Sau khi Nga mở đầu kỷ nguyên chinh phục vũ trụ bằng vệ tinh Sputnik vào năm 1957, các cường quốc khác bắt đầu đẩy mạnh khai phá không gian. Mặt trái của việc này là tình trạng ô nhiễm ánh sáng và rác thải ngập tràn bầu khí quyển Trái đất.
Theo CNN, nhiều nhà khoa học lo ngại rằng tình trạng ô nhiễm ánh sáng do vệ tinh vây kín bầu khí quyển sẽ khiến việc nghiên cứu vũ trụ bằng kính viễn vọng đặt tại Trái đất trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra bầu khí quyển của Trái đất còn đang bị đe dọa bởi 30.000 vật thể với kích cỡ lớn hơn một chút so với quả bóng chày, di chuyển nhanh gấp 10 lần tốc độ đạn bay.
Chúng chính là những thứ còn sót lại của tên lửa và vệ tinh dừng hoạt động. Những tạo vật này mắc kẹt tại quỹ đạo, hình thành một đống rác thải khổng lồ.
Ở chiều hướng khác, một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng 10% hạt khí quyển chứa các mảnh kim loại từ tên lửa hoặc vệ tinh bị bốc cháy trong quá trình rơi khỏi quỹ đạo.
Với tốc độ phát triển như hiện tại, nhiều nhà khoa học ước tính các mảnh vụn này sẽ chiếm đến 50% tổng lượng sol khí (đơn vị chỉ hạt chất rắn hoặc giọt chất lỏng) ở tầng bình lưu trong những thập kỷ tới.
Theo trang web theo dõi vệ tinh Orbiting Now, con người đã phóng gần 13.000 vệ tinh lên vũ trụ kể từ năm 1957. Tuy nhiên hiện tại chỉ có khoảng 8.377 cái còn hoạt động tính đến ngày 3-2-2024.
Đài CNN cho biết hiện tại có hơn 300 tổ chức thương mại và chính phủ công bố kế hoạch phóng tổng cộng 478.000 vệ tinh vào năm 2030.
Cơ quan thẩm định trách nhiệm chính phủ Mỹ (GAO) ước tính sẽ có 58.000 vệ tinh được phóng lên vũ trụ trong 6 năm tới. Trong khi các nhà khoa học cho rằng con số thực tế chỉ là 20.000.
Thêm vào đó, số vệ tinh khổng lồ trên quỹ đạo cũng như tàn dư của chúng còn gây khó khăn cho các phi hành gia nói riêng và việc phóng phương tiện du hành không gian nói chung.
Khi va chạm những mảnh vỡ nhỏ bằng đầu bút chì vẫn đủ sức làm vỡ cửa kính trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Các nhà khoa học ước tính có khoảng 100 triệu mảnh vụn như vậy.
Ông Ron Lopez, chủ tịch chi nhánh Mỹ của Công ty Astroscale, nói với Đài CNN: “10 năm trước, mọi người nghĩ rằng nhà sáng lập của chúng tôi bị điên khi lo ngại những mảnh vụn không gian.
Giờ đây mọi hội nghị về không gian đều tổ chức hội thảo hoặc 1-2 cuộc họp về vấn đề rác thải vũ trụ và phát triển bền vững”.
Astroscale là một công ty Nhật Bản đang tranh giành thị phần trong lĩnh vực giải quyết mảnh vụn trên quỹ đạo.