Trong cuộc sống hàng ngày, nếu bạn muốn duy trì sức khỏe phổi, trước tiên bạn phải bỏ một số thói quen xấu gây hại buổi sáng sau đây.
1. Hút thuốc
Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, nhưng nhiều vẫn duy trì thói quen hút một điếu thuốc ngay sau khi thức dậy vào buổi sáng để tỉnh táo. Trong bất cứ thời điểm nào, việc hút thuốc đều đem tới những nguy hại nhất định. Khi chất nicotin trong thuốc lá sẽ trực tiếp đi vào phổi khiến chức năng phổi bị giảm sút, tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, bệnh ung thư.
2. Tức giận
Nhiều người có cảm giác cáu kỉnh, chán nản hoặc dễ tức giận khi vừa mới thức dậy. Trên thực tế, những cảm xúc tiêu cực như vậy cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe phổi của chúng ta.
Khi một người tức giận và xúc động sẽ dẫn đến khó thở, các phế nang liên tục giãn nở, không thể nghỉ ngơi và thư giãn bình thường, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của phổi.
3. Tập thể dục buổi sáng quá sức
Tập thể dục buổi sáng là điều nên làm, nhưng nhiều người trung niên và người cao tuổi thường tập từ khi mặt trời chưa lên, nhiệt độ không khí vẫn còn lạnh. Nếu tập quá sức cũng dễ dẫn đến mệt mỏi quá độ, không chỉ làm giảm khả năng miễn dịch mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của phổi.
Nếu nơi tập thể dục buổi sáng có nồng độ khí thải công nghiệp, khí thải ô tô, khói bụi nhiều cũng ảnh hưởng đến đường hô hấp của con người, có thể gây viêm đường hô hấp trên cấp, viêm phế quản... và các bệnh về phổi khác.
4. Ăn sáng nhiều dầu mỡ
Ngày nay, nhiều người thích ăn đồ chiên rán vì đa dạng chủng loại, ngon miệng và có giá thành rẻ. Tuy nhiên, sử dụng loại thực phẩm này vào buổi sáng không chỉ khiến chúng ta tăng cân mà còn tạo gánh nặng cho hệ tiêu hóa đường ruột, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe của phổi.
Ngoài ra, thức ăn nhiều dầu mỡ cũng không có lợi cho việc thải các chất độc hại trong đường hô hấp, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng ho và đờm, không có lợi cho sức khỏe của phổi.
Ảnh minh họa. Nguồn: aboluowang
Đồng thời, bạn nên xây dựng cho mình những thói quen sống lành mạnh, tốt cho sức khỏe, bổ sung nhiều thực phẩm bổ phổi hàng ngày.
Thói quen tốt bổ phổi
1. Chế độ ăn uống hợp lý
Bổ sung những loại thực phẩm thường được sử dụng để làm ẩm phổi và nuôi dưỡng phổi là:
Lê có thể ăn tươi, luộc lấy nước, hấp cách thủy, có tác dụng nhuận phổi, giảm ho, điều này đã được chứng minh. Có thể trộn lê với đường phèn đun sôi lấy nước cũng có tác dụng rất tốt.
Mộc nhĩ trắng có thể nấu hoặc ăn với đường phèn và hoa hòe , có tác dụng nhuận phổi, hóa đờm, dưỡng âm, bồi bổ cơ thể.
Củ cải, đặc biệt là củ cải trắng có tác dụng chữa cảm sốt, tiêu khát, thanh nhiệt phổi, trị ho, có thể ăn chung với mía, lê… vắt lấy nước cốt.
Hạt dẻ ép lấy nước cốt cùng với củ sen có thể làm nước uống bồi bổ cơ thể và giải đờm, làm mát máu, giải độc.
Quả hồng tốt cho các chứng ho, long đờm, đau bụng do cảm sốt, nhất là vào mùa đông.
2. Chú ý đến quá trình hydrat hóa
Bổ sung nước cho cơ thể kịp thời để đảm bảo quá trình hydrat hóa thuận lợi - bước quan trọng trong việc nuôi dưỡng phổi. Nước có thể đảm bảo sự bôi trơn của phổi và đường hô hấp.
Nên uống một lượng vừa phải mỗi lần, đều đặn nhiều lần trong ngày để liên tục cấp nước cho cơ thể. Bên cạnh nước lọc, bạn cũng có thể uống một số loại trà mát gan, thải độc, bổ phổi như trà củ sen, trà bạc hà, trà hoa cúc, trà bồ công anh…
Ảnh minh họa. Nguồn: aboluowang
3. Thực hiện những bài tập đơn giản tốt cho phổi
Thực hiện các động tác nâng cao sức khỏe phổi không chỉ có thể làm giảm các triệu chứng khó chịu về thể chất mà còn cải thiện chức năng phổi và nâng cao khả năng chống lại bệnh tật của cơ thể.
Tập hít thở sâu
Các chuyên gia khuyến cáo nên thực hiện thường xuyên hít thở sâu trước khi ngủ vào ban đêm và sau khi thức dậy vào buổi sáng. Cách này sẽ giúp thư giãn cơ thể và tâm trí.
Chỉ cần thư giãn cơ mặt, từ từ hít không khí vào buồng phổi sâu nhất có thể rồi thở ra qua miệng. Hít thở sâu giúp mở rộng khoang ngực, cho phép oxy được phân phối khắp nơi trong cơ thể và loại bỏ carbon dioxide (CO2) ra ngoài.
Gập người và hít thở sâu - đào thải khí tích tụ
Để làm điều này, người tập cần đứng thẳng, thả lỏng đầu gối, rồi từ từ uốn cong bụng, gập người xuống và thở ra một hơi thật sâu để đào thải khí tích tụ trong cơ thể.
Sau đó, vừa ngẩng đầu dậy trở lại vị trí đứng thẳng lưng như cũ vừa hít vào một cách chậm rãi. Giơ hai tay thẳng lên trời để buồng phổi có thể mở rộng. Thời gian hít vào và giữ không khí trong phổi kéo dài khoảng 20 giây. Làm liên tục 4 lần như vậy.
Ngồi đúng tư thế
Các nghiên cứu khoa học phát hiện tư thế ngồi không đúng chuẩn sẽ khiến buồng phổi không mở rộng đúng mức khi thở, dẫn đến hơi thở nông và làm giảm lượng oxy trong máu.
Do đó, khi ngồi, cần giữ lưng thẳng, 2 bàn chân đặt lên nền nhà, chân hơi duỗi ra, đầu gối nên thấp hơn hông.
*Theo Aboluowang