu biết cách chọn, cũng có thể trở thành công cụ mở rộng không gian. Những bức tranh cỡ lớn với chủ đề thiên nhiên như rừng cây, núi đồi hoặc biển trời giúp não bộ cảm nhận như đang nhìn ra một khung cửa sổ. Khung tranh mảnh, thiết kế tối giản, không quá nhiều chi tiết.
Ngược lại, việc treo quá nhiều tranh nhỏ hoặc tranh khung dày sẽ khiến tường bị chia vụn, làm không gian trở nên rối rắm.