Kỹ năng sống

5 quốc gia tặng nghìn USD cho người dân nhưng có nơi công dân còn từ chối nhận

Indonesia

Gần đây, hãng thông tấn Reuters đưa tin Chính phủ Indonesia có kế hoạch trợ cấp lên đến 80 triệu rupiah (khoảng 5.130 USD) cho mỗi người dân mua ôtô điện do các công ty có nhà máy ở Indonesia sản xuất. Theo Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita, các khoản trợ cấp được đưa ra để khuyến khích người dân mua xe máy điện cũng như ôtô hybrid, một phần trong kế hoạch giảm lượng khí thải carbon ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Cụ thể, với xe điện hybrid, người mua sẽ nhận được khoản trợ cấp rơi vào khoảng 40 triệu rupiah (hơn 2.500 USD). Trong khi đó, khoản trợ cấp cho xe máy điện là khoảng 8 triệu rupiah (hơn 510 USD), xe máy chuyển đổi thành xe điện nhận được khoản trợ cấp 5 triệu rupiah (320 USD).

Theo Reuters, Indonesia đặt mục tiêu có ít nhất 1,2 triệu xe máy điện và 35.000 phương tiện xe điện được sử dụng vào năm 2024.

5 quốc gia tặng nghìn USD cho người dân nhưng có nơi công dân còn từ chối nhận - Ảnh 1.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (phải) hỗ trợ sạc xe ô tô điện tại lễ ra mắt trạm sạc xe điện công cộng đầu tiên ở Nusa Dua (Bali) hồi tháng 3. Ảnh: Sonny Tumbelaka.

Singapore

Tháng 10 vừa qua, CNA đưa tin người Singapore trưởng thành đủ điều kiện sẽ nhận được tới 500 SGD (hơn 360 USD) tiền mặt. Trong khi đó, các hộ gia đình sẽ nhận được phiếu mua hàng CDC trị giá 100 SGD (khoảng 74 USD). Đây là biện pháp nhằm giúp người dân Singapore đối phó với lạm phát và chi phí sinh hoạt gia tăng.

Biện pháp này là một phần của gói hỗ trợ bổ sung trị giá 1,5 tỷ SGD (hơn 1,1 tỷ USD) dành cho các hộ gia đình Singapore, với nhiều hỗ trợ hơn cho các nhóm có thu nhập từ thấp đến trung bình. Đối tượng áp dụng là những người trên 21 tuổi và có thu nhập trong năm 2021 dưới 34.000 SGD (hơn 25.000 USD).

Hàn Quốc

Hồi tháng 8, Bloomberg đưa tin Hàn Quốc lên kế hoạch trợ cấp cho mỗi gia đình 1 triệu won/tháng (hơn 760 USD) cho mỗi đứa trẻ được sinh ra, trong vòng một năm. Động thái này nhằm khuyến khích các gia đình sinh con và giải quyết tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.

Kế hoạch sẽ bắt đầu từ năm 2023 ở mức 700.000 won/tháng (khoảng 530 USD) và sau đó tăng lên mức tối đa trong năm 2024. Khi em bé tròn 1 tuổi, khoản trợ cấp sẽ giảm ½ và duy trì thêm một năm nữa.

Mức trợ cấp 1 triệu won cho mỗi đứa trẻ sơ sinh tăng gấp 3 lần so với trước đó (300.000 won/tháng trong năm đầu tiên).

5 quốc gia tặng nghìn USD cho người dân nhưng có nơi công dân còn từ chối nhận - Ảnh 2.

Người mẹ Hàn Quốc đang cho con ăn. Ảnh: Reuters.

Saudi Arabia

Năm 2018, Reuters đưa tin Saudi Arabia chi 13,3 tỷ USD (50 tỷ riyal) để hỗ trợ cho người dân do chi phí sinh hoạt tăng. Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin Awwad bin Saleh Alawwad, việc phân bổ 50 tỷ riyal cho thấy sự quan tâm của Chính phủ đối với chất lượng cuộc sống của người dân.

Theo Vice, sau khi đăng quang vào năm 2015, Quốc vương Salman đã thưởng 32 tỷ USD cho người dân. Khoản tài trợ khổng lồ bao gồm khoản trợ cấp cơ bản trong hai tháng cho tất cả nhân viên nhà nước, binh lính, sinh viên và người hưu trí, các hiệp hội nghề nghiệp khác nhau và các câu lạc bộ văn học và thể thao.

"Mọi người dân thân mến: Các bạn xứng đáng được nhiều hơn so với bất cứ điều gì tôi làm", Quốc vương Salman chia sẻ trên mạng xã hội.

Thụy Sĩ

Năm 2016, Thụy Sĩ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc đưa ra mức thu nhập cơ bản. Theo dự án này, người trưởng thành dù đi làm hay không, họ vẫn được trợ cấp khoản tiền nhất định hàng tháng. Con số đề xuất cho mức trợ cấp cơ bản vô điều kiện dự kiến là khoảng 2.500 franc Thụy Sĩ (2.524 USD khi đó) mỗi tháng cho người lớn, 625 franc cho mỗi trẻ em dưới 18 tuổi. The New York Times đưa tin chính sách này được đưa ra để chống đói nghèo, bất bình đẳng xã hội và đảm bảo cuộc sống "đàng hoàng" cho mọi người.

Nếu người dân Thụy Sĩ bỏ phiếu ủng hộ, chính phủ sẽ trả cho mọi người dân Thụy Sĩ số tiền này, bất kể họ có thu nhập và sở hữu mức tài sản như nào.

Tuy nhiên, 77% người dân đã bỏ phiếu phản đối và 23% bỏ phiếu ủng hộ. Theo The Guardian, nhiều ý kiến cảnh báo rằng chính sách này có thể khiến một bộ phận người dân bỏ việc hàng loạt, gây bất lợi cho nền kinh tế. Charles Wyplosz (giáo sư kinh tế tại Viện Cao học Geneva) cho biết: "Nếu bạn trả tiền cho những người không làm gì, họ sẽ không làm gì cả".

Mặt khác, dù có thêm khoản trợ cấp, người dân Thụy Sĩ vẫn muốn tìm và làm việc hiệu quả.

Theo Reuters, Japantimes, The Guardian...

Cùng chuyên mục

Đọc thêm