Nợ nần không trả được do chi tiêu quá đà
Là một nhà tiếp thị kỹ thuật số (digital marketer), Emily Ware dành nhiều thời gian trên Internet, Tuy nhiên, điều này đi kèm với rủi ro, đó là cô mua sắm online rất nhiều. “Vào đầu năm 2020, tôi mắc khoản nợ 4.250 bảng Anh (122 triệu đồng) mà không có khả năng trả nợ. 95% trong số này là do chi tiêu bốc đồng, từ quần áo đến những lần đi chơi cùng bạn bè và mua vé concert”.
Theo tổ chức Money and Mental Health, cứ 8 người trưởng thành thì có 1 người chi tiêu nhiều hơn khả năng tài chính cá nhân trên môi trường Internet. Gần 25% số người được khảo sát mua những thứ họ không cần. Trên thực tế, những người bán hàng online ngày càng hiểu tâm lý người tiêu dùng, “thao túng" bạn chi tiêu nhiều hơn. Việc mua hàng không có kế hoạch thường bị ảnh hưởng rất nhiều từ bên ngoài bởi những chiêu thức bán hàng dựa trên nghiên cứu hành vi của người tiêu dùng.
Kate Nightingale là một nhà tâm lý học người tiêu dùng, đã làm việc với nhiều thương hiệu. Cô chia sẻ rằng các thương hiệu trên Internet ngày càng quan tâm đến việc “lôi kéo" người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn bằng những chiến thuật khéo léo. Người tiêu dùng khó biết khi nào các thương hiệu đang “thao túng” bản thân và khó cưỡng lại trước loạt chiến dịch của doanh nghiệp.
Ảnh minh hoạ - Pinterest
Thủ thuật bán hàng online “thao túng" khiến bạn chốt đơn liên tục
Có một số cách phổ biến người bán hàng online thường dùng để khai thác tâm lý của khách hàng. Chẳng hạn thúc giục bạn đưa ra quyết định cũng như thuyết phục rằng bạn sẽ đang bỏ lỡ một điều gì đó rất quan trọng nếu không mua hàng.
1. Sự khan hiếm
Bất cứ thứ gì là "phiên bản có giới hạn" đều tạo ra cảm giác cấp bách và thúc đẩy chúng ta hành động nhanh chóng. Đây là bán hàng theo kiểu “hạn chế”. Cụ thể, các trang web của khách sạn cũng sử dụng điều này khi họ hiển thị có 4 phòng trống nhưng 5 người đang xem chúng. Do vậy, nếu không “nhanh tay", bạn sẽ để lỡ món hời này.
Quà tặng miễn phí hoạt động theo cách tương tự. Sự tiếc rẻ khi bỏ lỡ một món đồ miễn phí có thể thôi thúc chúng ta chi tiêu nhiều hơn, ngay cả khi chúng ta không cần hoặc không muốn những món đồ tặng kèm đó.
2. Những bài bình luận, đánh giá chất lượng sản phẩm
Các bài đánh giá, đề xuất và lượt thích báo hiệu rằng sản phẩm đã được dùng thử và kiểm chứng chất lượng. Điều này khiến chúng ta cảm thấy tin tưởng và không ngần ngại mua những sản phẩm đã được đánh giá tốt.
Một số thương hiệu khai thác điều này bằng cách tiết lộ những gì người tiêu dùng khác đã mua, trong khi mạng xã hội nêu bật những gì bạn bè và gia đình của bạn thích. Tại sao? Bởi vì chúng ta tin tưởng nhất vào ý kiến của họ, khiến nó trở thành một hình thức tiếp thị hiệu quả.
Ảnh minh hoạ - Pinterest
3. Thiết kế ứng dụng, trang web bán hàng bắt mắt
Việc phải lướt qua nhiều sản phẩm tương tự sẽ khiến người tiêu dùng trở nên mệt mỏi. Vì vậy các trang web hay ứng dụng mua sắm sẽ tìm cách ngăn chúng ta khoanh vùng hoặc nhấp chuột. Chẳng hạn, các nhà tiếp thị thường sẽ phân các sản phẩm ra từng danh mục cụ thể để dễ tìm kiếm. Bởi vì bộ não của chúng ta được thiết kế để chú ý khi có điều gì đó khác thường vì đó có thể là cơ hội hoặc nguy cơ tiềm ẩn.
Thay đổi kích thước phông chữ chỉ 1 hoặc 2 điểm là chiến thuật “thao túng" hiệu quả khiến bạn mua sắm nhiều hơn. Chẳng hạn, bạn sẽ thích thú với những poster quảng cáo có phông chữ cũng như cỡ chữ tạo điểm nhấn, sau đó ấn tượng với sản phẩm được quảng cáo.
4. Thanh toán dễ dàng
Các tùy chọn thanh toán dễ dàng như một cú nhấp chuột và thẻ ngân hàng đã liên kết với ứng dụng mua sắm ngay lập tức trừ tiền là điều khiến chúng ta dễ dàng chi tiêu bốc đồng hơn. Các lựa chọn mua trước trả sau cũng tạo ảo giác về sự linh hoạt trong thanh toán và do đó khiến bạn mua sắm thiếu kiểm soát, dù trên thực tế đó là dạng vay nợ để chi tiêu.
Theo The Guardian