Uống thuốc nam để "chữa" ung thư gan
Bệnh nhân Giàng Mí Già (26 tuổi, dân tộc Mông, sống tại Cao Bằng) được chẩn đoán ung thư gan trên nền viêm gan virus B tại tuyến cơ sở nhưng không điều trị. Bênh nhân đã quyết định chữa trị bằng thuốc nam.
Bác sĩ CKII Nguyễn Trường Giang, Khoa Ngoại Gan mật, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân Già được đưa tới viện khám trong tình trạng trạng ốm yếu, chỉ nặng 40kg (một phần vì đau đớn không ăn uống được, một phần vì nhiều ngày dùng thuốc không rõ nguồn gốc).
Kết quả, bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư gan giai đoạn muộn.
Theo người nhà của bệnh nhân, gia đình họ đã có 3 người tử vong vì ung thư gan trong vài năm nay.
Cách đây 3 tháng, bệnh nhân Già xuất hiện tình trạng đau tức vùng hạ sườn trái, buồn nôn nhiều, mệt mỏi. Bệnh nhân có đi khám tại cơ sở y tế và được chẩn đoán: ung thư gan trên nền viêm gan virus.
Bệnh nhân Già đã được chỉ định nút mạch, song vì không có điều kiện kinh tế cũng như suy sụp tinh thần do biết bản thân mắc ung thư nên anh đã từ chối điều trị.
Gia đình anh Già đã bán trâu để cả nhà 7 người gồm: mẹ, hai vợ chồng và 4 người con đã vào Đắk Lắk để "chữa" ung thư bằng thuốc nam.
Sau 3 tháng uống thuốc nam, tiền đã cạn nhưng bệnh tình của bệnh nhân ngày càng nặng hơn, có lúc gia đình đã nghĩ đến chuyện bệnh nhân có thể phải bỏ mạng ở nơi đất khách. Tuy nhiên, bệnh nhân anh đã may mắn được những người hảo tâm giúp đỡ tiền để về Hà Nội. Bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị với chút hy vọng mong manh.
Bác sĩ Giang cho hay, bệnh nhân có khối u gan ở giai đoạn muộn với đường kính hơn 20cm. Khối u đã xâm lấn tĩnh mạch chủ dưới và vỡ, gây chảy máu dưới bao gan. Lựa chọn duy nhất là mổ cắt u ngay lập tức vì mọi sự trì hoãn đều có thể dẫn tới tử vong do khối u tiếp tục chảy máu.
Tuy nhiên, khối u của bệnh nhân lớn nên nguy cơ tử vong trên bàn mổ cũng rất cao. Bác sĩ đã giải thích nguy cơ cho gia đình và người thân đã đồng ý mổ.
Sau 7 tiếng, bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt gan trái mở rộng (khoảng 3kg), cắt lách, thận, đuôi tuỵ. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân đã mất khoảng 2 lít máu, sốc và rối loạn đông máu. Bệnh nhân xuất hiện tình trạng suy gan và nhiễm trùng khá nặng.
10 ngày sau mổ bệnh nhân tiếp tục được đốt khối u gan còn lại. Hiện, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và được ra viện.
Theo bác sĩ, bệnh nhân Già có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tình trạng bệnh nặng. Biết được hoàn cảnh của bệnh nhân nên bệnh viện đã kêu gọi nhà hảo tâm giúp đỡ cho bệnh nhân kinh phí điều trị.
Căn nguyên hàng đầu gây ung thư gan
BS.CKII Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng Khoa khám bệnh cơ sở Kim Chung - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, viêm gan virus B (bệnh viêm gan B) là bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan B gây ra.
Virus viêm gan B là virus có thể gây ra tổn thương gan, hủy hoại tế bào gan… và là căn nguyên hàng đầu gây ung thư gan tại Việt Nam. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2017, tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B tại Việt nam là 8,1%.
Với trường hợp của bệnh nhân Già, bệnh nhân mắc viêm gan virus nhưng không theo dõi và điều trị kịp thời nên bệnh đã tiến triển, dẫn tới ung thư gan. Đặc biệt, trong gia đình bệnh nhân có tới 3 người từng mất vì ung thư gan, rất có thể cả 3 người đều nhiễm virus viêm gan mạn tính mà không điều trị kịp thời, khiến bệnh tiến triển thành ung thư.
Theo bác sĩ Huyền, phần lớn người mắc viêm gan B luôn cảm thấy khỏe mạnh và không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào.
Trường hợp hệ thống miễn dịch của người mắc viêm gan B phản ứng với virus thì bệnh nhân có thể xuất hiện các dấu nhiệu như: cảm thấy ốm yếu, mệt mỏi, đôi khi có sốt, đi tiểu nước vàng, đau khớp, đau dạ dày, vàng da, vàng mắt hoặc chán ăn, sợ đồ mỡ.
Để phòng ngừa viêm gan virus chuyên gia khuyến cáo mọi người nên tiêm phòng vắc xin. Đối với bệnh nhân đã mắc viêm gan virus mạn tính thì mọi người cần phải tuân thủ uống thuốc đúng chỉ định, tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư gan.