Ngày 6/11, Hội đồng nhân dân TPHCM phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình TPHCM tổ chức chương trình "Dân hỏi – Chính quyền trả lời" số tháng 11 với chủ đề “Quy hoạch và quản lý bến xe, bãi đỗ xe”.
Chia sẻ tại chương trình, ông Nguyễn Lâm Hải, Phó Giám đốc Ban Bến xe miền Đông (BXMĐ) mới cho biết sau khi vận hành, bến xe chú trọng tăng cường các hoạt động để đảm bảo an toàn, văn minh, thân thiện với môi trường.
Theo ông Hải, BXMĐ mới đi vào hoạt động đảm bảo thực hiện quy hoạch chung của thành phố cũng như quy hoạch phát triển giao thông của thành phố. Theo đó, TPHCM đã di dời hơn 100 tuyến xe, theo 2 giai đoạn.
Bến xe Miền Đông mới
Tuy nhiên, quá trình hoạt động ban đầu, BXMĐ mới gặp nhiều khó khăn, như một số doanh nghiệp không đưa phương tiện vào hoạt động ở bến mới và còn tình trạng đưa phương tiện vào nội đô đón khách, các tuyến buýt kết nối với bến mới chưa nhiều...
“Chúng tôi kiến nghị Sở GTVT xem xét ban hành quy định về vận chuyển hành khách ở nội đô; đồng thời có hướng hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp vận tải”, ông Hải nói.
Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm khẳng định BXMĐ mới là chủ trương đúng đắn, thể hiện tầm nhìn, tư duy của thành phố. Đây là đầu mối giao thông kết nối đồng bộ với các hệ thống giao thông chiến lược của thành phố ở cửa ngõ phía Đông.
Tuy nhiên ông Lâm cũng nhìn nhận nơi đây chưa đồng bộ về hạ tầng – quy hoạch, mà nguyên nhân cũng có phần do tuyến Metro số 1 chưa đi vào hoạt động.
Việc di dời các bến xe liên tỉnh có lộ trình chạy trên quốc lộ 1 từ bến xe Miền Đông cũ sang bến xe mới bắt đầu từ ngày 11/10. Theo số liệu của Sở GTVT TPHCM, hằng ngày có gần 300 chuyến xe bỏ bến Miền Đông mới, trong đó hơn 50% vào các bến xe khác, số còn lại chuyển qua hình thức trá hình 'bến cóc, xe dù'. |
“Sở GTVT và các sở, ban ngành cũng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ hạ tầng liên quan nhằm hoàn thiện các tuyến đường xung quanh BXMĐ mới; tổ chức giao thông phù hợp hơn; hạn chế xe khách lớn vào nội đô, trong đó có thể hạn chế xe giường nằm vào nội đô trong năm nay theo đúng quy hoạch giao thông nội đô. Cùng với đó là tăng cường kết nối các tuyến xe buýt với BXMĐ mới”, ông Lâm cho hay.
Người đứng đầu ngành GTVT của TPHCM cũng khuyến cáo lãnh đạo BXMĐ mới cần đầu tư nâng chất các dịch vụ, tiện ích của mình, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ, có chính sách khuyến mãi trong thời gian đầu, đặc biệt là có phương thức tuyên truyền đầy đủ, đồng bộ để thu hút người dân.
Quang cảnh chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" số tháng 11. Ảnh: Châu Thảo.
Diện tích bến bãi mới đạt 22% quy hoạch
Nêu ý kiến với các sở, ban ngành, cơ quan quản lý liên quan tại TPHCM, ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch thường trực Hội Cầu đường cảng TPHCM cho biết, TPHCM có hơn 8,6 triệu phương tiện cá nhân, chưa kể lượng phương tiện vãng lai, do đó nhu cầu giao thông tĩnh (bến xe, bãi đỗ xe) ngày càng trở nên cấp thiết.
Ông Trường đề nghị các ngành chức năng cho biết quy hoạch hệ thống bến bãi với tổng diện tích bến bãi được phê duyệt là 1.146ha có được cập nhật đồng bộ với quy hoạch chung của thành phố và các quận huyện hay không?
Các bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố đang trở nên quá tải lâu nay. Ảnh: Ngô Tùng
Cử tri Phạm Thị Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Vận tải và du lịch Thanh Sơn cho rằng hiện nay mạng lưới tuyến, bến bãi chưa được quy hoạch đồng bộ theo đề án quy hoạch của thành phố.
Bà Thanh chất vấn: “Khi tuyến Metro số 1 hoàn thành trong thời gian tới, khu vực xung quanh 4 nhà ga trung tâm rất cần có bãi đỗ xe để người dân sử dụng. Thành phố đã có phương án nào để sắp xếp, kết nối cho người dân sử dụng được thuận tiện trong điều kiện mô hình xe buýt chưa được kết nối hoàn chỉnh”.
Trao đổi tại chương trình, ông Trần Quang Lâm cho biết, hiện nay hệ thống bến bãi đậu xe trên địa bàn thành phố chỉ đạt khoảng 250ha/1.146ha được quy hoạch (đạt khoảng 22%). Hệ thống hạ tầng nói chung và hệ thống bến bãi nói riêng chưa đáp ứng được nhu cầu, khiến người dân không hài lòng.
Theo ông Trần Quang Lâm, nguyên nhân chủ yếu là do hạ tầng triển khai chậm so với quy hoạch. Các dự án triển khai chậm dù đã được bố trí vốn. Trong khi đó, một số dự án bãi xe ngầm không thu hút được vốn đầu tư...
Ông Lâm cho biết, hiện nay thành phố đang rà soát quy hoạch, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, bến bãi. Bên cạnh quy hoạch, ông cho rằng cần có nhiều giải pháp để phù hợp với “siêu đô thị” như TPHCM.
“Sau quy hoạch, các quận huyện cần có giải pháp quản lý phù hợp, xây dựng lộ trình đầu tư bến bãi phù hợp. Nếu thành phố chỉ đầu tư hạ tầng thôi thì không giải quyết được vấn đề giao thông. Bắt buộc phải phát triển giao thông đô thị một cách bền vững bằng cách hạn chế dần việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Đó cũng là mô hình phát triển TPHCM hướng đến mục tiêu văn minh, hiện đại”, ông Lâm nhấn mạnh.
Dự kiến, TPHCM sẽ hạn chế xe giường nằm vào khu vực nội đô (Ảnh minh họa: Ngô Tùng)
Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, cuối 2023 thành phố sẽ đưa vào khai thác tuyến Metro số 1 và tuyến này có 2 nhà ga trung tâm tại cảng Ba Son và Nhà hát Thành phố. Các nhà ga này đều có bãi xe đáp ứng nhu cầu gửi xe cùng các tuyến xe buýt kết nối. Cùng với đó, thành phố cũng đã bố trí vốn triển khai nhiều bến xe.
Ngoài ra, thành phố cũng triển khai thí điểm một số bãi đỗ xe lắp ghép theo phương thức xã hội hóa.