Mở đầu bài viết, Jen Glantz cho biết, cô đã làm việc chăm chỉ để quản lý tài chính ở độ tuổi 30 nhưng vẫn không thể tránh khỏi sai lầm lớn.
“Ngay trước khi bước sang tuổi 30, tôi đã quyết định nghiêm túc hóa vấn đề tài chính của mình. Tôi đã dành phần lớn tuổi 20 của mình để mắc đủ mọi loại sai lầm về tiền bạc (từ việc không tiết kiệm để nghỉ hưu đến nợ thẻ tín dụng). Tôi háo hức tiếp cận một thập kỷ mới của cuộc đời với chiến lược tài chính nghiêm tú để tôi có thể đạt được những mục tiêu lớn như nghỉ hưu sớm và mua bất động sản”, cô viết.
“Tuy nhiên, tôi không biết phải làm gì trước, vì vậy tôi chỉ làm bất cứ điều gì có thể để thắt chặt chi tiêu và bắt đầu đầu tư. Vì tôi chưa bao giờ làm việc trực tiếp với một chuyên gia tài chính, nên tôi luôn tự hỏi liệu mình có mắc phải bất kỳ sai lầm rõ ràng nào không, hóa ra là có”, Jen Glantz cho biết thêm.
Sau đây là một số sai lầm lớn khi chúng ta xem xét cân đối đầu tư, tiết kiệm tiền gửi:
1. Giữ quá nhiều tiền mặt trong tài khoản tiết kiệm
Sai lầm đầu tiên mà Jen Glantz nhận ra là sai lầm mà hầu hết mọi người đều mắc phải trong nhiều năm, đó là để hơn một nửa số tiền mình có trong sổ tiết kiệm tiền gửi. Thực tế, nguyên nhân chính của tình huống này là chúng ta không biết phải làm gì khác với số tiền đó và sợ mất nó.
Tiền tiết kiệm trong ngân hàng và một khoản quỹ khẩn cấp cho các trường hợp khẩn (giá trị tương đương 6 – 9 tháng chi tiêu) là đúng đắn. Dù vậy, hãy nghĩ rộng hơn để tiền không bị thâm hụt vì lạm phát.
Để sửa lỗi này, trước tiên bạn hãy đánh giá khả năng chấp nhận rủi ro, sau đó xác định rõ thời điểm muốn tiếp cận số tiền đó trong tương lai (cho dù đó là để nghỉ hưu sau 20 năm hay để mua một ngôi nhà trong 5 năm). Khi biết câu trả lời cho 2 điều đó, bạn có thể cân nhắc đưa số tiền đó vào thị trường đầu tư vào các quỹ, bất động sản,… thay vì giữ tất cả trong ngân hàng.
2. “Sợ” không dám đầu tư vào các tài sản có tỷ lệ rủi ro cao
Có những dịch vụ ngân hàng hoặc các nền tảng tự động giúp quản lý tiền. Bạn chỉ cần thiết lập mức độ chấp nhận rủi ro (tỷ lệ bao nhiêu phần trăm) và họ sẽ làm tất cả các phần còn lại. Jen Glantz đã thử và đặt tỷ lệ tương ứng là 90% cổ phiếu và 10% trái phiếu, khiến cho việc phân bổ tài sản đầu tư này trở nên rất rủi ro.
Về lâu dài, bạn hoàn toàn có thể giảm tỷ lệ dựa theo trạng thái của mình. Giả sử, bạn cảm thấy quá rủi ro thì chỉ nên phân bổ đầu tư 70 hoặc 80% cho cổ phiếu. Điều này sẽ giúp bạn bình tĩnh và yên tâm hơn.
3. Mua nhiều cổ phiếu riêng lẻ một cách ngẫu nhiên
Trong thời kỳ đại dịch, Jen Glantz đã bỏ một ít tiền vào rất nhiều cổ phiếu riêng lẻ mà không cần nghiên cứu hay suy nghĩ nhiều. Thế nhưng, hầu hết những cổ phiếu đó đều rơi vào một trong số các lĩnh vực chủ đạo hiện nay là công nghệ, truyền thông và viễn thông, đồng thời có một số cổ phiếu riêng lẻ khác có rủi ro cao và không mang tính chiến lược.
Dĩ nhiên, tất cả các chuyên gia tài chính đều có thể đưa ra khuyến nghị rằng bạn nên đa dạng hóa các lĩnh vực khác nhau vì các lĩnh vực này song song với nhau nhiều hơn vào các thời điểm khác nhau. Không nhất thiết phải duy trì tất cả các cổ phiếu có giá trị tương đương nhau, ví dụ 50 triệu mua cổ phiếu A, 50 triệu mua cổ phiếu B, nhưng hãy cố gắng giữ cho tài sản đầu tư đa dạng.
4. Không có sự liên kết qua bảo hiểm nhân thọ với người thân, vợ/chồng
Bảo hiểm nhân thọ là một lựa chọn mà bạn nên xem xét, theo lời chuyên gia tài chính của Jen Glantz. Nếu cả 2 vợ chồng hoặc người thân của bạn và bạn đều có bảo hiểm nhân thọ thì bạn hoặc mọi người có thể có sự đảm bảo nhất định – chẳng hạn như tiền trả nợ và duy trì cuộc sống nếu người kia qua đời.
Bảo hiểm nhân thọ, xét trên nhiều mặt là cách để đầu tư lâu dài cho một sự đảm bảo trong tương lai, không hẳn là cho bản thân chúng ta mà còn cho cả những người thân của mình.