Tiếp tục là một ngày giao dịch "buồn" của chứng khoán Việt Nam khi giảm sâu gần 60 điểm, chính thức mất mốc 1.300 điểm. Số lượng cổ phiếu giảm hết biên độ trên cả 3 sàn lên tới 356 mã, nhiều mã dư bán giá sàn vài triệu đơn vị nhưng vắng bóng lực cầu.
Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng những thông tin tiêu cực không phải vấn đề quá lớn với thị trường thời điểm này, nguyên nhân đến từ lực cầu quá yếu. Vùng điểm 1.300 được xem là ngưỡng tâm lý thu hút dòng tiền của nhà đầu tư dài hạn, song chỉ số "thủng mốc" này cho thấy xu hướng thị trường không mấy tích cực.
Theo ông Minh, phiên giao dịch ngày mai rất quan trọng với thị trường, nếu thị trường "trụ" được ở vùng đáy cũ 1.262 điểm thì khả năng cao là sẽ sớm có nhịp hồi. Ngược lại, thị trường sẽ khá tiêu cực nếu không giữ được mốc trên, trong kịch bản xấu hơn VN-Index có thể quay lại mốc 1.150 điểm.
Với góc nhìn dài hạn, vị chuyên gia cho rằng nhà đầu tư cần quan sát kỹ thị trường đến hết tháng 5. Trong kịch bản giữ được mốc 1.300 đến hết tháng 5 thì xu hướng tăng vẫn còn có thể xác lập. Tuy nhiên, nếu VN-Index "xuyên thủng" mốc này thì khả năng kịch bản cũ giai đoạn năm 2018 – 2019 sẽ lặp lại. Theo đó, kinh nghiệm trong lịch sử cho thấy thị trường sẽ mất rất nhiều thời gian, thậm chí lâu hơn 1 năm để chúng ta tạo được xu hướng tăng mới.
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Trong thời điểm thị trường diễn biến tiêu cực như hiện tại, ông Minh cho rằng điều quan trọng là nhà đầu tư phải có chiến lược đầu tư rõ ràng, tránh những sai lầm phổ biến dưới đây:
Thứ nhất, mua bình quân giá
Khi tài khoản lao dốc, rất nhiều nhà đầu tư sử dụng phương pháp bình quân giá xuống. Năm 2020 và năm 2021, việc "dò đáy" để bình quân giá là phương pháp được rất nhiều nhà đầu tư áp dụng vì khả năng chiến thắng cao. Tuy nhiên, năm nay thị trường khó đoán định nên việc mua bình quân giá giảm thực sự là một chiến lược đầu tư nguy hiểm mà nhà đầu tư cần tránh, nó sẽ làm bạn đã thua lỗ ở hiện tại và mức lỗ có thể còn nghiêm trọng hơn khi cổ phiếu giảm sâu. Do đó, chuyên gia cho rằng là nếu nhà đầu tư "dò đáy" lần một không ổn nên nhanh chóng cắt lỗ, chờ có điểm mua an toàn hãy tham gia.
Thứ hai, cố gắng dự đoán thị trường
Nhìn bên ngoài thì đặt mục tiêu mua vào khi giá chạm đáy và bán ra ở mức đỉnh là 1 chiến lược hoàn hảo. Nhưng vấn đề ở đây là hầu hết mọi người không thể dự báo chính xác khi nào giá chạm đáy hay đạt đỉnh. Đó là lý do tại sao chuyên gia cho rằng việc "cố gắng đoán định thị trường" là sai lầm hàng đầu.
Theo ông Minh, điều quan trọng nhất là đưa ra chiến lược giao dịch phù hợp với bối cảnh hiện tại, còn việc dò đáy đoán đỉnh là điều rất khó. Nguy hiểm hơn là nhiều người còn tự tin vào dự đoán của mình, ra quyết định all in tại ngưỡng được cho là đáy.
Thứ ba, không có thời điểm cắt lỗ rõ ràng
Vốn dĩ việc mua vào thì rất dễ, bán ra mới khó. Rất nhiều người đã phải trả một cái giá rất đắt khi cho rằng "Giá mã này đã chạm đáy và không thể rẻ hơn được". Trên thực tế, nhiều cổ phiếu trong tình trạng giảm giá không bao giờ tăng giá trở lại. Do đó, việc "gồng lỗ" sẽ là một sai lầm rất lớn trong khi thị trường đang có diễn biến tiêu cực như hiện tại.
Đưa ra chiến lược cho những nhà đầu tư dài hạn, chuyên gia cho rằng bên cạnh việc xem xét trạng thái giá vốn, cần đợi kết thúc tháng 5 để đưa ra quyết định. Nếu vẫn giữ được chỉ số mốc 1.300 thì xu thế dài hạn vẫn giữ được. Tuy nhiên, trong trường hợp ngược lại thì nhà đầu tư cần xem xét việc giảm tỷ trọng danh mục và chờ đợi cơ hội mới.
Đồng thời, ông Minh cũng lưu ý, nhóm cổ phiếu tiêu dùng, bán lẻ và hoá chất vẫn là nhóm "trú ẩn" cho nhà đầu tư dù xu thế dài hạn của thị trường kém tích cực.