Tài chính

Yếu tố nào giúp Fintech “được lòng” doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh?

Hơn cả việc cải thiện khả năng tiếp cận nguồn vốn vay với các yêu cầu ít nghiêm ngặt hơn, chi phí thấp hơn, các đơn vị cung ứng dịch vụ tài chính số (Fintech) đóng vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng, chuyển đổi số, hiện đại hoá hoạt động kinh doanh… của các SMEs, hộ kinh doanh.

Dữ liệu là một loại tài sản bảo đảm mới

Khảo sát của Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) thực hiện đối với 9 quốc gia (trong đó có Việt Nam), cho thấy trong vòng 10 năm trở lại đây, tỷ lệ yêu cầu tài sản bảo đảm khi đi vay đối với SMEs luôn giữ ở mức cao.

"Các DN tại Việt Nam cho rằng việc các tổ chức tín dụng yêu cầu tài sản bảo đảm đối với khoản vay là điều bất hợp lý, song trên thực tế đây là tình trạng chung ở các quốc gia cùng trình độ phát triển với Việt Nam", báo cáo của IDS nêu rõ.

Đơn cử tại Campuchia, 100% SMEs đi vay đều phải có tài sản thế chấp. Việt Nam và Indonesia là các quốc gia xếp vị trí thứ hai và ba sau Campuchia về rào cản tài sản bảo đảm đối với SMEs, khi có khoảng hơn 85% các khoản vay của nhóm này có yêu cầu tài sản bảo đảm. Các quốc gia khác như Bangladesh, Botswana hay Philippines chỉ tiêu này trong khoảng 50% - 60%.

Trong bối cảnh đó, các công ty Fintech nổi lên như một lựa chọn mới cho các SMEs cần vốn. Với lợi thế công nghệ, thu thập và phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, DN Fintech có thể chấm điểm tín dụng khách hàng một cách chính xác và hiệu quả. Nhờ đó, quy trình đăng ký vay mà các Fintech cung cấp khá tinh gọn, không đòi hỏi tài sản bảo đảm, thời hạn trả nợ linh hoạt… Đây là những yếu tố rất quan trọng đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cần hỗ trợ tài chính kịp thời.

Yếu tố nào giúp Fintech “được lòng” doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh?- Ảnh 1.

DN Fintech với lợi thế công nghệ và dữ liệu có thể chấm điểm tín dụng khách hàng một cách chính xác và hiệu quả.

Báo cáo của EY về "Thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam và vai trò của Fintech" chỉ rõ, các DN Fintech có khả năng thu thập và xử lý nhiều dữ liệu hành vi đối với nhóm người dân "yếu thế" vốn không có nhiều thông tin tài chính chính thống. Lượng thông tin phong phú này có thể được sử dụng để phát triển hệ thống chấm điểm tín dụng toàn diện hơn, thường được gọi là chấm điểm tín dụng thay thế. Khi những mô hình này được đào tạo với đầy đủ dữ liệu, chúng sở hữu tiềm năng đánh giá chính xác hơn về mức độ tín nhiệm của từng cá nhân, giúp các TCTD đưa ra quyết định cấp tín dụng tốt hơn và mở rộng phạm vi tín dụng tới một tệp khách hàng lớn hơn.

Ngoài chấm điểm tín dụng, Fintech còn cung cấp các giải pháp như phát hiện gian lận và eKYC để hỗ trợ các ngân hàng triển khai trải nghiệm tiếp nhận khách hàng được số hóa hoàn toàn và quản lý rủi ro hoạt động. Bên cạnh đó, Fintech còn phát triển các sản phẩm hỗ trợ tổ chức tài chính tiếp cận cơ sở khách hàng rộng hơn thông qua các mô hình như chợ tài chính, mini app, tài khoản khách hàng doanh nghiệp.

Không dừng lại ở vai trò làm cầu nối cấp vốn tín dụng, chính các Fintech cũng tạo ra mô hình để "nâng cấp" doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh. EY nhìn nhận Fintech đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số của các DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh, mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi VISA, 73% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam cho rằng việc áp dụng thanh toán số đóng vai trò là cơ sở cho tăng trưởng.

Fintech giúp ngân hàng giải bài toán mở rộng thị phần

Trong phần "Phỏng vấn chuyên gia" của Báo cáo "Thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam và vai trò của Fintech", ông Đinh Văn Chiến – Phó Tổng giám đốc TPBank đánh giá rằng các ngân hàng truyền thống đang đối mặt với nhiều thách thức khi mở rộng dịch vụ đến một số nhóm khách hàng nhất định, trong đó có DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh. Lý do là thu nhập của nhóm này không ổn định và mang tính thời vụ, cách thức vận hành truyền thống không ghi nhận đầy đủ giao dịch để chứng minh thu nhập một cách minh bạch, và nhu cầu không thường trực, mang tính thời điểm phụ thuộc vào chu kỳ kinh doanh. Ngoài ra các nhóm này thường có thói quen sử dụng các kênh vay phi chính thức để đáp ứng nhu cầu tức thì, cũng tạo thêm thách thức đối với ngân hàng khi chấm điểm tín nhiệm.

Yếu tố nào giúp Fintech “được lòng” doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh?- Ảnh 2.

Fintech có thể hỗ trợ ngân hàng chấm điểm tín dụng với các khách hàng chưa có lịch sử tín dụng, giúp mở rộng cơ hội tiếp cận vốn.

Ngân hàng cũng đối mặt với thách thức trong việc triển khai sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng phân khúc, vì đòi hỏi cần đầu tư vào nghiên cứu, đánh giá khả thi, đầu tư công nghệ và xây dựng mô hình quản trị rủi ro.

Thời gian qua, các công ty Fintech tại Việt Nam đã nỗ lực cung cấp các giải pháp để thu hẹp khoảng cách giữa ngân hàng và khách hàng SMEs, hộ kinh doanh để thay đổi hiện trạng cho vay. Bằng cách tận dụng phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ tiên tiến khác, các DN Fintech như MoMo, Trusting Social, Kalapa, Validus… có thể cung cấp mô hình chấm điểm tín dụng khách hàng một cách chính xác và hiệu quả hơn. Họ đã phát triển các thuật toán đánh giá tín dụng AI, cho phép sử dụng dữ liệu thay thế và các mô hình dự đoán để tự động hóa quy trình đánh giá rủi ro tín dụng cho các khoản vay sản xuất kinh doanh có giá trị nhỏ.

Ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập MoMo đánh giá, các tổ chức tài chính truyền thống phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi cung cấp dịch vụ tài chính tới SMEs, thậm chí họ phải đối diện với các vấn đề phức tạp hơn do thiếu hụt dữ liệu về nhu cầu kinh doanh, đặc biệt là nhóm hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ. Những công ty Fintech như MoMo có thể hỗ trợ giải quyết vấn đề này thông qua việc ứng dụng phân tích dữ liệu lớn, qua đó hỗ trợ ngân hàng trong việc chấm điểm tín dụng đối với các khách hàng chưa có lịch sử tín dụng. Sự hợp tác giữa MoMo và các ngân hàng cũng giúp cung cấp thông tin đầy đủ hơn về DN, từ đó giảm thiểu rủi ro cho bên cho vay và mở rộng cơ hội tiếp cận vốn.

Ông Đinh Văn Chiến chia sẻ thêm, TPBank đang hợp tác với các DN Fintech để mở rộng dịch vụ đến nhóm khách hàng unbanked (khách hàng chưa được tiếp cận dịch vụ tài chính) và underbanked (khách hàng chưa được phục vụ đầy đủ), giúp mang lại lợi ích cho khách hàng và giảm chi phí đầu tư cho ngân hàng. Các lĩnh vực hợp tác rất đa dạng, như Ứng trước tiền hàng (COD Financing); Mô hình và công cụ chấm điểm tín dụng phi truyền thống; Cho vay phát triển kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử; Mua trước trả sau (BNPL).

Ông Chiến khuyến nghị rằng sự hợp tác giữa ngân hàng và Fintech có thể đem lại sản phẩm dịch vụ tốt hơn cho khách hàng, nhưng cần vừa triển khai từng bước vừa làm rút kinh nghiệm để có thể hạn chế được rủi ro trong quá trình mở rộng, tăng trưởng. Kinh nghiệm từ TPBank cho thấy mô hình hợp tác này cần khoảng 2-3 năm để phát triển và không phải ngân hàng nào cũng sẵn lòng hợp tác do mô hình này vẫn còn mới và chưa hiệu quả ngay.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, đến năm 2022, Việt Nam có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong đó SMEs chiếm đến 98% tổng số DN đang hoạt động, đóng góp tới 45% GDP và 31% tổng thu ngân sách. Số liệu này còn chưa kể đến khoảng 5 triệu hộ kinh doanh với hơn 9 triệu lao động đóng góp 30% GDP của cả nước. Tuy vậy, chỉ khoảng 30% DN nhỏ được tiếp cận với nguồn vốn chính thức. Số còn lại không thể đáp ứng yêu cầu tài sản bảo đảm cao và thủ tục giấy tờ phức tạp, nên phải sử dụng các nguồn tín dụng không chính thức - thường với chi phí cao và rủi ro đáng kể.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm