Mới đây, tòa án Paris đã truy tố nhà sáng lập Pavel Durov của Telegram nhưng cho tại ngoại với tiền bảo lãnh 5 triệu Euro và cấm xuất cảnh khỏi Pháp. Tuy nhiên điều khiến giới truyền thông quan tâm lại là những chuyện đời tư thầm kín đằng sau nhà sáng lập này.
Vào tháng trước, Durov từng đăng tải lên Telegram rằng mình có đến 100 người con riêng.
Cụ thể cách đây 15 năm, một người bạn của nhà sáng lập đã đề nghị xin "giống" của Durov do vợ chồng này không thể có con.
Thế rồi phòng khám cho biết những "giống" chất lượng tốt đang khan hiếm và Durov cảm thấy mình "cần có trách nhiệm quyên góp tinh trùng của mình cho các cặp đôi hiếm muộn".
Đến năm 2024, nhà sáng lập Telegram cho biết việc quyên góp "giống" của mình đã giúp hơn 100 cặp đôi ở 12 quốc gia có con.
"Hơn thế nữa, kể cả khi tôi đã ngừng đi hiến tinh trùng thì nhiều phòng khám vẫn đông lạnh giống của tôi cho những gia đình hiếm muộn muốn có con", Durov tự hào nói.
Thậm chí nhà sáng lập này còn định công khai mã ADN của mình trên mạng để những đứa con có thể tự tìm đến với nhau nếu muốn.
Nơi đây mai đó
Quan điểm về sinh sản của Durov có phần giống với CEO Elon Musk của Tesla khi cho rằng con người cần tăng cường sinh sản thêm nữa.
Với khối tài sản ước tính lên đến 9,15 tỷ USD và một loạt hộ chiếu cũng như nhiều nơi cư trú khác nhau, nhà sáng lập Telegram có một cuộc sống nay đây mai đó trong suốt 10 năm, qua đó cũng đi hiến tặng tinh trùng ở rất nhiều nơi trên thế giới.
Sinh năm 1984, Durov ngay từ nhỏ cùng người anh trai đã có thiên phú toán học dù chỉ học trường địa phương.
Năm 2006, chàng trai này đã tự gây dựng nên mạng xã hội Vkontakte (VK) tại Nga khi mới chỉ 21 tuổi, qua đó được ví như Mark Zuckerberg của nước này.
Tuy nhiên trái với việc Mark Zuckerberg phải mua lại WhatsApp để xây dựng nên đế chế Meta sau này của mình thì Durov lại lựa chọn tự xây dựng nên nền tảng chat của riêng mình mang tên Telegram vì cho rằng chẳng có sản phẩm nào ngoài thị trường là đạt tiêu chuẩn.
"Chẳng quan trọng có bao nhiêu ứng dụng nhắn tin ngoài kia, chúng đều tệ hết", Durov nói với TechCrunch năm 2015.
Việc nền tảng nhắn tin này đảm bảo quyền riêng tư cũng như kiểm duyệt lỏng lẻo đã thu hút lượng lớn người dùng. Những đoạn mã hóa đầu cuối tin nhắn khiến chỉ những người liên lạc với nhau có thể đọc được.
Tuy nhiên chính điều này lại thu hút lượng lớn tội phạm và khủng bố sử dụng Telegram, qua đó gây nên những vụ việc thương tâm như vụ tấn công Paris tháng 11/2015.
"Bạn không thể biến chúng thành nền tảng vừa an toàn, vừa hạn chế tội phạm lại còn cởi mở thông tin với chính phủ được. Chúng chỉ có thể hoặc là bảo mật hoặc là không bảo mật", Durov nói.
Quay trở lại vụ việc bắt giữ, phía Tòa án Paris đã truy tố Durov về cáo buộc có liên quan đến tội phạm có tổ chức, đồng lõa trong việc quản lý nền tảng cho phép thực hiện giao dịch bất hợp pháp, phát tán nội dung đen, buôn bán ma túy, lừa đảo, rửa tiền...
*Nguồn: CNN