Những cách dạy con độc hại, cực đoan gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, hành vi của trẻ. Điều này dẫn đến nhiều trở ngại khi trẻ lớn lên và hòa nhập với xã hội. Dưới đây là 3 điều mà các bậc phụ huynh cần tránh trong quá trình nuôi dạy con.
Đừng nói mãi câu: "Tất cả vì lợi ích của con"
"Tất cả vì lợi ích của con" – đây là câu nói gây ám ảnh cho trẻ, khiến trẻ mệt mỏi và căng thẳng, luôn có cảm giác bản thân chịu ơn. Thế nhưng, không ít cha mẹ thường sử dụng câu nói này hằng ngày. Cha mẹ vin cớ "muốn tốt cho con" để ép con làm việc này, việc kia.
Cha mẹ càng ép trẻ làm điều trẻ không muốn, trẻ càng trở nên nổi loạn. Cha mẹ càng kiểm soát, trẻ càng rơi vào những cảm xúc tiêu cực như buồn phiền, nhạy cảm, dễ nổi nóng,… Và điều này còn khiến đứa trẻ trở nên xa cách cha mẹ, không muốn chia sẻ mọi vướng mắc gặp phải.
Ảnh minh họa.
Hãy để kỳ vọng của cha mẹ về con cái trở thành chính kỳ vọng của con bằng việc thay đổi quan điểm. Đứa trẻ cần là người đầu tiên chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình.
Cha mẹ cần học cách tôn trọng bản chất phát triển của trẻ và hạ thấp kỳ vọng dành cho trẻ. Hãy hỏi xem con cần gì, có muốn giúp đỡ không và có thể đề nghị giúp đỡ bất cứ khi nào. Như vậy, trẻ sẽ được làm chủ cuộc đời mình, tự chịu trách nhiệm trước mọi việc và mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái cũng trở nên hài hòa hơn.
Đừng chỉ luôn "dãn nhãn" con cái
Bạn có bao giờ phân chia trẻ thành những đứa trẻ ngoan và những đứa trẻ hư hay không? Bạn có thường so sánh con mình với con của người thân, bạn bè?
Chúng ta thường xuyên bắt gặp những lời "dán nhãn" độc hại trong cuộc sống. Chẳng hạn như:
- Đứa trẻ này không chào hỏi ai, như thế là thiếu lễ phép.
- Đứa trẻ này nhát thế, sao lại sợ mọi người nhìn mình nhỉ?
- Đứa trẻ này học kém quá, tương lai khó thành công.
Những câu nói này vô tình khiến trẻ tổn thương tâm lý, thay đổi tính cách theo chiều hướng xấu. Nhất là trong môi trường học đường, trẻ cũng có nguy cơ bị "dán nhãn": Quậy phá, lười học, kém thông minh,…
Cha mẹ nào đang "dán nhãn", chế giễu con xin hãy dừng lại. Bởi điều này khiến trẻ trở nên tự ti, mặc cảm, không dám đối mặt với khó khăn. Hãy bỏ đi những định kiến và đưa ra lời khuyên hữu ích giúp trẻ hoàn thiện bản thân từng ngày.
Những đứa trẻ bị "dán nhãn" thường bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng. (Ảnh minh họa)
Đừng coi việc kiểm soát cảm xúc là yêu con
Một người mẹ tâm sự, cô cảm thấy buồn phiền trước đứa con gái đang trong độ tuổi teen. Con gái luôn chống đối, cãi lời mẹ trong mọi việc. Trong lớp học, con gái vừa học vừa lén sử dụng điện thoại. Bài tập về nhà cũng không bao giờ làm đúng hạn và thường xuyên bị giáo viên phê bình.
Thấy con như vậy, người mẹ đã rất tức giận, yêu cầu con không được dùng điện thoại. Con gái cô hậm hực, vùng vằng cãi lời và sau lưng lén mượn điện thoại của bạn sử dụng. Mối quan hệ giữa 2 mẹ con càng ngày càng xa cách. Thành tích học tập của con cô cũng chẳng tiến bộ.
Từ câu chuyện của bà mẹ trên, chúng ta đều thấy rằng cha mẹ nào cũng yêu thương, quan tâm đến con. Nhưng những gì các bậc cha mẹ thường quá kiểm soát khiến đứa trẻ cảm thấy ngột ngạt. Chẳng hạn bạn bắt con đi ngủ đúng giờ, đưa ra quy định mỗi ngày đọc bao nhiêu trang sách, phạt nặng khi bị điểm kém, tịch thu điện thoại,… Trẻ sẽ vẫn thực hiện yêu cầu nhưng cảm thấy bức bối.
Cha mẹ cần hiểu trẻ không thể phát triển hoàn hảo theo những điều đã đặt ra. Việc kiểm soát, ép buộc con theo một kế hoạch lập từ trước chỉ khiến con mệt mỏi, áp lực. Điều cha mẹ nên làm là tạo bầu không khí gia đình thoải mái để trẻ trưởng thành theo cách tự nhiên.
Tình yêu đích thực dành cho những đứa trẻ là sự chấp nhận cả những yếu điểm, tôn trọng lựa chọn, con người thật của trẻ. Chứ không phải là những kỳ vọng vượt mức cho phép rồi bắt trẻ phải hoàn thành hết mục tiêu này đến mục tiêu khác.
Hãy đồng hành cùng trẻ trên chặng đường khôn lớn thay vì kiểm soát. Cách này sẽ giúp trẻ hiểu được các giá trị và hành vi đúng đắn. Từ đó, trẻ sẽ có hướng đi phù hợp cho bản thân, trở thành một người sống có trách nhiệm.