Thời sự

Xử lý người tung tin đồn khuynh đảo chứng khoán

Thời gian vừa qua, Bộ Công an đã xử lý, khởi tố bắt giam nhiều Facebooker, KOL (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội - MXH)… đưa thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức, thị trường tài chính, ngân hàng.

Thiệt hại về kinh tế

Cụ thể, ngày 14-4, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã khởi tố bị can, bắt khẩn cấp Đặng Như Quỳnh (trú tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) để điều tra về hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân", quy định tại điều 331 Bộ Luật Hình sự.

Cơ quan An ninh điều tra xác định bị can Quỳnh đã đăng tải các thông tin không đúng sự thật trên MXH Facebook có hàm ý một số cá nhân là đại diện của các công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán sắp bị bắt, xử lý hình sự, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, làm thiệt hại về kinh tế, uy tín của tổ chức, cá nhân và nhà đầu tư.

Đặng Như Quỳnh là nhân vật khá nổi tiếng trên Facebook thông qua các hoạt động từ thiện. Tài khoản Facebook của bị can này có hàng trăm ngàn lượt theo dõi, cũng thường xuyên đưa các thông tin về nhiều vấn đề kinh tế, xã hội...

Sau khi ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC - bị bắt, Facebook Đặng Như Quỳnh đã đăng nhiều bài viết với nội dung ám chỉ một số chủ tịch tập đoàn đầu tư, kinh doanh trên lĩnh vực tài chính, chứng khoán… tiếp theo sẽ bị cơ quan điều tra "sờ gáy". Bài viết thu hút hàng ngàn lượt like, chia sẻ khắp các diễn đàn tài chính, chứng khoán, bất động sản, gây hoang mang cho những nhà đầu tư. Đáng chú ý, trước đó, Đặng Như Quỳnh cũng từng bị Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao yêu cầu phải gỡ bỏ hơn 200 bài viết với nội dung chưa được kiểm chứng, sai sự thật về dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Nhận định về vụ án Đặng Như Quỳnh, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho biết đây không phải là trường hợp đầu tiên người sử dụng MXH bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này. Trong đó, không chỉ có những phần tử bất mãn, chống đối chính quyền mà cả những người có trình độ học thức, có địa vị xã hội, có hiểu biết xã hội nhưng vì muốn nổi tiếng, muốn thể hiện cá nhân, muốn khoe tài, khoe chữ nhưng coi thường pháp luật, coi thường danh dự nhân phẩm của người khác, coi thường lợi ích của người khác nên đã bị xử lý bằng chế tài hình sự.

Theo đó, cơ quan điều tra sẽ thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh hành vi vi phạm, nhận thức của các bị can đối với hành vi vi phạm và đánh giá hậu quả đã gây ra đối với xã hội. "Nếu những thông tin mà các facebooker đưa ra không đúng sự thật và nhận thức được điều đó nhưng vẫn cố ý đưa thông tin không có căn cứ, quy kết người khác gây tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh, thiệt hại cho tổ chức, cá nhân thì đây là hành vi vi phạm pháp luật" - luật sư Cường phân tích.

Xử lý người tung tin đồn khuynh đảo chứng khoán - 1

Xử lý người tung tin đồn khuynh đảo chứng khoán - 2

Đặng Như Quỳnh liên tục đăng những bài viết vô căn cứ làm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong thời gian quaLợi dụng MXH để nổi tiếng

Nhận định về tin giả trong thời gian gần đây, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, kiêm Người phát ngôn Bộ Công an - cho biết trước hết, cần khẳng định Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin. "Việc bảo đảm công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp và các quy định pháp luật là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam" - Trung tướng Tô Ân Xô nêu rõ.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, phần lớn người sử dụng MXH đều tuân thủ các quy định của pháp luật, tuyên truyền gương người tốt việc tốt, đều vì mục đích xây dựng, phát triển hướng tới xã hội lành mạnh, dân chủ, văn minh. Tuy nhiên, vẫn có một số đối tượng tham gia mạng xã hội vì mục đích cá nhân, muốn nổi tiếng, tạo ảnh hưởng cá nhân để thu hút dư luận, qua đó kinh doanh, buôn bán, kiếm sống từ việc làm này.

Chánh Văn phòng Bộ Công an cũng cho biết thêm là thời gian gần đây, một số cá nhân sử dụng MXH đăng tải thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng về việc xử lý sai phạm nhiều cá nhân, doanh nghiệp. Những thông tin này tập trung đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản… "Việc đưa thông tin thất thiệt đã tác động xấu tới dư luận xã hội, tâm lý nhà đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính, chứng khoán của Việt Nam. Cùng với đó, họ gây thiệt hại về uy tín, kinh tế của cá nhân, doanh nghiệp và nhà đầu tư" - Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng thu thập, củng cố tài liệu chứng cứ, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định tất cả những cá nhân có hoạt động đăng tải thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng, góp phần tạo môi trường kinh doanh ổn định, lành mạnh. Bên cạnh đó, Bộ Công an khuyến cáo người dân không nghe theo và tiếp tay lan tỏa những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng.

Trả lời báo chí, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán - Ủy ban Chứng khoán nhà nước, vừa cho biết Ủy ban Chứng khoán nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm cũng như rà soát, tiến hành xử lý các đối tượng tung, phát tán tin giả, tin đồn sai sự thật trên thị trường.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện gửi các bộ, ngành chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi đưa tin không chính xác gây mất an ninh, an toàn thị trường.

Đừng tưởng muốn viết gì thì viết

TS Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, cho rằng thời gian vừa qua, các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng diễn biến rất phức tạp. Có người cho rằng mạng xã hội muốn viết gì thì viết, muốn đưa gì thì đưa vì là quyền cá nhân. Tuy nhiên, nếu để chế độ riêng tư viết cho mình đọc thì không sao nhưng khi để chế độ công khai thì nghiễm nhiên thông điệp đưa ra tác động, ảnh hưởng đến nhận thức, suy nghĩ của người khác thì sẽ bị xử lý.

---------------

Luật sư Đặng văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp:

Có thể bị phạt tù đến 7 năm

Theo điều 331 Bộ Luật Hình sự, người nào vi phạm tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" có thể đối mặt với mức phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Đối với người phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.Đối với tội danh này, đòi hỏi cơ quan công an phải chứng minh được những bài viết của bị can gây thiệt hại về vật chất, tinh thần đối với cá nhân, tổ chức. Trong quá trình xác minh, cơ quan công an sẽ phải thu thập chứng cứ, tài liệu để chứng minh có thiệt hại xảy ra. Bên cạnh đó, các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về tinh thần, vật chất vẫn có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường.

-----------------

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset:

Khó dập tắt hay đính chính tin đồn

Tin đồn có "đất sống" bởi nhiều nguyên nhân. Về mặt pháp luật, đó chính là quy định về công bố thông tin tại Thông tư 96/2020/TC-BTC.Thông tư này dù đã quy định rất rõ về các hành vi vi phạm nhưng lại chưa cập nhật thêm hiệu ứng về tin đồn lan truyền qua không gian mạng. Do đó, những người có liên quan tới tin đồn cũng không có cơ sở nào để chủ động công bố thông tin nhằm dập tắt tin đồn hay đính chính cho cá nhân khỏi luồng lo ngại của dư luận. Bộ Tài Chính có thể cũng đã nhìn thấy sự bất cập này và sẽ có thông tư sửa đổi bổ sung để phù hợp với tình hình mới của truyền thông.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm