Nội thất phòng ngủ
Phòng ngủ đối với gia đình có người lớn tuổi nên được bố trí ở tầng trệt để tránh leo cầu thang do khớp gối của người già đã yếu hoặc có nguy cơ bị ngã. Nếu nhà có nhiều tầng, chủ nhà nên lắp thêm thang máy gia đình để việc di chuyển trở nên dễ dàng hơn.
Chiều cao giường ngủ với người già lý tưởng là khoảng 45-50cm tính từ mặt đất đến mặt đệm. Giường quá thấp khiến người già khó đứng lên, còn giường quá cao gây mất thăng bằng khi ngồi xuống. Nên dùng đệm không quá mềm để tránh lún sâu, gây khó khăn khi xoay trở.
Người già bị các bệnh đau khớp gối nên thay giường thấp bằng loại giường khung gỗ cao vừa tầm, kết hợp đệm cao su dày 10cm để tạo độ êm và đàn hồi vừa phải.
Lối đi hai bên giường nên rộng ít nhất 70cm để người già có thể đi lại thuận tiện, kể cả khi dùng khung tập đi hoặc xe lăn.

Nội thất cho nhà có người lớn tuổi nên có thang máy hoặc thiết bị hỗ trợ lên xuống cầu thang (Ảnh: Truehold).
Nội thất phòng tắm
Phòng tắm là nơi dễ xảy ra tai nạn nhất do sàn trơn và ẩm ướt. Thiết kế sàn nên phẳng hoàn toàn, không có bậc ngăn giữa khu khô và khu ướt. Nên lát gạch chống trượt với hệ số ma sát cao hoặc dùng tấm lót cao su chuyên dụng.
Tay vịn nên lắp ở hai bên bồn cầu, trong khu vực tắm đứng và gần lavabo. Đặc biệt cần chọn loại tay vịn chắc chắn, bắt chặt vào tường, tránh loại dán hoặc hút chân không.
Nên chọn loại bồn cầu có chiều cao 45-48cm, cao hơn tiêu chuẩn để thuận tiện hơn cho người có tuổi đứng lên ngồi xuống.
Nội thất phòng bếp
Người lớn tuổi thường bị đau lưng, tay yếu, nên bếp cần được thiết kế để giảm tối đa các thao tác phải cúi thấp hoặc với cao.
Tủ bếp nên hạn chế chiều cao quá đầu, ưu tiên dùng tủ thấp và ngăn kéo trượt dễ đóng mở. Những vật dụng dùng thường xuyên như ấm nước, gia vị, nồi nhỏ… nên được đặt trong tầm tay, cao khoảng 80-110cm từ mặt đất.
Bạn nên bố trí lại đồ dùng theo tần suất sử dụng. Các vật nặng như nồi, chảo đặt ở tầng dưới, đồ nhẹ như hộp nhựa để cao hơn
Nếu không gian đủ rộng, có thể bố trí đảo bếp nhỏ có bánh xe để người lớn tuổi có thể ngồi sơ chế thực phẩm, vừa đỡ mỏi vừa tăng tính tương tác với con cháu.

Tủ bếp trong nhà có người già nên sử dụng dạng tủ kéo (Ảnh: IT).
Lưu ý về chất liệu, độ an toàn
Bạn nên dùng gỗ công nghiệp phủ lớp chống trượt, không nên dùng vật liệu trơn trượt như gạch men bóng cho sàn nhà. Nếu trải thảm, bạn nên dùng loại mỏng, sát nền và cố định mép để tránh vấp.
Các vật dụng như bàn ghế, tủ đầu giường nên được bo tròn góc cạnh để tránh va đập. Đèn chiếu sáng đối với gia đình có người lớn tuổi cần đủ mạnh, không chói và bố trí đồng đều khắp nhà. Dọc hành lang và gần cửa ra vào nên có đèn cảm ứng ánh sáng nhẹ, giúp người già di chuyển vào ban đêm.
Bạn cũng nên chọn tông sáng hoặc trung tính cho nội thất, tương phản vừa đủ để người lớn tuổi dễ phân biệt các khu vực như bậc cầu thang, mép sàn hay tay nắm cửa.
Thiết bị và tiện ích phụ trợ
Công tắc, ổ cắm nên được bố trí cao khoảng 60cm từ sàn. Các thiết bị điều khiển nên có nút bấm lớn, dễ hiểu, hoặc thay thế bằng hệ thống điều khiển bằng giọng nói nếu người già quen sử dụng.
Nên trang bị nút gọi khẩn cấp có dây kéo hoặc nút bấm gắn tường ở phòng tắm và cạnh giường ngủ. Thiết bị báo động có thể kết nối đến điện thoại người thân.