Chỉ số S&P 500 và Nasdaq 100 vừa ghi nhận tuần tươi sáng nhất kể từ tháng 11/2020 dù khởi đầu năm 2022 tương đối khó khăn. Song, giờ là lúc các nhà đầu tư nên tự hỏi liệu đà hồi phục có kéo dài lâu hay không.
Thị trường chứng khoán Mỹ đang đứng trước thời khắc ngặt ngèo khi phải đối mặt với hàng loạt tình huống đáng sợ, từ rủi ro địa chính trị cho đến lãi suất tăng. Trong lịch sử, khi những sự việc này xuất hiện cùng lúc, nhà đầu tư có thể gặp phải thị trường gấu.
Thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu chu kỳ nâng lãi suất, với lần tăng 0,25 điểm % đầu tiên vừa diễn ra vào ngày 16/3. Tiếp đến, chiến sự giữa Nga và Ukraine đang làm mất ổn định thị trường tài chính thế giới.
Chứng khoán Mỹ tụt dốc sau cảnh báo của Chủ tịch Fed
Ở diễn biến khác, giá dầu tăng vọt lên trên 100 USD/thùng và có nguy cơ tiếp tục đẩy lạm phát lên cao. Và một số phần của đường cong lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ đang đảo ngược.
Dưới đây là những gì đã xảy ra trong quá khứ khi các yếu tố trên xuất hiện đồng thời với nhau:
Lịch sử thị trường gấu
Thị trường giá lên của chỉ số S&P 500 sẽ tròn hai tuổi trong tuần này. S&P 500 đã có màn hồi phục ngoạn mục từ cuộc khủng hoảng COVID, sau khi rơi xuống đáy vào ngày 23/3/2020 và bay hơi 34% giá trị. Kể từ đó, S&P 500 đã tăng gấp đôi dẫu thế giới đương đầu với đại dịch thế kỷ.
Tuy nhiên, kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, sự kết hợp giữa chu kỳ tăng lãi suất của Fed, căng thẳng địa chính trị, lạm phát phình to và đường cong lợi suất thu hẹp lại tạo ra thị trường gấu, theo công ty nghiên cứu đầu tư CFRA.
Bộ ba hiếm thấy
Fed rất hiếm khi tăng lãi suất vào thời điểm thị trường chịu áp lực lớn và căng thẳng địa chính trị nổ ra.
Hai lần chỉ số S&P 500 rơi xuống vùng điều chỉnh hoặc thị trường gấu khi Fed đang trong chu kỳ thắt chặt chính sách là khi xảy ra cuộc bạo động tại Hungary cùng khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956, và cuộc tổng tiến công - nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968 tại Việt Nam.
Manh mối từ các ngành
Diễn biến của từng ngành trong ngắn hạn có thể cung cấp cho nhà đầu tư manh mối về quỹ đạo của thị trường. Các ngành nổi trội trong giai đoạn sau của mỗi chu kỳ kinh tế như vật liệu và công nghiệp, cùng với cổ phiếu phòng thủ như y tế và tiêu dùng thiết yếu có xu hướng tăng mạnh trước suy thoái 6 tháng.
Nhưng các cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất như tài chính, bất động sản, cũng như cổ phiếu tăng trưởng thuộc nhóm công nghệ, tiêu dùng không thiết yếu và dịch vụ viễn thông có xu hướng giảm điểm.
Theo Ned Davis Research, để chỉ số S&P 500 chìm vào thị trường gấu thì nhóm cổ phiếu phòng thủ và cổ phiếu giá trị mang tính chu kỳ nhiều khả năng sẽ cần phải giảm sâu hơn nữa.
Lợi nhuận vừa phải
Hầu hết các chuyên gia phân tích không dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2022, khi mà thị trường lao động đang ổn định, tiêu dùng vững mạnh và lợi nhuận doanh nghiệp cao hơn dự kiến.
Thêm một phần khác của đường cong lợi suất đã đảo ngược vào ngày 18/3. Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn ba năm lần đầu tiên vượt lên trên lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm, lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020.
Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm và 10 năm, thước đo truyền thống cho suy thoái, cũng đã thu hẹp. Nhưng lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm so với ba tháng, một thước đo phổ biến khác, lại đang nới rộng.
Tuy nhiên, giới phân tích vẫn dự đoán từ nay, lợi nhuận trên thị trường sẽ khiêm tốn hơn vì Fed đang rút dần hỗ trợ chính sách khỏi hệ thống tài chính. Nhưng chứng khoán Mỹ có thể vẫn còn đường tiến.
Kể từ năm 1957, trung bình thị trường giá lên trong S&P 500 kéo dài 5,8 năm, theo số liệu từ Truist Advisory. Thị trường giá lên hiện tại chỉ mới được hai năm tuổi.