Trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh Bình Định đã đón nhận lượng du khách lên đến 5,6 triệu lượt, vượt kế hoạch cả năm 2024. Doanh thu từ ngành du lịch cũng ghi nhận con số ấn tượng, ước tính đạt khoảng 15.000 tỷ đồng, tăng 96,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Đây là lần đầu tiên tỉnh Bình Định đạt mức tăng trưởng vượt bậc cả về lượng du khách lẫn doanh thu chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm. Con số này cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch Bình Định sau "đoạn chững Covid-19".
Chia sẻ với truyền thông, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, cho biết: Sự tăng trưởng này phần lớn nhờ vào việc tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn như Tuần lễ Amazing Bình Định, giải vô địch thế giới mô tô nước Aquabike, giải vô địch thế giới thuyền máy F1H2O, và giải Teqball thế giới năm 2024. Những sự kiện này đã thu hút đông đảo du khách từ trong và ngoài nước đến với Bình Định.
Ngoài ra, ông Thanh cũng giải thích thêm rằng, lượng du khách đến Bình Định được phân thành hai loại: khách tham quan và khách lưu trú. Số liệu về khách lưu trú được thu thập từ các cơ sở lưu trú, trong khi khách tham quan được thống kê dựa trên số liệu từ các địa điểm du lịch. Những con số này đều được xác thực từ thực tế, đảm bảo tính chính xác trong quá trình báo cáo.
Như vậy, với số liệu trên, Bình Định đã lọt vào Top 10 tỉnh thành có doanh thu du lịch hơn 10.000 tỷ đồng nửa đầu năm, bên cạnh những cái tên "sừng sỏ" khác như TP.HCM, Hà Nội, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Kiên Giang và Bình Thuận.
Là tỉnh ven biển thuộc khu vực Nam Trung Bộ, Bình Định sở hữu đường bờ biển dài 134 km và vị trí địa lý tiếp giáp các tỉnh Gia Lai, Quảng Ngãi, và Phú Yên. Thủ phủ của tỉnh là thành phố Quy Nhơn, nằm cách Hà Nội khoảng 1.070 km, cách Đà Nẵng 320 km về phía bắc và cách TP.HCM 650 km về phía nam.
Tỉnh Bình Định có mạng lưới giao thông thuận lợi, với Sân bay Phù Cát cách trung tâm thành phố Quy Nhơn 35 km, ga Diêu Trì (huyện Tuy Phước) cách Quy Nhơn gần 10 km và cảng biển Quy Nhơn chủ yếu phục vụ giao nhận hàng hóa. Do đó, du khách có thể dễ dàng tới đây bằng các phương tiện như máy bay, ô tô, và tàu hỏa.
Nhiệt độ trung bình của Bình Định khoảng 27 độ C. Vùng núi và cao nguyên thường có nhiệt độ thấp nhất khoảng 20 độ C, trong khi vùng biển có thể đạt tới 35-36 độ C vào những ngày nắng nóng.
Mùa mưa tại Bình Định thường bắt đầu từ tháng 9 và kéo dài đến tháng 12, riêng khu vực miền núi có thể mưa từ tháng 5 đến tháng 8 do ảnh hưởng của khí hậu Tây Nguyên. Mùa khô diễn ra từ tháng 1 đến tháng 8, với thời tiết mùa hè nắng nhẹ, không quá oi bức và ít bị ảnh hưởng bởi bão, tạo điều kiện lý tưởng cho hoạt động du lịch.
Quy Nhơn - Trái tim của Bình Định
Quy Nhơn luôn là điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo du khách mỗi mùa du lịch. Trong vòng 15 năm qua, lượng khách du lịch đến Quy Nhơn đã tăng gấp 10 lần, biến nơi đây trở thành điểm đến nổi bật cho cả du khách trong và ngoài nước.
Nơi đây nổi bật với đường bờ biển dài, nước biển xanh trong, bãi cát mịn và thoai thoải, tạo điều kiện lý tưởng cho các hoạt động nghỉ dưỡng. Đặc sản ẩm thực của Quy Nhơn phong phú và độc đáo, với những món ăn đặc trưng như bánh hỏi lòng heo, bánh xèo tôm nhảy, chả ram, và bánh ít lá gai.
Đầm Thị Nại - Vùng sinh thái lớn nhất tỉnh
Cách thành phố Quy Nhơn 8 km về phía đông bắc, đầm Thị Nại là đầm lớn nhất Bình Định, với diện tích mặt nước lên tới 5.000 ha và chiều dài hơn 10 km. Đầm Thị Nại không chỉ nổi bật với hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú mà còn chứa đựng nguồn tài nguyên sinh học đa dạng. Lịch sử ghi nhận nơi đây từng là căn cứ thủy quân của nhà Tây Sơn và chứng kiến nhiều trận thủy chiến giữa nghĩa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh vào đầu thế kỷ 19.
Tại đó còn có Cầu Thị Nại, với chiều dài gần 2.500 m, từng là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. Cây cầu này kết nối thành phố Quy Nhơn với khu kinh tế Nhơn Hội, trở thành điểm nhấn không thể bỏ qua khi du khách đến khám phá Bình Định.
Di sản văn hóa Chăm Pa
Bình Định là nơi lưu giữ nhiều công trình kiến trúc và điêu khắc đậm nét văn hóa Chăm Pa. Trải qua hàng nghìn năm, hệ thống tháp Chăm tại đây vẫn giữ được vẻ cổ kính, trầm mặc, và hầu như còn nguyên vẹn. Sau Quảng Nam, Bình Định là tỉnh có số lượng tháp Chăm lớn thứ hai, phân bố ở các khu vực như Quy Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn và Tây Sơn.
Tháp Bánh Ít, nằm trên một ngọn đồi tại huyện Tuy Phước, được xây dựng từ thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 12, là cụm tháp Chăm lớn nhất tại Bình Định. Khu di tích này cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20 km. Tháp Cánh Tiên, tọa lạc tại thị xã An Nhơn, từng là kinh đô của vương quốc Chăm Pa cổ, nổi bật với giá trị kiến trúc và tôn giáo lịch sử. Cách thành phố Quy Nhơn khoảng 50 km, tháp Dương Long ở huyện Tây Sơn, với chiều cao hơn 30 m, được trang trí bằng những hoa văn và họa tiết tinh xảo, đặc trưng của người Chăm, là một trong những công trình kiến trúc Chăm Pa ấn tượng nhất tại Bình Định.
Kỳ Co - "Maldives thu nhỏ" của Việt Nam
Kỳ Co ở Quy Nhơn, với vẻ đẹp hoang sơ và bãi biển hình lưỡi liềm uốn cong như vầng trăng khuyết, luôn gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách. Từ xa, Kỳ Co hiện lên với cảnh quan hùng vĩ của núi non, những tầng cây xanh mướt và hàng dừa nghiêng mình xuống triền cát, tạo nên khung cảnh thơ mộng.
Điểm đặc trưng của Kỳ Co chính là sắc màu độc đáo của nước biển. Từ xa khơi đến bờ, nước biển chia thành nhiều dải màu, từ xanh đậm, xanh dương đến xanh ngọc bích. Khi tắm biển, du khách có thể nhìn thấy đáy, cảm nhận sự trong xanh tuyệt đối của dòng nước.
Hai bên eo biển Kỳ Co có những bãi đá vươn ra biển, tạo thành các hẻm núi thú vị. Một số bãi đá sụt xuống tạo thành các hố nông, khi thủy triều lên, nước biển lưu lại, hình thành những hồ nước nhỏ. Đá tại đây xếp chồng lên nhau, dựng đứng tạo thành cảnh quan độc đáo, nhiều chỗ bị nước biển bào mòn, tạo thành các lỗ hổng lớn như những hang động kỳ thú.
Cù Lao Xanh - Viên ngọc hoang sơ
Cù Lao Xanh, hay còn gọi là đảo Vân Phi, nằm trong vịnh Xuân Đài thuộc xã Nhơn Châu, cách bờ biển thành phố Quy Nhơn khoảng 25 km. Với diện tích khoảng 365 ha, hòn đảo này nổi tiếng qua câu ca: "Bình Định có núi Vọng Phu, có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh".
Biển Cù Lao Xanh trong xanh và sạch sẽ, chưa bị tác động bởi du lịch ồ ạt. Cư dân trên đảo chủ yếu sinh sống tại làng chài ở phía nam, trong khi phía bắc là những dãy núi với hình thù lạ mắt, góp phần tạo nên vẻ đẹp hoang sơ, hấp dẫn của hòn đảo.
Trước đó, du khách tới Bình Định đã có không ít sự lựa chọn lưu trú với đa dạng các loại hình từ homestay, nhà nghỉ bình dân cho đến các khu resort, khách sạn sang trọng. Một số resort nổi tiếng nằm xa trung tâm có thể kể đến như Anantara Quy Nhon Villas, Avani Quy Nhon resort & spa, Maia resort Quy Nhon, Casa Marina resort, Crown Retreat Quy Nhon, FLC resort Quy Nhon. Nếu muốn ở trong thành phố, Mường Thanh, Khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn, FLC City Hotel, FLC Sea Tower, TMS Quy Nhon Apartment, L'amor Boutique Hotel, Fleur De Lys Hotel Quy Nhon... là những cái tên quen thuộc.
Sau 2 năm có doanh thu du lịch tăng vọt, tỉnh Bình Định tiếp tục trở thành điểm sáng thu hút các "đại gia" phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Tháng 10 năm 2023, tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư hai dự án du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự gần 7.800 tỷ đồng tại Nhơn Lý – Cát Tiến, với tổng diện tích hơn 68,4 ha, bao gồm 3.455 lô đất biệt thự và căn hộ khách sạn biển.
Đến tháng 4 năm 2024, dự án Khu du lịch Tân Thanh tại thôn Tân Thanh, xã Cát Hải, Khu kinh tế Nhơn Hội, cũng đã được chấp thuận đầu tư. Dự án này có quy mô gần 43 ha, với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 4.346 tỷ đồng. Khu du lịch Tân Thanh được thiết kế để trở thành một khu du lịch cao cấp, kết hợp với các dịch vụ thương mại như khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, khu dịch vụ thương mại hỗn hợp thấp tầng, vui chơi giải trí, công viên, spa chăm sóc sức khỏe... Tất cả đều được phát triển hài hòa với cảnh quan ven biển, nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của khu vực.
Những dự án lớn liên tục được lên kế hoạch đấu thầu cho thấy Bình Địch đang tích cực ưu tiên phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đây sẽ là tiền đề tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
(Tổng hợp / Ảnh: Internet)