Xã hội

11 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật trong 6 tháng đầu năm

Theo thông cáo từ Ban Nội chính Trung ương, ngày 7/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) họp phiên thứ 28 để thảo luận, cho ý kiến về báo cáo tình hình, kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo trong 6 tháng đầu năm 2025 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm và một số nội dung quan trọng khác.

Kỷ luật 11 cán bộ diện Trung ương quản lý trong 6 tháng đầu năm 2025 - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì phiên họp thứ 28 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Về kết quả công tác 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo đánh giá công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được tập trung cao độ, quyết liệt, với nhiều chủ trương, quy định, quan điểm mới được ban hành, vừa phục vụ các nhiệm vụ chính trị, trọng tâm, cấp bách của đất nước, vừa khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Trong 6 tháng đầu, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 100 văn bản về xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Quốc hội sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, thông qua 38 luật, ban hành 45 nghị quyết; Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trên 300 nghị định, nghị quyết, chỉ thị; các bộ, ngành, địa phương ban hành hơn 3.277 văn bản.

Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí đến năm 2035; Hướng dẫn một số nội dung trọng tâm về công tác phòng, chống lãng phí và nhiều cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, công trình nguy cơ gây thất thoát, lãng phí.

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống lãng phí được chỉ đạo đẩy mạnh, gắn với khơi thông nguồn lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý các dự án, công trình chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, hiệu quả thấp, nguy cơ gây thất thoát, lãng phí.

Ban Chỉ đạo ghi nhận Chính phủ đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM; các dự án điện năng lượng tái tạo đã xây dựng nhưng chưa được kết nối, vận hành; 2 dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; 8 dự án nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn theo chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo.

Kết quả nổi bật nữa được Ban Chỉ đạo đề cập là công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh; các cơ quan chức năng đã tập trung kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp dư luận xã hội quan tâm.

" Theo đó, từ đầu năm 2025 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 230 tổ chức đảng và 7.235 đảng viên; Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật 11 cán bộ diện Trung ương quản lý ", thông cáo nêu rõ.

Ngành Thanh tra, Kiểm toán đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán những lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm và các chuyên đề, vụ việc Ban Chỉ đạo giao. Qua thanh tra, kiểm toán kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 9.533 tỷ đồng và 617 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 381 tập thể và 1.083 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 28 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định.

Đặc biệt, trong thời gian chưa đầy 3 tháng Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành thanh tra, kiến nghị xử lý nhiều sai phạm tại 2 dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức theo kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo.

Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước chủ động nhận diện, phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong các lĩnh vực gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế và tính mạng, sức khỏe của Nhân dân. Nhiều vụ án cho thấy có sự móc nối giữa doanh nghiệp, thậm chí bị can, với cán bộ thoái hóa, biến chất trong các cơ quan Nhà nước, gây bức xúc trong dư luận. Một số vụ gây thất thoát, lãng phí lớn tài sản Nhà nước đã bị khởi tố, điều tra, qua đó giúp cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa mạnh mẽ, theo đúng tinh thần "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực".

Ban Chỉ đạo dẫn số liệu, trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố mới 1.776 vụ/4.038 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ.

Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã kết luận điều tra 7 vụ án/127 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 5 vụ án/87 bị can; xét xử sơ thẩm 7 vụ án/94 bị cáo; xét xử phúc thẩm 9 vụ án/221 bị cáo.

Cơ quan điều tra đã mở rộng điều tra, khởi tố mới 2 vụ án; khởi tố thêm 40 bị can từ 8 vụ án; kết thúc điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An; ban hành cáo trạng truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo cũng ghi nhận việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm một số vụ án trọng điểm theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo, gồm: Vụ án xảy ra tại dự án Sài Gòn - Đại Ninh (Lâm Đồng); vụ án xảy ra tại dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, phường Phú Thủy, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị liên quan; vụ án xảy ra tại Trung tâm ứng cứu máy tính VN, Bộ Thông tin và Truyền thông; vụ án xảy ra tập đoàn Thái Sơn, công ty CP Đất hiếm Việt Nam; vụ án xảy ra Tổng công ty Chè Việt Nam; vụ án xảy ra dự án Khu dân cư Tân Thịnh, xã Đồi 61, Đồng Nai; vụ án xảy ra tại Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam...

Hoàn thành xét xử phúc thẩm các vụ án: Vụ án xảy ra tại tập đoàn FLC; vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm một số địa phương; vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB; vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil…

Ban Chỉ đạo đánh giá các cơ quan đã tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số.

Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phương thức quản lý, quản trị, điều hành trên môi trường số, tăng cường công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Chỉ đạo xây dựng, hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, gắn với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, đảm bảo kết nối, chia sẻ, đồng bộ, giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, phục vụ người dân, phục vụ công tác kiểm tra, giám sát theo yêu cầu "giám sát trên dữ liệu, kiểm tra trên dữ liệu".

Đồng thời, công tác thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, đạt nhiều kết quả. Riêng các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, trong giai đoạn điều tra, đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa, thu giữ số tài sản trị giá trên 313 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác.

Đặc biệt, trong giai đoạn xét xử, nhiều bị cáo và gia đình tự nguyện nộp lại hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án (như vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, bị cáo Trịnh Văn Quyết và gia đình đã nộp hơn 2.500 tỷ đồng; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, bị cáo Nguyễn Văn Hậu đã nộp khắc phục toàn bộ hậu quả thiệt hại hơn 1.179 tỷ đồng...).

Trong giai đoạn thi hành án dân sự đã thu hồi gần 7.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay là 103.854 tỷ đồng (đạt 51,57%).

Theo Ban Chỉ đạo, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, cơ sở tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

Các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh đã chỉ đạo triển khai khá toàn diện các nhiệm vụ, cả phòng ngừa và phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đưa 53 vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vào theo dõi, chỉ đạo; các cơ quan chức năng địa phương đã xử lý kỷ luật 43 người đứng đầu do tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 21 trường hợp bị xử lý hình sự; đã khởi tố mới 416 vụ án/1.207 bị can về các tội tham nhũng, tiêu cực; nhiều địa phương đã xử lý kỷ luật, khởi tố bị can là cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý.

Các tin khác

Doanh nghiệp nợ cổ tức hơn chục năm

Theo lịch chốt quyền để trả cổ tức, Công ty CP Sông Đà 12, Công ty CP Sông Đà 4, Công ty CP Simco Sông Đà… đang nợ tiền cổ tức của cổ đông, phải xin gia hạn chi trả nhiều lần.

App EVNHANOI – Giải pháp công nghệ giúp kiểm soát lượng tiêu thụ điện trong mùa nắng nóng cực đoan

Hóa đơn tiền điện tháng 6 vừa qua khiến không ít hộ gia đình “giật mình”. Thực tế cho thấy, có hai nguyên nhân chính khiến chi phí điện tăng cao rõ rệt: nhiệt độ ngoài trời liên tục ở mức 40-42°C suốt nhiều ngày và thói quen sinh hoạt thay đổi khi học sinh bước vào kỳ nghỉ hè. Trong bối cảnh đó, App EVNHANOI trở thành công cụ không thể thiếu để giúp khách hàng chủ động theo dõi, kiểm soát và sử dụng điện hiệu quả.