Tiến sĩ Jane Rigby - Ảnh: Nature
Tiến sĩ Jane Rigby làm việc tại Trung tâm Chuyến bay Không gian Goddard của NASA ở Maryland (Mỹ). Bà gia nhập nhóm nghiên cứu Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST) vào năm 2010, chịu trách nhiệm nghiên cứu ánh sáng các dòng ánh sáng lạ từ vũ trụ xuất hiện trong các quan sát của kính thiên văn.
Tiến sĩ Jane Rigby đóng một vai trò quan trọng trong việc phóng thành công JWST vào không gian năm 2021. Kính viễn vọng trị giá 10 tỉ USD này đã gửi về những bức ảnh ngoạn mục về các hành tinh, thiên hà, tinh vân và các ngôi sao xa xôi. Nó còn phát hiện ra vật chất tối khó nắm bắt, lỗ đen và khí quyển trên các hành tinh có thể có sự sống.
Tiến sĩ, nhà miễn dịch học Yunlong Richard Cao - Ảnh: Nature
Tiến sĩ, nhà miễn dịch học Yunlong Richard Cao bắt đầu công việc nghiên cứu tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) vào cuối năm 2019. Khi Bắc Kinh bị phong tỏa, trong điều kiện khó khăn, Yunlong Richard Cao phát triển một kỹ thuật khoa học mới để nghiên cứu và xác định được các kháng thể có khả năng chống lại các đột biến cao nhất của SARS-CoV-2.
Đồng thời, ông cũng phát hiện cách virus phản ứng với các kháng thể này như thế nào và dự đoán được nhiều đột biến xuất hiện trong các biến thể SARS-CoV-2, đánh giá được khả năng miễn dịch của các biến thể này ngay sau khi chúng được xác định.
Những khám phá của Yunlong Richard Cao đóng góp rất lớn vào cuộc chiến chống đại dịch trên toàn cầu và mở ra những hướng mới trong nghiên cứu điều chế vắc-xin phòng COVID-19.
Tiến sĩ Saleemul Huq - Ảnh: Nature
Tiến sĩ Saleemul Huq là một nhà nghiên cứu khí hậu làm việc tại Trung tâm Quốc tế về Biến đổi Khí hậu và Phát triển ở Bangladesh. Ông là người lãnh đạo một chiến dịch kéo dài hơn 30 năm qua nhằm khiến các quốc gia giàu có, phát thải cao thừa nhận trách nhiệm tài chính của họ.
Tại hội nghị thượng đỉnh COP27 vào tháng 11 năm nay, Saleemul Huq thành công trong việc yêu cầu các quốc gia tham dự đồng ý với quỹ "tổn thất và thiệt hại": chi trả hàng tỉ USD cho các quốc gia dễ bị tổn thương do thời tiết khắc nghiệt và mực nước biển dâng cao và biến đổi khí hậu gây nên.
Tiến sĩ khoa học Svitlana Krakovska - Ảnh: Nature
Tiến sĩ khoa học Svitlana Krakovska là người đứng đầu phái đoàn Ukraine của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). Bà đã liên kết việc Nga tấn công Ukraine với biến đổi khí hậu, vì cuộc chiến làm nổi bật sự phụ thuộc của loài người vào nhiên liệu hóa thạch.
Việc phụ thuộc năng lượng từ đốt than, dầu và khí đốt đã thay đổi cán cân quyền lực trong thế giới loài người.
Tiến sĩ Dimie Ogoina - Ảnh: Nature
Tiến sĩ y khoa người Nigeria Dimie Ogoina (hiện công tác tại Đại học Niger Delta ở Amassoma, Nigeria) là người đầu tiên chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ (hiện được gọi là mpox), trong đợt bùng phát năm 2017. Sau đó, ông liên tục trình bày chi tiết và cảnh báo về sự lây lan của bệnh do virus trên khắp đất nước.
Vào năm 2019, Dimie Ogoina lập luận rằng nó có thể lây lan qua quan hệ tình dục, vì trẻ em dường như không mắc bệnh ngay cả trong những hộ gia đình có người mắc bệnh này. Phát hiện này đã giúp nâng cao nhận thức về bệnh mpox và mức độ nghiêm trọng của nó ở các quốc gia có thu nhập cao, đồng thời thúc đẩy các chiến dịch tiêm chủng.
Chuyên gia về chính sách và sức khỏe cộng đồng Lisa McCorkell - Ảnh: Nature
Lisa McCorkell là một chuyên gia về chính sách và sức khỏe cộng đồng người Mỹ, cũng từng mắc và gặp các triệu chứng kéo dài của COVID-19. Cuối năm 2020, cô thành lập Tổ chức hợp tác nghiên cứu do bệnh nhân lãnh đạo cùng với bốn bệnh nhân/nhà nghiên cứu mắc COVID-19 kéo dài khác.
Nhóm của Lisa McCorkell huy động được 4,8 triệu USD tài trợ cho các dự án nghiên cứu về COVID-19 và vận động cho chính sách "cho phép bệnh nhân được quyền chăm sóc và không bị kỳ thị". McCorkell đã làm chứng trước Quốc hội Hoa Kỳ về nhu cầu của bệnh nhân, liên lạc với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ và ghi lại hơn 200 triệu chứng về COVID-19 kéo dài.
Tiến sĩ Diana Greene Foster - Ảnh: Nature
Vào ngày 24-6, Tòa án Tối cao Mỹ đã hủy bỏ quyết định của tòa án Roe v. Wade, cho phép hơn một nửa số bang của Mỹ cấm hoặc hạn chế phá thai. Đây là một vấn đề nhạy cảm và gây nhiều tranh cãi tại Mỹ trong năm qua.
Tiến sĩ, nhà nhân khẩu học tại Đại học California (Mỹ) Diana Greene Foster đã tìm cách chứng minh tác động của lệnh cấm này thông qua nghiên cứu tác động của việc từ chối phá thai của một phụ nữ đối với sức khỏe tinh thần, thể chất và kinh tế của họ trong 5 năm sau đó.
Nghiên cứu của bà cho kết quả rằng phụ nữ có nhiều khả năng phải sống trong nghèo đói, nuôi con một mình và gặp các biến chứng khi sinh do bị từ chối phá thai. Diana Greene Foster tìm cách trình bày trước những cơ quan có thẩm quyền, mong muốn kết quả sẽ tác động đến quyết định có nên hủy bỏ các hạn chế và lệnh cấm phá thai ở các tiểu bang.
Tổng thư ký của Liên Hiệp Quốc António Guterres - Ảnh: Nature
Tổng thư ký của Liên Hiệp Quốc (LHQ) António Guterres đã đưa ra những ý kiến mạnh mẽ liên quan đến cuộc khủng hoảng khí hậu trong suốt năm nay. Ông cảnh báo rằng thế giới đang dần xuất hiện "những lãnh thổ bị hủy diệt" và đưa ra quy mô của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Sau khi quỹ tổn thất và thiệt hại được thống nhất trong COP27 vào tháng trước, ông nhận xét rằng "Trái đất vẫn đang trong giai đoạn nguy cấp", "cần giảm mạnh lượng khí thải ngay lúc này và đây là vấn đề mà COP không giải quyết được".
Những tuyên bố táo bạo đã trở thành thương hiệu trong nhiệm kỳ của ông. Chúng thường liên quan đến các vấn đề môi trường toàn cầu, biến đổi khí hậu cũng như vấn đề bất bình đẳng khí hậu giữa các quốc gia.
Tiến sĩ y khoa Muhammad Mohiuddin - Ảnh: Nature
Tiến sĩ y khoa Muhammad Mohiuddin đã làm nên lịch sử vào ngày 8-1 khi ông cùng với nhóm cộng sự cấy ghép thành công tim heo cho người. Người được phẫu thuật là bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối 57 tuổi, đã trải qua quy trình thử nghiệm kéo dài 9 giờ tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland (Mỹ).
Tim heo đã trải qua quá trình chỉnh sửa gene để hệ thống miễn dịch của cơ thể bệnh nhân này có thể tiếp nhận nội tạng mới. Mặc dù bệnh nhân này đã qua đời sau đó 2 tháng nhưng thành công và thời gian kéo dài hơn dự kiến và đã mang lại hi vọng to lớn đối với các phẫu thuật cấy ghép nội tạng trong tương lai.
Nhà xã hội học Alondra Nelson - Ảnh: Nature
Cố vấn chính sách, nhà xã hội học Alondra Nelson giữ vai trò Phó Giám đốc Khoa học và Xã hội tại Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ Hoa Kỳ (OSTP) từ tháng 2 đến tháng 10-2022. Cơ quan này chịu trách nhiệm cung cấp tư vấn khoa học cho Tổng thống và điều phối các chính sách khoa học.
Trong năm 2022, Alondra Nelson nghiên cứu Dự luật về quyền AI, nêu bật chi tiết những quyền con người nào cần được bảo vệ khi xây dựng và triển khai các công nghệ trí tuệ nhân tạo, bao gồm quyền riêng tư, bình đẳng chủng tộc và xã hội.
Bà cũng kêu gọi các cơ quan chính phủ đảm bảo công chúng có thể tiếp cận đầy đủ nghiên cứu ngay khi nó được công bố.