Công nghệ

50 năm ra đời "cục gạch biết nói"

"Tôi đang gọi cho anh bằng điện thoại di động, là di động thực sự, điện thoại di động cầm tay", Cooper, khi đó là kỹ sư của Motorola, nói qua điện thoại với Joel Engel, người đứng đầu phòng thí nghiệm Bell Labs thuộc sở hữu của AT&T.

"Cục gạch biết nói" nặng hơn 1 kg đó đã hoạt động tốt, kết nối ông với trạm thu phát đặt trên nóc một tòa tháp ở New York, đồng thời liên lạc được với cả đường dây cố định. Người qua đường tỏ ra rất ngạc nhiên khi thấy một người đàn ông bấm bấm thứ gì đó, áp vào tai và rồi nói chuyện. Khoảnh khắc này đã trở thành điểm nhấn lịch sử của ngành viễn thông, khởi đầu cho kỷ nguyên bùng nổ của điện thoại di động.

Cha đẻ của điện thoại di động Martin Cooper. Ảnh: Reuters

"Cha đẻ" của điện thoại di động Martin Cooper. Ảnh: Reuters

Trong 50 năm kể từ cuộc gọi đầu tiên, thiết bị cồng kềnh của Cooper phát triển vượt bậc, được thay bằng nhiều kiểu điện thoại nhỏ gọn với tốc độ nhanh hơn, định hình các ngành công nghiệp, văn hóa cũng như cách con người liên lạc với nhau. Ngay từ đầu, Cooper đã dự đoán điện thoại sẽ là công cụ thiết yếu đối với phần lớn nhân loại. Ông đã đúng.

"Tôi không ngạc nhiên khi mọi người đều có điện thoại di động", Cooper, hiện 94 tuổi, nói với CNN. "Chúng tôi từng tưởng tượng một ngày nào đó khi sinh ra, bạn sẽ được chỉ định một số điện thoại. Nếu không tương tác với điện thoại, bạn sẽ chết".

Sự trỗi dậy của điện thoại di động

Nhiều tháng trước cuộc gọi đầu tiên đó, Motorola nỗ lực chạy đua để tạo một mẫu điện thoại di động chống lại Bell Labs. "Họ là công ty lớn nhất thế giới, còn chúng tôi là một doanh nghiệp nhỏ ở Chicago. Họ không nghĩ chúng tôi đã làm được thứ rất quan trọng", Cooper nhớ lại.

Theo ông, khi nhận cuộc điện thoại này, Engel không mấy hào hứng. Tuy nhiên, người đứng đầu Bell Labs vẫn lịch sự đáp lại trước khi cúp máy.

Sau cuộc gọi, lĩnh vực điện thoại di động vẫn không mấy tiến triển vì các vấn đề sản xuất và quy định của chính phủ đã làm chậm tiến độ và kế hoạch đưa thiết bị ra công chúng. Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ khi đó cố phân chia các tần số radio để đảm bảo cạnh tranh, nên đã hạn chế phổ tần cho di động.

Phải một thập kỷ sau, điện thoại di động thương mại đầu tiên mới ra đời. Đó là DynaTAC, nặng 1,2 kg, dài 30 cm và có giá 3.900 USD, tương đương 12.000 USD ngày nay. Trong khi đó, hầu hết smartphone hiện chưa tới 300 gram, mỏng dưới 1 cm, dài 15 cm.

Mãi cho đến những năm 1990, điện thoại di động mới thực sự được cải tiến, thu nhỏ kích thước và trở nên thân thiện hơn với người dùng. 97% người Mỹ sở hữu điện thoại di động, theo nghiên cứu của Pew Research năm 2021.

Nói về điện thoại hiện nay, Cooper cho rằng quá nhiều kỹ sư đang bị cuốn vào cái mà họ gọi là công nghệ và tiện ích, phần cứng, nhưng quên rằng toàn bộ mục đích của công nghệ là làm cho cuộc sống tốt hơn. "Mọi người quên điều đó, và tôi phải liên tục nhắc nhở họ. Chúng tôi đang cố gắng cải thiện trải nghiệm của con người. Đó là tất cả những gì công nghệ hướng tới", ông chia sẻ với AFP.

Ông cảm thấy bất ngờ khi điện thoại di động đã phát triển từ thiết bị nói chuyện đơn thuần thành một thiết bị thông minh, có thể chụp ảnh và quay video, gọi đồ ăn hay theo dõi bước đi hàng ngày. "Điện thoại bây giờ đã trở thành một phần mở rộng của con người," ông nói.

Biển người quay video, livestream tại một sự kiện ở TP HCM năm 2017. Ảnh:Quỳnh Trần

Biển người quay video, livestream tại một sự kiện ở TP HCM năm 2017. Ảnh:Quỳnh Trần

Tuy nhiên, "cha đẻ" của điện thoại di động lo ngại về thời đại của smartphone, khi nhiều người đang nghiện thiết bị này. Theo ông, con người đang trong "giai đoạn nhìn chằm chằm một cách vô thức" vào điện thoại. "Có những người băng qua đường khi vẫn đang nói chuyện bằng điện thoại", Cooper nói.

Khảo sát năm 2022 về cách người đi bộ sử dụng điện thoại trên ScienceDirect cho thấy 14,4% người đi bộ không chú ý đến giao thông khi băng qua đường. Nhóm nghiên cứu gọi hiện tượng này là "vấn đề an toàn đường bộ mới nổi".

Bất chấp một số nguy cơ, Cooper tin điện thoại là thiết bị của tương lai, giúp tăng năng suất và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người, thậm chí có khả năng "chiến thắng bệnh tật", cách mạng hóa giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

"Mỗi thế hệ smartphone sẽ trở nên thông minh hơn. Con người cũng sẽ học cách sử dụng chúng hiệu quả hơn", ông nói.

(theo Business Insider, CNN)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm