Theo khảo sát vào quý IV/2022 của trang Batdongsan.com.vn, 55% bày tỏ dự định tiếp tục làm môi giới bất động sản ở công ty hiện tại trong thời gian tới nếu thị trường diễn biến tiêu cực, chiếm đa số trong những người tham gia trả lời.
Với cùng câu hỏi, nhóm đông thứ 2 là những người trả lời rằng sẽ kiếm thêm công việc khác song song với kinh doanh bất động sản để có thêm thu nhập, chiếm 32%.
Còn lại, 7% cho biết họ sẽ chuyển sang làm nghề khác, 2% dự định chuyển sang công ty mới và 4% có lựa chọn khác những câu trả lời trên.
Khảo sát của Batdongsan.com.vn được thực hiện tại thời điểm thị trường bất động sản được cho là đang trong “nốt trầm”.
Kể từ tháng 4/2022, khi một số ngân hàng báo hết hạn mức room tín dụng cho vay với bất động sản, lượng giao dịch trên thị trường giảm dần, càng về cuối năm càng chậm lại. Người mua nhà được đánh giá sẽ khó khăn hơn khi quyết định mua bởi lạm phát, lãi suất tăng và giá nhà vẫn cao.
Cũng theo một khảo sát từ Batdongsan.com.vn về xu hướng nổi bật của các nhà đầu tư/mua bất động sản trong thời gian qua, 35% đang ngưng đầu tư, giữ tiền chờ thời; 28% giữ bất động sản chờ thị trường ổn định rồi bán; đồng thời có tới 27% đang phải bán cắt lỗ. Chỉ có 6% bán được giá.
Trước tình hình khó khăn, phần lớn các doanh nghiệp bất động sản đều phải thay đổi theo hai hướng chính là tái cơ cấu nợ và tái cơ cấu hoạt động kinh doanh.
Về tái cơ cấu nợ, các biện pháp bao gồm gia hạn nợ, chuyển đổi gói vay với lãi suất mới, mua lại trái phiếu hoặc trả trái phiếu bằng bất động sản. Trong hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp đang cố gắng tập trung sản phẩm lõi, thu gọn mô hình, cắt giảm nhân sự và đẩy mạnh chiết khấu.
Mặc dù năm 2023 được dự báo còn nhiều bất định như việc chờ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, lượng trái phiếu đáo hạn lớn, Batdongsan.com.vn dự báo tín hiệu đảo chiều sẽ diễn ra vào giai đoạn cuối 2023, dựa trên chỉ báo từ tín dụng và chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản.
Trong một sự kiện gần đây về bất động sản, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cũng nhận định thị trường hiện nay khác hoàn toàn so với giai đoạn 2011 – 2013, đồng thời sẽ phục hồi nhanh hơn nhờ lực cầu rất lớn.
"Nếu chúng ta tháo gỡ về mặt pháp lý thôi, hàng nghìn dự án có thể bắt tay triển khai được ngay", TS. Lực cho biết. Ông cũng cho rằng các doanh nghiệp nên nhìn nhận đây là cơ hội để cơ cấu lại sản phẩm cũng như giá thành.
"Doanh nghiệp phải chấp nhận giảm giá bán. Giá bán tăng tương đối nhanh thời gian vừa qua, giờ phải chấp nhận giảm giá về mức độ hợp lý hơn để giải tỏa được nghĩa vụ tài chính trước mắt. Người dân mua được thì anh chị mới có dòng tiền. Như vậy, ‘cả làng’ đều vui", ông Lực nói.